Nhóm giải pháp về tuyên truyền giáo dục, tổ chức thi đua tổng kết, đánh giá, khen thưởng, nhân rộng điển hình

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Văn hóa gia đình và xây dựng gia đình văn hóa ở tỉnh Hà tĩnh hiện nay docx (Trang 85 - 88)

đánh giá, khen thưởng, nhân rộng điển hình

Công tác tuyên truyền vận động quần chúng

Mục tiêu của công tác tuyên truyền vận động quần chúng tham gia phong trào xây dựng gia đình văn hoá là từng bước làm chuyển biến nhận thức trong xã hội về vai trò, vị trí của văn hoá gia đình cũng như những sai lệch về giá trị văn hoá gia đình trong điều kiện cơ chế thị trường.

Phải tuyên truyền, giáo dục cho quần chúng nhân dân những chuẩn mực văn hoá gia đình. Nhận thức được sự cần thiết của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hoá trong thời kỳ đổi mới. Bên cạnh đó, phải chú trọng giáo dục chủ nghĩa yêu nước, lý tưởng sống cao đẹp... để văn hoá thực sự là động lực của sự phát triển kinh tế xã hội.

Trong công tác tuyên truyền cần phổ biến sâu rộng những gương điển hình của những gia đình mẫu mực đồng thời kiên quyết đấu tranh, phê phán những biểu hiện tiêu cực, lạc hậu.

Công tác tuyên truyền vận động thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú như phát thanh, truyền hình, bài viết, xuất bản văn học nghệ thuật, thông tin cổ động, triển lãm ... tăng cường các biện pháp, hình thức giáo dục truyền thống, ý thức trách nhiệm đến mọi người.

Để thực hiện được nhiệm vụ trên cần xây dựng mạng lưới và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tuyên truyền cơ sở, tuyên truyền phổ biến từng nội dung gia đình văn hoá đến với mọi tầng lớp nhân dân Hà Tĩnh.

Việc tuyên truyền giáo dục xây dựng gia đình văn hoá là nhiệm vụ của tất cả các ban ngành, đoàn thể của tỉnh, tuỳ thuộc vào chức năng và nhiệm vụ hoạt động của đơn vị mình và xây dựng chương trình hành động riêng.

Ví như ngành văn hoá thông tin và du lịch tham mưu toàn diện cho Ban chỉ đạo Tỉnh về nội dung, biện pháp tổ chức cuộc vận động, ra các văn bản triển khai thực hiện tuyên truyền giáo dục, tổ chức hoạt động nghệ thuật, phát thanh, truyền hình... Còn Mặt trận Tổ quốc, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội nông dân... thì tuyên truyền giáo dục, đi vào chiều sâu đến từng hội viên theo hệ thống hội của mình thông qua các hình thức hội thảo, tập huấn, toạ đàm... Ngành giáo dục lại đi vào chiều sâu từng học sinh thông qua giáo dục học đường, tuyên truyền chống suy dinh dưỡng cho trẻ em, thực hiện kế hoạch hoá gia đình, giữ gìn vệ sinh môi trường... Ngành lao động thương binh xã hội tuyên truyền giáo dục về các chính sách xã hội đối với gia đình, đền ơn đáp nghĩa, chống các tệ nạn xã hội... Trong phương pháp tuyên truyền không nên sử dụng biện pháp chung chung mà cần phải vạch ra những biện pháp tuyên truyền giáo dục phù hợp với chức năng và đặc trưng riêng của ngành mình. Có như vậy, hiệu quả tuyên truyền giáo dục mới sâu sát với mục tiêu đề ra.

Tất cả các hình thức tuyên truyền ấy sẽ đem lại tác dụng to lớn cho việc xây dựng gia đình văn hoá.

Mục đích của công tác tuyên truyền giáo dục nhằm vận động quần chúng tham gia phong trào xây dựng gia đình văn hoá. Cuộc vận động phải đi vào từng gia đình và từng thành viên trong mỗi gia đình. Làm sao để cho gia đình hưởng ứng và tự nguyện đăng ký xây dựng gia đình văn hoá, làm cho vợ chồng, con cái động viên nhau tham gia phong trào và phấn đấu đạt danh hiệu gia đình văn hoá. Phương pháp vận động là hướng dẫn cho các thành viên trong gia đình nắm chắc các tiêu chuẩn phù hợp với hoàn cảnh gia đình mình để phấn đấu đạt danh hiệu đó.

Để tạo những chuyển biến lớn hơn, nâng cao hiệu quả thiết thực của công tác vận động, bên cạnh việc tìm cách khắc phục những khó khăn hạn chế cần bàn bạc, trao đổi kinh nghiệm trong công tác vận động. Tìm kiếm thêm nhiều hình thức, phương pháp triển

khai, phương pháp tiến hành vận động có sức thuyết phục hơn nữa phù hợp cho mọi đối tượng, mọi tầng lớp cán bộ nhân dân Hà Tĩnh.

Xây dựng và nhân rộng các điển hình tốt

Cần phải xây dựng các mô hình gia đình văn hoá tiêu biểu của Hà Tĩnh, trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc việc xây dựng cơ cấu mô hình truyền thống Việt Nam nói chung và gia đình Hà Tĩnh nói riêng. Việc xây dựng các mô hình tốt để có những kinh nghiệm tốt, cách làm hay, rút ngắn thời gian, tiết kiệm thời gian, kinh phí. Đồng thời phải chú ý tới đặc điểm từng vùng miền (Thành phố, thị xã, nông thôn, đồng bằng, miền núi...). Trên cơ sở những điển hình xuất sắc tiên tiến phải nhân ra diện rộng trên toàn tỉnh.

Việc xây dựng và nhân điển hình tiên tiến cần chú ý đến những điển hình xuất phát từ thực tiễn, tránh cách làm hình thức kiểu đầu tư ồ ạt mọi mặt để có điển hình, sau đó lại tuyên truyền nêu gương, học tập... và khi hết tập trung đầu tư thì không còn điển hình nữa.

Do vậy, việc tìm điển hình và nhân rộng điển hình phải làm thận trọng từ khâu đăng ký đến khâu bình xét dựa trên cơ sở các tiêu chuẩn của gia đình văn hoá. Các điển hình tiên tiến, xuất sắc được tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân bằng các hình thức báo cáo điển hình tại các hội nghị sơ kết, tổng kết, hội thảo, bằng hình thức viết bài trên các đài phát thanh và truyền hình, trên báo chí hoặc bằng hình thức tờ rơi.

Công tác kiểm tra, tổng kết

Trong quá trình triển khai thực hiện cuộc vận động, các gia đình đăng ký xây dựng gia đình văn hoá, cần chú trọng việc thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, chỉ đạo của cấp trên đối với cấp dưới và cơ sở. Kịp thời phát hiện phương pháp hay, bài học tốt có ý nghĩa lý luận và thực tiễn.

Mục đích của việc theo dõi, đôn đốc là nhằm thúc đẩy các gia đình phấn đấu đạt danh hiệu gia đình văn hoá. Trên cơ sở đó, tổng kết, đúc rút những bài học kinh nghiệm quý, xây dựng và thực hiện cơ sở lý luận công tác vận động và xây dựng phong trào. Vấn đề sơ kết, tổng kết cần phải đánh giá đúng thực chất phong trào, tránh hình thức lãng phí. Đồng thời gắn việc sơ kết, tổng kết với biểu dương, khen thưởng kịp thời những đơn vị, địa phương có

nhiều cố gắng, đạt thành tích, kết quả tốt, đồng thời nhắc nhở những đơn vị, địa phương chưa tốt.

Việc bình xét các gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hoá nên tiến hành theo phương thức dân chủ, nghĩa là để mỗi gia đình tự đánh giá lấy kết quả thực hiện của mình không nên chỉ phụ thuộc vào một kênh là Ban chỉ đạo cuộc vận động hay từ các tổ chức đoàn thể đánh giá quyết định là gia đình văn hóa. Các gia đình tự đối chiếu vào thang điểm và cho điểm vào các tiêu chuẩn. Sau khi các gia đình tự chấm điểm, Ban chỉ đạo có nhiệm vụ tập hợp, xem xét và tiến hành thẩm định lại để đi đến quyết định công nhận hay không công nhận gia đình văn hoá.

Cần có chế độ khen thưởng đối với các gia đình được công nhận gia đình văn hoá để kịp thời động viên, khích lệ.

Việc khen thưởng cũng có nhiều hình thức: bằng vật chất, cấp giấy chứng nhận gia đình văn hoá hoặc thưởng bằng tiền. Ngoài ra gia đình văn hoá phải được xem như một tiêu chuẩn để đánh giá bình xét khen thưởng các mặt công tác khác như đánh giá công chức tại các cơ quan, đơn vị.

Để phong trào phát triển đúng hướng, được duy trì thường xuyên đảm bảo hiệu quả thiết thực cần chú trọng lãnh đạo, sư quan tâm thường xuyên của cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc, và các đoàn thể quần chúng. Có như thế phong trào mới có cơ sở cho sự phát triển lâu dài và sâu rộng.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Văn hóa gia đình và xây dựng gia đình văn hóa ở tỉnh Hà tĩnh hiện nay docx (Trang 85 - 88)