Tư tưởng về phương pháp cách mạng

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN:Hồ Chí Minh với đồng bào Việt Bắc (1941 - 1954) doc (Trang 73 - 75)

Với nhãn quan chính trị sắc bén, Hồ Chí Minh rất nhanh nhạy trước sự biến động của thế giới. Khi tình hình thế giới có nhiều biến động, đầu năm 1941, Hồ Chí Minh đã quyết định về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Tại Hội nghị Trung ương 8 (5/ 1941), Đảng ta quyết định thay đổi chiến lược cách mạng. Mục tiêu cấp bách là giành độc lập dân tộc. Sự thay đổi chiến lược của Đảng ta hết sức kịp thời và đúng đắn. Hội nghị đã đề ra việc thành lập Mặt trận Việt Minh để đoàn kết tất cả các giai cấp, tầng lớp, đảng phái, dân tộc, nhân sĩ... thành một lực lượng chính trị to lớn. Hội nghị đã nhận định phải dùng "Khởi nghĩa vũ trang" [11, tr. 216]. Do đó, Hội nghị đã đề ra: "Chuẩn bị khởi nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của Đảng ta và dân ta trong giai đoạn hiện tại" [11, tr. 239]. Hội nghị cũng nhận định rõ, trước khi nổ ra tổng khởi nghĩa, nếu có điều kiện, ta có thể lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương, cũng có thể giành sự thắng lợi mà mở đường cho một cuộc tổng khởi nghĩa to lớn [11, tr. 213].

Quyết định chuyển hướng chiến lược cách mạng của Hồ Chí Minh và Đảng ta là một quyết định hết sức sáng suốt, góp phần quyết định vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám.

Việc nắm được thời thế cách mạng là hết sức quan trọng, vì từ đó mới có được những quyết sách đúng đắn. Hồ Chí Minh đã từng nói:

"Lạc nước hai xe đều bỏ phí,

Gặp thời, một tốt cũng thành công".

Đó chính là tư tưởng về thời cơ trong cách mạng, một yếu tố vô cùng quan trọng đưa cách mạng đến thắng lợi. Trong thực tế chỉ đạo cách mạng ở Việt Bắc, Hồ Chí Minh đã từng có quyết định kịp thời sáng suốt, cứu cách mạng khỏi thất bại. Tháng 8/1945 Liên tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng họp và quyết định phát động chiến tranh du kích trong toàn tỉnh, tiến lên khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Lúc cuộc khởi nghĩa Cao - Bắc - Lạng sắp nổ ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh sau khi thoát khỏi nhà tù của Tưởng Giới Thạch và ở tại Trung Quốc hoạt động một thời gian, Người đã về đến Cao Bằng, tháng 10/1944 sau khi nghe báo cáo nghị quyết của Liên tỉnh ủy về vấn đề khởi nghĩa, Người chỉ thị phải hoãn ngay cuộc khởi nghĩa. Người cho rằng, nghị quyết của Liên tỉnh ủy mới chỉ căn cứ vào tình hình địa phương mà chưa bao quát tình hình chung cả nước, mới chỉ thấy bộ phận mà chưa thấy toàn cục.

Quyết định sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tránh cho phong trào cách mạng Cao - Bắc - Lạng những tổn thất chưa lường trước được phương hướng đúng đắn. Phương hướng đúng đắn mà Người đề ra đã giúp cho phong trào Cao - Bắc- Lạng bảo vệ được lực lượng và tiếp tục phát triển với những bước đi vững chắc.

Khi thời cơ đến, Hồ Chí Minh lại quyết định nhanh chóng, dứt khoát. Vào cuối tháng 7/1945 tại lán Nà Lừa, trong lúc ốm nặng, Người đã nói với đồng chí Võ Nguyên Giáp "Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập" [63, tr. 267]. Nhờ chuẩn bị chu đáo và chớp thời cơ kịp thời, Cách mạng Tháng Tám đã thành công nhanh chóng, nước ta giành được độc lập tự do.

Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai, bằng nỗ lực ngoại giao của mình, Hồ Chí Minh đã hòa hoãn với Pháp để ta có thêm thời gian chuẩn bị lực lượng kháng chiến, Người đã ký với Pháp Hiệp định sơ bộ (6/3/1946) và tạm ước Việt Pháp

(14/9/1946). Song với dã tâm xâm lược, thực dân Pháp đã ngày càng lấn tới, Hồ Chí Minh đã cùng Trung ương Đảng đã quyết định phát động toàn quốc kháng chiến.

Trong quá trình ta kháng chiến chống thực dân Pháp, Hồ Chí Minh đã có những quyết định rất phù hợp với thời thế cách mạng. Năm 1950 ta quyết định mở chiến dịch Biên Giới, Người đã trực tiếp ra tận mặt trận để chỉ đạo chiến dịch. Người đã phân tích tầm quan trọng của chiến dịch này, rồi nói với các chiến sĩ: Trong trận này, các chú chỉ được phép thắng, không được phép thua! [4, tr. 132]. Và chiến dịch Biên Giới ta đã giành thắng lợi, mở ra bước phát triển mới của cuộc kháng chiến. Đến Đông - Xuân 1953 - 1954 ta quyết định mở chiến dịch lớn, đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ. Tại ATK ở Việt Bắc Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã có những quyết định quan trọng, đưa đến thắng lợi của cuộc kháng chiến, trong đó đặc biệt phải nói đến quyết định trong chiến dịch Điện Biên Phủ từ kế hoạch "đánh nhanh thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc".

Có thể nói rằng, sự lãnh đạo cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh như một nghệ thuật tài tình, rất linh hoạt, sáng tạo, khoa học. Nhờ vậy, mặc dù lực lượng của ta nhỏ, yếu, hoàn cảnh kháng chiến có nhiều khó khăn song chúng ta đã chiến thắng.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN:Hồ Chí Minh với đồng bào Việt Bắc (1941 - 1954) doc (Trang 73 - 75)