Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng. Xuất phát từ tư tưởng đó, ở tất cả mọi thời kỳ cách mạng, Hồ Chí Minh đều rất chú trọng đến công tác đào tạo cán bộ, đặc biệt là ở thời kỳ chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Tháng Giêng năm 1941, khi chuẩn bị về nước - hướng chọn là Cao Bằng, Hồ Chí Minh đã tổ chức một lớp huấn luyện chính trị cho trên 40 thanh niên yêu nước, phần đông là người Cao Bằng, làm nòng cốt cho cuộc trở về Trung Quốc của Người. Tại lớp huấn luyện này, Người đã bồi dưỡng công tác tuyên truyền, giáo dục quần chúng cho số cán bộ này và chỉ đạo xây dựng thí điểm Mặt trận Việt Minh ở Cao Bằng. Chính từ những cơ sở Việt Minh đầu tiên này đã tạo ra chỗ đứng chân, cơ sở cách mạng, cơ sở Đảng vững chắc để đầu năm 1941 Người về nước hoạt động, trực tiếp lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân ta bước vào một thời kỳ đấu tranh mới.
Hội nghị Trung ương 8 do Nguyễn ái Quốc chủ trì đã nhấn mạnh: "Việc đào tạo cán bộ nay đã thành công tác gấp rút, không thể bỏ qua một giờ, một phút. Tất cả các cấp bộ chỉ huy của Đảng phải đặc biệt chú trọng công tác này" [11, tr. 128].
Sau này trong quá trình chỉ đạo xây dựng căn cứ địa, Người lại nhấn mạnh: "Phong trào có lúc lên có lúc xuống, nếu có được đội ngũ cán bộ, cán bộ trong Đảng và cán bộ ngoài Đảng, có được một đội ngũ cán bộ cốt cán thì lúc phong trào lên sẽ tốt, lúc khó khăn phong trào xuống cũng vững vàng thôi. Vì vậy phải hết sức chú trọng cán bộ" [52, tr. 2].
Xuất phát từ quan điểm đúng đắn đó, ngay khi trực tiếp bắt tay xây dựng căn cứ địa Cao Bằng, lãnh tụ Nguyễn ái Quốc đã chăm lo, đào tạo, rèn luyện, xây dựng một đội ngũ cán bộ vững mạnh, lấy đó làm hạt nhân để gây dựng phong trào. Người còn chỉ thị cho các đồng chí Trung ương cùng hoạt động với Người phải hết sức quan tâm tới công tác này.
Ngay từ khi đặt chân lên đất Pác Bó, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, mặc dù bận nhiều công việc chỉ đạo phong trào cách mạng trong toàn quốc, lãnh tụ Nguyễn ái Quốc vẫn giành nhiều thời gian, công sức quan tâm đến việc đào tạo đội ngũ cán bộ cho tỉnh. Trong công tác cán bộ, Người quan tâm đặc biệt tới đạo đức cách mạng. Người nói, muốn làm công tác tốt thì mỗi cán bộ phải xây dựng tu dưỡng cho mình đạo đức cách mạng, "Không được tự kiêu, tự mãn như ông tướng phong kiến mà phải khiêm tốn" [88, tr. 21];"phải biết hy sinh cho cách mạng, nhưng không được hy sinh vô ích" [88, tr. 68],
phải biết kết hợp hài hòa lợi ích của quốc gia, dân tộc với lợi ích gia đình, phải là một người hết lòng vì dân vì nước, đồng thời "còn phải là người con tốt của gia đình"[4, tr. 25].
Đi đôi với việc đào tạo cán bộ và gắn chặt với công tác cán bộ, Nguyễn ái Quốc rất coi trọng việc củng cố và phát triển Đảng ở các vùng căn cứ. Người đã cử cán bộ giỏi nhiều kinh nghiệm đến giúp Đảng bộ Cao Bằng lãnh đạo, thực hiện các chủ trương của Đảng, đồng thời trực tiếp thí điểm các hình thức xây dựng lực lượng. Những hội viên cứu quốc đã từng được thử thách qua sự khủng bố của địch được lựa chọn, bồi dưỡng và kết nạp vào Đảng. Nhờ vậy, tuy khó khăn ác liệt, tổ chức Đảng vẫn phát triển, đưa đến việc thành lập Châu ủy ở ba huyện thí điểm Việt Minh, rồi nhân ra các huyện khác. Đại hội Đảng bộ Cao Bằng (5/1942) là kết quả của sự khôi phục tổ chức Đảng ở căn cứ địa. Giữa năm 1942, Nguyễn ái Quốc quyết định mở hai lớp huấn luyện về Đảng cho khoảng 20 cán bộ trong tỉnh ủy Cao Bằng. Chính sự phát triển của Đảng bộ là cơ sở để thúc đẩy phong trào Việt Minh phát triển. Các tổ chức cứu quốc phát triển lại cung cấp nhiều đảng viên mới cho Đảng bộ. Nhờ vậy căn cứ địa được mở rộng ra các tỉnh lân cận thành căn cứ Cao - Bắc - Lạng, đồng thời với việc xuất hiện liên tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng để lãnh đạo phong trào.
Lãnh tụ Nguyễn ái Quốc cũng rất quan tâm đến việc bảo vệ cán bộ cách mạng. Trong hoàn cảnh lực lượng của ta còn yếu hơn địch rất nhiều, lại bị bọn đế quốc tay sai với mưu mô, thủ đoạn nham hiểm tìm cách vây bắt tiêu diệt cán bộ cán bộ, hòng dập tắt phong trào cách mạng của nhân dân ta, thì việc bảo vệ cán bộ có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Một trong những biện pháp bảo vệ đội ngũ cán bộ do Người đề ra là nguyên tắc hoạt động rất bí mật. Người đã phân tích, bí mật không có nghĩa là xa rời dân, thoát ly với phong trào. Đề phòng khuynh hướng này, Người nói: "Chúng ta ở rất bí mật. Nhưng đó là bí mật với tụi tổng đoàn, với bọn mật thám, bọn Tây, bọn thống trị chứ không phải bí mật với nhân dân"[4, tr. 21]. Người còn luôn nhắc nhở cán bộ phải kiên trì, bền gan chiến đấu tránh tư tưởng nóng vội, phải tin tưởng tuyệt đối ở thắng lợi của cách mạng, không hoang mang, dao động sờn lòng trước sự khủng bố của kẻ thù. Người nói: "Đánh giặc thì có lúc tiến có lúc lùi, cách mạng nhất định thành công. Nhưng là phải đánh giặc
lâu dài, gian khổ thì mới giành được độc lập hoàn toàn", làm cách mạng như người leo dốc, càng gần tới đỉnh càng lắm gian nan. Do đó, Người luôn động viên các cán bộ "phải có quyết tâm", "phải hy sinh hơn nữa", "phải cố gắng" [108, tr. 171] và phải thường xuyên rèn luyện về mọi mặt để "khi gặp biến" thì "có thể lanh lẹ ứng phó", không chịu rèn luyện thì rồi ra không thành người chiến sĩ cách mạng mà lại thành quan cách mạng.
Với những kinh nghiệm hoạt động cách mạng dày dạn và với tầm nhìn xa trông rộng, lãnh tụ Nguyễn ái Quốc đã thấy trước những khó khăn của công cuộc xây dựng lực lượng cách mạng trong cả nước cũng như ở Cao Bằng. Do đó trong công tác đào tạo cán bộ, Người rất chú trọng việc tạo dựng một đội ngũ trung kiên để "phòng khi nước xuống". Người ví phong trào cách mạng như nước thủy triều, đội ngũ trung kiên như hàng cọc, cọc đóng chắc thì mới giữ được phù sa. Từ nhận thức rõ tầm quan trọng của đội ngũ trung kiên, Người đã chỉ thị cho Đảng bộ Cao Bằng "cứ một trăm người thì phải cố chọn lấy 3 trung kiên, không thì một cũng được, nhưng phải chọn người thật tin cậy, thật trung thành" [108, tr. 171]. Song Người cũng nhắc nhở chọn trung kiên phải theo từng thời kỳ, mỗi lần bị khủng bố là mỗi lần sàng lọc trung kiên và điều quan trọng là phải rèn luyện trung kiên trong thực tế đấu tranh.
Trong công tác cán bộ, Nguyễn ái Quốc rất chú trọng tới lực lượng thanh niên coi đây là lực lượng xung kích của phong trào.
Trong thời kỳ ở Cao Bằng, lãnh tụ Nguyễn ái Quốc đã nắm bắt được một đặc điểm quan trọng, đó là Cao Bằng một tỉnh đa số dân cư là đồng bào các dân tộc ít người, do đó việc đào tạo cán bộ người dân tộc là một việc làm quan trọng. Người nhận thức được rằng đội ngũ cán bộ người dân tộc sẽ tạo thuận lợi cho sự phát triển của phong trào cách mạng, vừa tạo được sự bình đẳng, đoàn kết vững chắc giữa các dân tộc trước hết là giữa các cán bộ trong Đảng, trong đoàn thể. Từ thực tế đó Người đã chỉ thị: "Phải quý trọng các cán bộ dân tộc ít người" [108, tr. 171]. Để chống âm mưu chia rẽ của kẻ thù, đồng thời rèn luyện tính chủ động, tích cực cho các cán bộ địa phương, lãnh tụ Nguyễn ái Quốc thường căn dặn các cán bộ trung ương, các cán bộ người Kinh không đứng trong các tổ chức các cấp của địa phương, không làm thay, không bao biện mà chỉ giúp đỡ tận tình.
Không chỉ coi trọng công tác cán bộ về mặt tư tưởng, lý luận, lãnh tụ Nguyễn ái Quốc còn trực tiếp bắt tay vào công việc đào tạo đội ngũ cán bộ, kiên trung, làm nòng cốt cho phong trào. Ngoài 40 cán bộ được huấn luyện ở Tĩnh Tây (Trung Quốc) trước khi về nước, khi ở Pác Bó (Hà Quảng) cũng như lúc ở Hòa An hoặc Nguyên Bình, Người còn mở nhiều lớp đào tạo cán bộ các cấp. Nhờ sự dạy bảo sát sao, cặn kẽ, nghiêm khắc của Người mà những đồng chí được đào tạo đã trở thành các cán bộ chủ chốt ở địa phương, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Trung tướng Bằng Giang (chủ tịch ủy ban Hành chính khu tự trị Việt Bắc, Tư lệnh trưởng Quân khu Việt Bắc) kể lại cảm xúc về Hồ Chí Minh trong lớp huấn luyện đầu tiên do Người trực tiếp tổ chức, lãnh đạo và giảng dạy, tại Làng Nậm Quang, gần biên giới Việt - Trung, cách Pác Bó khoảng hơn mười cây số như sau: Tại lớp học này, Hồ Chí Minh trực tiếp phụ trách giảng dạy. Ngôn ngữ và cách giảng của Người rất dễ nhớ, dễ thuộc. Nội dung chính là giảng về chương trình Việt Minh: toàn dân đoàn kết đánh Pháp đuổi Nhật. Khi giảng về đoàn kết, Hồ Chí Minh lấy ví dụ hình ảnh bó đũa, nếu tách từng chiếc ra thì bẻ dễ gẫy; trái lại nếu để cả bó thì không tài nào bẻ được. Và Người nhấn mạnh đó là khối đại đoàn kết toàn dân. Đại ý Bác nói: nếu nhân dân ta triệu người như một, đoàn kết thành một khối rắn chắc, thì đế quốc Pháp, Phát xít Nhật không tài nào khuất phục được. Đối với những vấn đề trừu tượng khác, Người cũng giảng giải bằng những thí dụ có hình ảnh cụ thể như vậy.
… Trong nội dung giảng dạy, ngoài vấn đề đoàn kết là vấn đề được Bác thường nhấn mạnh, vấn đề công tác bí mật cũng hay được Bác nhắc đến. Bác dạy: hoạt động trong vòng vây của đế quốc, đầy rẫy mật thám chỉ điểm, cán bộ phải tuyệt đối giữ bí mật, lại phải vận động nhân dân cũng biết giữ bí mật thì bí mật mới giữ được hoàn toàn; nhân dân phải thực hiện "ba không": không biết, không nghe, không thấy; cán bộ phải thực hiện đúng sáu chữ: "lai vô ảnh, khứ vô hình", lúc đến cũng như lúc đi, không được để lại dấu vết gì... Một điều nữa, Bác thường nhắc anh em chúng tôi là: Phải tuyệt đối trung thành với cách mạng, với chủ nghĩa cộng sản; khó khăn không từ, gian nan không nản, bảo đảm giữ vững khí tiết cách mạng, dám xả thân vì sự nghiệp giải
phóng dân tộc… [4, tr. 21-25].
Khoảng giữa năm 1941, tại Pắc Bó (Cao Bằng), Nguyễn ái Quốc tổ chức lớp huấn luyện chính trị - quân sự ngắn hạn cho cán bộ địa phương. Người trực tiếp giảng một số nội dung: Về tình hình thế giới; về tình hình trong nước và nhiệm vụ của cách mạng trước mắt, về năm bước công tác quần chúng; về chiến thuật du kích, các hình thức đánh du kích... Sau khi huấn luyện, Nguyễn ái Quốc đóng vai một quần chúng, các học viên làm người tuyên truyền cách mạng. Sau khi học tập, Người nhận xét chỗ sai chỗ đúng của từng học viên [63, tr. 141-142].
Khoảng cuối tháng 6 năm 1941, Nguyễn ái Quốc yêu cầu các đồng chí Dương Hoài Nam (Võ Nguyên Giáp) và Lâm Bá Kiệt (Phạm Văn Đồng) chọn một số thanh niên Cao Bằng đi học lớp vô tuyến điện ở Liễu Châu (Trung Quốc).
Để động viên thanh niên đặc biệt là học tập quân sự, Nguyễn ái Quốc đã viết bài "Hoan nghênh thanh niên học quân sự" theo thể lục bát.
Mở đầu, Người phân tích nguyên nhân nỗi khổ cực của đồng bào ta: Nước ta mất nước đã lâu rồi,
Đồng bào cực khổ, suốt đời gian nan! Suốt đời chịu kiếp lầm than, Sưu cao thuế nặng, cơ hàn xót xa!
Vì ai tan cửa nát nhà Chồng lìa vợ, con lìa cha tơi bời?
Vì ai non nước rã rời
Giống nòi sỉ nhục chơi vơi thế này? Vì giặc Nhật, vì giặc Tây!
... Người chỉ rõ:
Thanh niên ta phải ra đây học hành. Một là học việc nhà binh. Hai là học biết tình hình người ta
Thanh niên là chủ nước nhà Phải cho oanh liệt mới là thanh niên.
[63, tr. 143].
Đặc biệt tháng 5 và tháng 6 năm 1942, tại hai địa điểm là hang Pác Tháy (còn gọi là hang Lênin) ở Lũng Hoái thuộc xã Phú Thăng, khu Lam Sơn (nay là xã Hồng Việt) Châu Hòa và hang Kéo Quảng (còn gọi là hang Các Mác) thuộc Tổng Ngần, xã Gia Bằng (nay là xã Minh Tân) Châu Nguyên Bình, lãnh tụ Nguyễn ái Quốc đã mở hai lớp huấn luyện cho 20 cán bộ chủ chốt của tỉnh và các châu ở Cao Bằng, thời gian mỗi lớp khoảng một tuần.
Nội dung giảng dạy gồm ba vấn đề: Sơ lược về Chủ nghĩa cộng sản, Điều lệ Đảng và lịch sử Đảng cộng sản Bôn-sê-vích Nga. Đó là những vấn đề lý thuyết trừu tượng rất khó hiểu, nhưng với phương pháp giảng dạy của Bác, giảng theo lối vấn đáp - những vấn đề lý thuyết mới lạ ấy trở thành rất sinh động cụ thể, dễ hiểu.
Sau mỗi bài giảng, Bác lại cho phép học viên có thắc mắc gì thì cứ nêu câu hỏi, Bác sẽ giải đáp. Có đồng chí hỏi:
- Thưa lão đồng chí ! ở miền núi thì lấy núi rừng làm căn cứ địa. Thế còn ở đồng bằng không có địa hình hiểm trở thì sao ạ?
Bác cười và bảo:
- Có núi thì dựa vào núi, có sông thì dựa vào sông, không có núi có sông thì dựa vào người làm sông núi. Bác nhắc đến bốn từ chữ Hán "Nhân sơn - nhân hải". Bác giảng thêm: ở đâu có người là ở đó có núi rừng, có biển cả, ta tổ chức, động viên sức mạnh của quần chúng thành rừng thành biển mà dựa vào...
Nghe Bác giảng giải, chúng tôi càng hiểu thêm. Thì ra căn cứ địa vững chắc nhất của cách mạng chính là lòng dân, chính là sức mạnh đoàn kết chiến đấu của toàn dân! [4, tr. 28].
Ngoài nội dung chính trị, học viên còn được học về chiến thuật du kích. Bác cũng trực tiếp làm giảng viên về vấn đề này. Bác nói những kinh nghiệm về "du kích bạn", và giảng rất kỹ lưỡng về chiến thuật đánh du kích áp dụng vào hoàn cảnh thực tiễn của nước ta. Bác nói: đánh du kích chủ yếu phải dùng mưu mẹo mà đánh, với phương châm lấy ít đánh nhiều, lấy vũ khí thô sơ chống vũ khí hiện đại, phải biến hóa như thần, lúc ẩn lúc hiện "lai vô ảnh, khứ vô hình", nay đánh đông, mai đánh tây, làm cho địch chết dần chết mòn... [4, tr. 28].
Sau Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương, theo chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn ái Quốc, nhiều cán bộ ưu tú của Đảng như Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Lê Thiết Hùng, Cao Hồng Lĩnh... tiếp tục đến Cao Bằng hoạt động. Các đồng chí đã tích cực tham gia vào công tác đào tạo cán bộ. Đồng chí Võ Nguyên Giáp đã mở 3 lớp huấn luyện cán bộ ở Nguyên Bình. Tại Hòa An 6 lớp đào tạo cán bộ Việt Minh cho phong trào Hòa An và các địa phương khác trong tỉnh cũng được liên tiếp tổ chức... Các lớp huấn luyện cán bộ đã thu hút đông đảo các hội viên trong các đoàn thể cứu quốc của đồng bào các dân tộc ở cả vùng thấp lẫn vùng cao như Tày, Nùng, Mông, Dao... đào tạo đội ngũ cán bộ cho tỉnh Cao Bằng và cho cả các tỉnh phụ cận [108, tr. 178].
Dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Hồ Chí Minh, với sự giúp đỡ của các cán bộ Trung ương và với sự hoạt động tích cực của Đảng bộ Cao Bằng, công tác cán bộ đạt nhiều kết quả. Chỉ tính từ tháng 6/1941 đến tháng 4/1942, ở Cao Bằng đã có 300 cán bộ được bồi