Tư tưởng và tấm gương đạo đức cách mạng

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN:Hồ Chí Minh với đồng bào Việt Bắc (1941 - 1954) doc (Trang 72 - 73)

Trong thời gian sống và làm việc ở Việt Bắc, Hồ Chí Minh đã thể hiện một tình cảm nồng thắm thương yêu, quan tâm dìu dắt, giúp đỡ tận tình đồng bào các dân tộc Việt Bắc. Người thấu hiểu đời sống cực khổ, đen tối của nhân dân, đau đớn xót xa trước cảnh đồng bào "một cổ đôi tròng". Người đã giành nhiều thời gian giảng dạy cho cán bộ, nhất là cán bộ thuộc dân tộc ít người làm cho anh chị em dễ hiểu, dễ nhớ, nhằm nâng cao trình độ lý luận cách mạng, phương pháp công tác. Người còn dạy chữ và bồi dưỡng trình độ văn hóa cho cán bộ Việt Bắc. Phần lớn nhân dân lúc bấy giờ không biết chữ trình độ nhận thức hạn chế. Vì vậy, Người đã trực tiếp soạn các tài liệu học tập, bồi dưỡng, tuyên truyền với nội dung ngắn, gọn, lời lẽ dễ hiểu, dễ tiếp thu... Người còn sáng tác ra các bài thơ lục bát, ca dao để cán bộ và nhân dân dễ nhớ để thực hiện.

Người rất tôn trọng phong tục tập quán, tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc, từ cách ăn, mặc, ở, ngôn ngữ của Người luôn hòa nhập, gắn bó với đồng bào. Ngày tết, Người đi chúc tết đồng bào, mừng tuổi "phong bao" cho các cháu thiếu niên nhi đồng. Thường nhật Người luôn kính già, yêu trẻ, tôn trọng phụ nữ, thăm hỏi, an ủi người đau ốm... Chính vì yêu thương nhân dân tha thiết, mong muốn giải phóng họ thoát cuộc đời trâu ngựa của người dân mất nước mà Hồ Chí Minh trong những năm tháng hoạt động cách mạng ở Việt Bắc đã vượt qua biết bao gian khổ để quyết tâm lãnh đạo Đảng và nhân dân vùng lên làm cách mạng giải phóng dân tộc.

Cùng với sự thương yêu, chăm sóc nhân dân, chính con người Hồ Chí Minh, với những hành động, việc làm cao cả của Người là một tấm gương sáng cho đồng bào học tập. Từ lối sống vô cùng giản dị, hòa nhập với đồng bào, đến sự cần cù chịu khó, tiết kiệm... là những gì mà đồng bào được nhìn thấy ở Hồ Chí Minh. Ngay từ những ngày tháng vận động quần chúng làm cách mạng, Người luôn luôn tôn trọng và lắng nghe ý kiến của mọi người. Vì vậy Người nhanh chóng hiểu được tâm tư, nguyện vọng,trình độ của đồng bào thuộc nhiều dân tộc, hiểu được lời ăn tiếng nói của đồng bào và Người trở

thành niềm tin, hy vọng của mọi người. Khuyên bảo ai làm điều gì, bao giờ Bác cũng tự mình làm gương. Làm gương cho quần chúng mới tạo nên được niềm tin của chính quần chúng. Chính vì vậy mà đồng bào các dân tộc Việt Bắc vô cùng kính phục Người, quyết theo Người để làm cách mạng.

Tin nhân dân, yêu thương quý trọng con người, hòa mình một cách tự nhiên vào cuộc sống đời thường của nhân dân các dân tộc dù ở xứ trời Âu Mỹ hay vùng rừng núi Cao Bằng, Việt Bắc, đó là một nét nổi bật trong tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh, làm cho Người trở thành một con người có sức tập hợp và thuyết phục lạ thường.

Trong những năm tháng ở Việt Bắc, Hồ Chí Minh không những là một vị lãnh tụ thiên tài, mà còn là một người thầy, người cha đầy lòng nhân ái. Nhân dân các dân tộc Việt Bắc vô cùng kính yêu Hồ Chí Minh, bởi Người đã để lại một tấm gương trong sáng, mẫu mực về đạo đức cách mạng.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN:Hồ Chí Minh với đồng bào Việt Bắc (1941 - 1954) doc (Trang 72 - 73)