Tư tưởng về Nhà nước cách mạng

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN:Hồ Chí Minh với đồng bào Việt Bắc (1941 - 1954) doc (Trang 75 - 76)

Ngay từ năm 1930, trong "Chánh cương vắn tắt" Hồ Chí Minh đã xác định nhiệm vụ chính trị của cách mạng Việt Nam là "Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến. Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập. Dựng ra Chính phủ công nông binh. Tổ chức ra quân đội công nông" [82, tr. 1].

Đến tháng 5 năm 1941, Nghị quyết Trung ương tám đã khẳng định rõ về chế độ chính trị và chính quyền Việt Nam: Sau khi đánh đuổi được Pháp, Nhật sẽ thành lập một nước Việt Nam dân chủ mới. Chính quyền cách mạng không phải thuộc riêng một giai cấp nào mà là của chung toàn thể dân tộc, chỉ trừ bọn tay sai của đế quốc Pháp, Nhật.

Khi chuẩn bị tổng khởi nghĩa, Hồ Chí Minh đã có một nhận thức rõ ràng về nhà nước Việt Nam: Một chính quyền nhà nước của dân, do dân, vì dân, phải là một chính quyền hợp pháp, hợp hiến.

vào ngày 9 tháng 3 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương Đảng đã đề ra chủ trương: "Thành lập chính quyền Cách mạng" ở các căn cứ địa, các khu giải phóng.

Đầu tháng 8 năm 1945, mặc dù tình hình rất khẩn trương, việc liên lạc với các địa phương trong cả nước rất khó khăn, Hồ Chí Minh vẫn kiên quyết triệu tập Đại hội quốc dân Tân Trào. Ngày 16/8/1945 Đại hội quốc dân họp tại Tân Trào (Tuyên Quang). Tham dự có hơn 60 đại biểu Bắc - Trung - Nam và đại biểu kiều bào ở nước ngoài, đại biểu của các Đảng phái chính trị, các đoàn thể nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo. Đại hội đã bầu ra ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam gồm năm người: Hồ Chí Minh, Trần Huy Liệu, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Lương Bằng, Dương Đức Hiền.

Ngày 17/8/1945, trước đình Tân Trào, thay mặt ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam, Hồ Chí Minh đọc lời tuyên thệ trong buổi lễ ra mắt quốc dân.

Chúng tôi là những người được Quốc dân đại biểu bầu vào ủy ban giải phóng dân tộc để lãnh đạo cuộc cách mạng của nhân dân ta. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ Quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù, giành độc lập cho Tổ quốc. Dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, quyết không lùi bước. Xin thề [63, tr 274-275].

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN:Hồ Chí Minh với đồng bào Việt Bắc (1941 - 1954) doc (Trang 75 - 76)