Xây dựng lực lượng vũ trang

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN:Hồ Chí Minh với đồng bào Việt Bắc (1941 - 1954) doc (Trang 40 - 45)

Xuất phát từ quan điểm cách mạng bạo lực của chủ nghĩa Mác - Lênin, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng vấn đề xây dựng lực lượng vũ trang.

Đầu 1941, Bác Hồ đã chọn một số cán bộ gửi ra nước ngoài học tập quân sự, trong đó có một số học vô tuyến điện ở Liễu Châu (Trung Quốc).

Mỗi học viên được nhận một tên mới, lý lịch mới.

Theo Hoàng Quốc Việt, Phan Việt Bắc, mười người được chọn là: 1. Nông Văn Chí (tên thật là Đơ), bí danh Phan Việt Bắc.

2. Nguyễn Văn Chí (tên thật là Liên), bí danh Đông Tùng. 3. Lưu Minh Đức (tên thật là Lưu Khải Hoàn)

4. Lý Đạt Thành (tên thật là Hoàng Văn Ròng), bí danh Hoàng Việt Huy. 5. Lý Quang Vinh (tên thật là Đoàn Văn Mưu), bí danh Dương Công Khởi 6. Nguyễn Hữu Hào (tên thật là Nguyễn Văn Khanh), bí danh Vũ Lâm 7. Đoàn Hồng Sơn (tên thật là Đoàn Văn Ngô)

8. Trần Quốc Quang bí danh Hoàng Hoa. 9. Triệu Văn Minh chưa rõ tên thật và bí danh 10.Phạm Văn Quý, chưa rõ tên thật và bí danh.

[63, tr. 142].

Trong thời gian ở Cao Bằng, Bác đã biên soạn, biên dịch một số tài liệu quân sự để cán bộ và quần chúng học tập như: Cách đánh du kích, Cách huấn luyện cán bộ quân sự của Khổng Minh, Phép dùng binh của Tôn Tử, Kinh nghiệm du kích Tàu,...

Trong năm 1941, Nguyễn ái Quốc đã viết cuốn "Cách đánh du kích". Đây là một trong những tác phẩm đầu tiên của Nguyễn ái Quốc về quân sự. Tác phẩm được phổ biến trong các đoàn thể cách mạng trong thời kỳ 1941 - 1945. Tháng 5/1944, cuốn sách được Tổng bộ Việt Minh xuất bản và phát hành rộng rãi dùng làm tài liệu huấn luyện tại các trường quân chính ở Việt Bắc trong những ngày chuẩn bị cuộc Cách mạng Tháng Tám.

Bác chủ trương, hễ tổ chức Việt Minh phát triển đến đâu thì gây dựng lực lượng vũ trang đến đó.

Cuối năm 1941, Người chỉ thị thành lập tiểu đội du kích thoát ly đầu tiên của tỉnh Cao Bằng, do đồng chí Lê Quảng Ba làm đội trưởng. Người còn soạn 10 điều kỷ luật (sau

này phát triển thành 10 lời thề của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân và trở thành Lời thề danh dự của Quân đội ta sau này) và chiến thuật cơ bản của du kích để đội vũ trang học tập và thực hiện.

Sách Phép dùng binh của Tôn Tử do Hồ Chí Minh dịch được Việt Minh xuất bản. Mở đầu sách, Người giới thiệu "ông Tôn Tử là một người quân sự có tiếng nhất ở Trung Quốc. Ông sinh hơn 2000 năm trước"... và chỉ rõ "nguyên tắc của Tôn Tử chẳng những đúng về quân sự, mà dùng về chính trị cũng rất hay", cần thiết cho công tác quân sự và chính trị của cán bộ.

Bác đã viết về vấn đề quân sự trong tập "Nhật ký trong tù". Đối với những tài liệu thời cổ đại Trung Quốc, Người không dịch "nguyên xi, mà chọn lọc nội dung phù hợp với Việt Nam, kết hợp với kinh nghiệm chiến tranh hiện đại để các chiến sĩ ta áp dụng có hiệu quả trong chiến đấu. Người chỉ thị tổ chức các lớp quân chính để đào tạo cán bộ quân sự. Thực hiện chỉ thị này, đầu năm 1942, lớp quân chính khóa I được tổ chức ở Pác Bó. Mặc dù bận nhiều việc, Bác vẫn dành thời gian trực tiếp đến giảng bài ở nhiều lớp huấn luyện quân sự. Người giới thiệu kinh nghiệm đánh du kích của Liên Xô, Trung Quốc và vận dụng kinh nghiệm đó vào hoàn cảnh nước ta. Bác nói "Đánh du kích chủ yếu phải dùng mưu mẹo mà đánh với phương châm lấy ít địch nhiều, lấy vũ khí thô sơ chống vũ khí hiện đại, phải biến hóa như thần, lúc ẩn, lúc hiện, lai vô ảnh khứ vô tung, nay đánh đông, mai đánh Tây, làm cho địch chết dần chết mòn..." [4, tr. 28].

Nhiều cán bộ Cao Bằng trưởng thành từ những lớp huấn luyện này đã trở thành chỉ huy cách đơn vị vũ trang trong tỉnh, trong liên khu và trong cả nước sau này.

Bằng việc tổ chức các đội du kích ở Cao Bằng và huấn luyện cách đánh du kích, Bác Hồ đã thực hiện lời chỉ dẫn của Ph. Ăngghen, lãnh tụ quân sự thiên tài của giai cấp vô sản thế giới: Một dân tộc muốn giành độc lập cho mình thì không giới hạn trong những phương thức thông thường để tiến hành chiến tranh. Khởi nghĩa quần chúng, chiến tranh cách mạng, các đội du kích ở khắp mọi nơi đó là phương thức duy nhất nhờ đó mà một dân tộc nhỏ có thể chiến thắng được một dân tộc lớn, một đội quân ít mạnh hơn có thể chống trả được một đội quân mạnh hơn và có tổ chức hơn.

Để đánh đuổi được đế quốc Pháp, đế quốc Nhật, cách mạng Việt Nam không thể chỉ dừng lại ở xây dựng những đội du kích, với cách đánh du kích. Nhưng ở buổi đầu thì xây dựng đội du kích, đánh du kích là phù hợp.

Cuối tháng 9 năm 1944, từ Trung Quốc về tới Pác Bó, Bác Hồ đã ra hai chỉ thị quan trọng quyết định tới sự phát triển của lực lượng vũ trang và phong trào cách mạng ở Cao Bằng, ở Cao - Bắc - Lạng và cả nước. Đó là chỉ thị hoãn chủ trương "phát động chiến tranh du kích" (thực chất là khởi nghĩa) của Liên tỉnh Cao - Bắc - Lạng và chỉ thị thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.

Liên tỉnh Cao - Bắc - Lạng trong cuộc họp tháng 7/1944 đã nhận định: Căn cứ vào tình hình thế giới, tình hình trong nước và tình hình Cao - Bắc - Lạng, điều kiện để phát động chiến tranh du kích trong liên tỉnh đã chín muồi và chuẩn bị "phát động chiến tranh du kích". Ngày giờ phát động sẽ chờ cuộc họp sau quyết định.

Sau khi nghe báo cáo về tình hình và nghị quyết của Liên tỉnh ủy, Bác Hồ đã quyết định hoãn việc phát động chiến tranh du kích trong liên tỉnh. Người phân tích: Nghị quyết mới căn cứ vào tình hình Cao - Bắc - Lạng, chưa căn cứ vào tình hình toàn quốc, tức là thấy bộ phận mà không thấy toàn thể. Trong nước nhiều nơi chưa sẵn sàng khởi nghĩa, cán bộ, vũ khí đều phân tán, thiếu hẳn một lực lượng nòng cốt. Trong điều kiện ấy, nếu phát động chiến tranh du kích theo quy mô quá rộng tất nhiên sẽ thất bại vì bọn đế quốc sẽ tập trung toàn lực vào để đàn áp. Người nhận định: Bây giờ thời kỳ cách mạng hòa bình phát triển đã qua, nhưng thời kỳ tổng khởi nghĩa toàn dân chưa đến. Cho nên, nếu chúng ta chỉ hoạt động trong vòng chính trị thì không đủ để đẩy mạnh phong trào tiến tới. Nhưng nếu phát động chiến tranh du kích ngay thì sẽ bị quân địch làm cho nguy khốn. Đã đến lúc cuộc đấu tranh phải từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự, cần phải tìm mọi hình thức thích hợp thì mới có thể đi tới thành công.

Bác đã đề ra phương châm kết hợp hai hình thức đấu tranh chính trị và quân sự để đẩy mạnh phong trào, tạo điều kiện tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền. Người nhấn mạnh: Muốn xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang, chủ yếu phải dựa vào nhân dân, muốn tiến hành đấu tranh vũ trang phải dựa vào và kết hợp chặt chẽ với đấu tranh chính

trị của quần chúng. Các đoàn thể cách mạng của quần chúng càng được củng cố và phát triển, quần chúng đấu tranh chính trị càng mạnh thì càng có cơ sở vững chắc để tổ chức lực lượng vũ trang và tiến hành đấu tranh vũ trang.

Chủ trương sáng suốt của Bác đã tránh cho phong trào cách mạng và lực lượng vũ trang Cao - Bắc - Lạng những tổn thất lớn.

Ngay sau đó, Người đề ra chủ trương thích hợp để đẩy mạng công tác chuẩn bị khởi nghĩa: Lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của quân đội Nhân dân Việt Nam). Với nhiệm vụ chính trị trọng hơn quân sự, tuyên truyền trọng hơn tác chiến, thực hành vũ trang tuyên truyền kêu gọi và tổ chức toàn dân đứng dậy, chuẩn bị cơ sở chính trị và quân sự cho cuộc khởi nghĩa sau này, làm đòn bẩy cho cao trào cách mạng toàn quốc. Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là đội quân chủ lực đàn anh.

Bản chỉ thị thành lập Đội được viết như một bức thư ngắn gọn đặt trong vỏ bao thuốc lá nhưng "có tính chất cương lĩnh quân sự của Đảng ta, bao gồm những vấn đề chủ yếu về đường lối quân sự của Đảng, như kháng chiến toàn dân, động viên và vũ trang toàn dân, nguyên tắc xây dựng lực lượng vũ trang và phương châm xây dựng ba thứ quân của lực lượng vũ trang, phương thức hoạt động kết hợp quân sự với chính trị của lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên tắc tác chiến và chiến thuật du kích của lực lượng vũ trang nhân dân" [108, tr. 185]. Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là một chủ trương sáng suốt của Hồ Chí Minh trong tình hình thực tế ở Việt Nam lúc bấy giờ.

Thực hiện Chỉ thị của Người, ngày 22/12/1944, tại Cao Bằng, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập. Trong số 34 chiến sĩ của Đội có hơn 20 người con của Cao Bằng.

Nghiên cứu bản chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, những tài liệu quân sự, chính trị do Người biên soạn, những chủ trương do Người đề ra để xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang, và những lời dặn dò đối với cán bộ, chiến sĩ, cho thấy Hồ Chí Minh là người đầu tiên nêu rõ những quan điểm quân sự của Đảng ta một cách có hệ thống, là người đã đặt cơ sở cho nền lý luận quân sự hiện đại Việt Nam. Hồ Chí Minh là người sáng lập lực lượng vũ trang cách mạng, là người cha thân yêu của

Quân đội nhân dân Việt Nam.

Dưới sự lãnh đạo, giáo dục của Đảng và Hồ Chí Minh, được sự đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân, lực lượng vũ trang cách mạng đã phát triển nhanh chóng. Trung đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã nhanh chóng phát triển thành quân Giải phóng Việt Nam, anh dũng đi đầu trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.

(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN:Hồ Chí Minh với đồng bào Việt Bắc (1941 - 1954) doc (Trang 40 - 45)