Nhận thức sớm được vị trí, vai trò của cán bộ trong công cuộc vận động giải phóng dân tộc nói chung và công cuộc xây dựng căn cứ địa cách mạng ở Việt Bắc nói riêng, Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng công tác cán bộ.
Ngay từ những ngày chuẩn bị về nước, Hồ Chí Minh đã mở lớp đào tạo cán bộ. Trong các bài giảng, người không nói nhiều và những từ trừu tượng khó hiểu mà Người thường nói ngắn gọn dễ hiểu và ví dụ hình ảnh cụ thể quen thuộc. Khi giảng về đoàn kết,
Người lấy hình ảnh bó đũa... để học viên dễ hiểu và dễ nhớ.
Khi ở Pác Bó (Cao Bằng) Hồ Chí Minh rất quan tâm tới công tác đào tạo cán bộ. Người thường nói với các đồng chí của mình: Làm gì cũng phải có người nòng cốt. Phải đào tạo cán bộ. Bây giờ ta chưa có nhiều điều kiện làm lớn thì ta đào tạo những thanh niên gái, trai, tập trung lại đây huấn luyện, bồi dưỡng [6, tr. 156].
Khi đội ngũ cán bộ cách mạng đã có cơ sở và bắt đầu phát triển, Hồ Chí Minh đã bắt tay vào việc đào tạo cán bộ chuyên môn theo nhu cầu thực tế của cách mạng như đào tạo về quân sự, về vô tuyến điện, về công tác chính trị, ngành y...
Với tầm nhìn xa trông rộng, Hồ Chí Minh coi "cán bộ là cái gốc của mọi công việc". Đặc biệt Người rất quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ quân sự, vì "Tướng là kẻ giúp nước. Tướng giỏi… thì nước mạnh. Tướng xoàng thì nước hèn" [82, tr. 519]. Người đã cử cán bộ đi đào tạo ở nước bạn (lúc đó là Trung Quốc và Liên Xô) để tạo ra nguồn cốt cán, về nước tiếp tục đào tạo cán bộ trong nước. Số lượng cán bộ được cử đi học quân sự dài hạn ở nước ngoài tính đến tháng 10 năm 1944 đã có 70 cán bộ đi học như các đồng chí Lê Quảng Ba, Trần Sơn Hùng, Lê Thiết Hùng, Thế An, Bằng Giang, v.v... [119, tr. 28].
Bên cạnh việc đào tạo nguồn cán bộ cốt cán, Hồ Chí Minh còn rất chú trọng đến soạn các bài giảng, xuất bản thành sách, dịch sách. Nhiều cuốn sách đã được ra đời trong thời kỳ Hồ Chí Minh ở Việt Bắc như: Cách đánh du kích, Cách huấn luyện cán bộ quân sự của Khổng Minh (sách dịch), Sửa đổi lối làm việc v.v... Điều đặc biệt là trong các cuốn sách dịch, Hồ Chí Minh có lựa chọn các nội dung phù hợp với hoàn cảnh nước ta để đưa vào đào tạo.
Tư tưởng về đào tạo cán bộ của Hồ Chí Minh đã được thực hiện, bước đầu thành công trong thời kỳ ở Việt Bắc. Đội ngũ cốt cán tỏa đi khắp các địa phương, nhân lên nhiều cán bộ đi vào quần chúng vận động, tổ chức quần chúng làm cách mạng. Thực tế cách mạng ở Việt Bắc cho thấy phong trào Việt Minh từ đầu nguồn Cao Bằng (là nơi thí điểm) đã phát triển sâu rộng khắp Việt Bắc và rồi phát triển mạnh mẽ khắp cả nước. Đó là nhờ có đội ngũ cán bộ có hệ thống và rộng khắp. Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ đã góp
phần to lớn vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.