Phương hướng xây dựng gia đình văn hoá

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Văn hóa gia đình và xây dựng gia đình văn hóa ở tỉnh Hà tĩnh hiện nay docx (Trang 72 - 76)

Xây dựng gia đình văn hoá ở Hà Tĩnh cũng như trên các địa phương cả nước đang đứng trước những thời cơ và thách thức mới.

Trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2010-2020, Đảng ta khẳng định:

…Chú trọng nâng cao chất lượng dân số và phân bố dân cư hợp lý giữa các vùng; xây dựng các quy hoạch và chính sách thích hợp nhằm đáp ứng xu thế chuyển dịch cơ cấu dân số ở nông thôn và thành thị. Đưa công tác dân số, gia đình và trẻ em ở các cấp đi vào nền nếp, vào từng gia đình, chiều sâu và mang tính bền vững…[19, tr.215].

Trước hết là sự chuyển đổi về kinh tế, từ cơ chế quản lý tập trung, quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường, phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Về mặt tích cực, nó đã làm cho mỗi gia đình đều có sự thay da đổi thịt, đều hướng tới mục tiêu làm giàu chân chính. Nhờ kinh tế phát triển mà đời sống nhân dân được nâng lên, tỉ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, mức thu nhập bình quân đầu người được nâng cao, quan hệ kinh tế xã hội đã có sự tác động sâu sắc tới văn hoá gia đình.

Cùng với phát triển kinh tế-xã hội, việc hình thành những giá trị chuẩn mực xã hội mới được biểu hiện ngay trong đời sống của gia đình. Tư duy, lối sống, mức sống, chất lượng sống,... có nhiều thay đổi, nhu cầu làm giàu, nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao (cả về vật chất lẫn tinh thần). Những ngôi nhà khang trang từng ngày mọc lên cả ở đô thị và những vùng thôn quê cùng với những tiện nghi đồ dùng gia đình chất lượng và hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của mọi thành viên trong gia đình. Chất lượng sống của gia đình ngày càng được cải thiện hơn.

Đảng uỷ và chính quyền Hà Tĩnh trong những năm qua đã có nhiều chủ trương, chính sách cụ thể cho phát triển văn hoá, phát triển đời sống xã hội và con người. Nhiều hội nghị, hội thảo về gia đình và liên quan đến gia đình được tổ chức ở các cấp, các

ngành, các địa phương. Các đoàn thể tổ chức phụ trách các vấn đề liên quan đến gia đình được thành lập. Các cuộc vận động, các đợt giáo dục về gia đình, các phong trào liên quan đến xây dựng văn hoá gia đình và gia đình văn hoá được tổ chức thường xuyên hơn. Các phong trào đền ơn đáp nghĩa, xoá đói giảm nghèo, phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình,... đã thu được những kết quả thiết thực. Các phương tiện thông tin đại chúng cũng tham gia rất đắc lực để phổ biến, tuyên truyền, cổ vũ cho hoạt động này. Những việc làm đó đã thể hiện sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền Hà Tĩnh đối với vấn đề gia đình, định hướng cho phát triển văn hoá gia đình.

Trong thời gian tới, phương hướng xây dựng gia đình văn hoá của Tỉnh được xác định:

* Phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá của Tỉnh làm cơ sở cho xây dựng gia đình văn hoá

Cùng với cả nước, Hà Tĩnh tiến hành sự nghiệp công nghiệp hoá với điểm xuất phát thấp. Là tỉnh nhỏ, lẻ, chịu nhiều hậu quả nặng nề của chiến tranh cộng với thiên nhiên khắc nghiệt nên mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng tỉnh nhà vẫn chưa xây dựng được nền kinh tế - xã hội phát triển cao.

Xuất phát từ thực tiễn đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh đã nhận thức sâu sắc rằng: cần phải thực hiện sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hoá, đảm bảo những điều kiện kinh tế - kỹ thuật cho việc gắn tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội, tạo ra những phương tiện hiện đại để phục vụ cuộc sống gia đình, nâng cao mức sống đáp ứng nhu cầu về đời sống vật chất và tình cảm cho các gia đình. Bởi vì trong sự phát triển sôi động như hiện nay thì mức sống các gia đình ở Hà Tĩnh còn thấp so với cả nước, điều kiện sinh hoạt của các gia đình còn nhiều khó khăn đặc biệt là vấn đề nhà ở, công trình vệ sinh, đường sá, nước sạch, vệ sinh môi trường ... là những vấn đề lớn mà bản thân mỗi gia đình chưa thể giải quyết được. Vì vậy, phát triển kinh tế xã hội tỉnh nhà sẽ tạo điều kiện xây dựng tốt hơn cơ sở hạ tầng để các gia đình đáp ứng được điều kiện cần thiết và tốt nhất cho sự phát triển.

Đảng bộ Hà Tĩnh đã xác định trong tiến trình công nghiệp hoá hiện đại hoá phải nâng cao trình độ khoa học công nghệ, cùng với nó giáo dục đang là quốc sách hàng đầu.

Phát triển giáo dục theo hướng tiếp tục mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả ở tất cả các ngành học, bậc học, đảm bảo công bằng xã hội trong giáo dục, tạo điều kiện cho nhân dân nâng cao dân trí. Bởi có thực trạng phần đông lao động ở Hà Tĩnh chưa qua đào tạo nghề nghiệp. Vì vậy, phải nâng cao dân trí để phát huy tiềm năng sáng tạo của con người tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng để đón đầu các dự án lớn là việc làm cần thiết.

Như vậy tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, đẩy mạnh công nghiệp hoá hiện đại hoá ở Hà Tĩnh sẽ tạo điều kiện cho các gia đình được quan tâm tới việc ăn, ở vệ sinh môi trường, dân số - kế hoạch hoá gia đình để ổn định mức tăng dân số hợp lý, xây dựng gia đình ấm no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc nhằm thực hiện đường lối chung của Đảng góp phần làm cho dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh.

* Xây dựng gia đình văn hoá phải trên sự kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam và tiếp thu những giá trị văn hoá của gia đình hiện đại

Hà Tĩnh đang phát triển trên con đường công nghiệp hoá - hiện đại hoá, văn hoá gia đình cũng đang có sự chuyển tiếp từ truyền thống đến hiện đại. Nhưng xây dựng, phát triển văn hoá gia đình từ truyền thống đến hiện đại như thế nào cho phù hợp với xu thế phát triển của xã hội đúng với ý nghĩa văn hoá gia đình tiến bộ là một vấn đề không đơn giản, đòi hỏi sự phấn đấu của toàn Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh trong đó có sự nỗ lực không mệt mỏi từ mỗi gia đình. Trong xã hội hiện nay đã và đang có sự biến đổi đáng lo ngại về các thang giá trị trong tâm lý không ít người: “giá trị kinh tế to lớn hơn giá trị tinh thần, văn hoá; giá trị kinh tế hơn giá trị chính trị; giá trị trước mắt trội hơn giá trị lâu dài; giá trị hiện đại dễ lấn át giá trị truyền thống” [23, tr.1].

Để đáp ứng ngày càng cao yêu cầu phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội nâng cao mức hưởng thụ văn hoá tinh thần của nhân dân trong giai đoạn mở cửa, hội nhập. Định hướng đẩy mạnh nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hoá cần bám sát mục tiêu, nhiệm vụ của Đại hội Đảng lần thứ XVI. Kế hoạch hành động xây dựng phát triển phong trào hướng tới mục tiêu: xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, làm cho văn hoá ngày càng thấm sâu vào các lĩnh vực đời

sống xã hội, vào từng khu vực dân cư, từng gia đình, từng người, kế thừa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, hoàn thiện giá trị chuẩn mực mới, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá nhân loại để xây dựng gia đình bình đẳng, ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh của tỉnh nhà.

* Xây dựng gia đình văn hoá phải trên cơ sở hệ giá trị được định hướng trong các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước

Đảng và nhà nước ta rất quan tâm tới việc đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hoá. Đây là một phong trào mà Hà Tĩnh đã tiến hành từ lâu và thu được những thành tựu đáng kể như phần trên tôi đã trình bày. Phong trào xây dựng gia đình văn hoá thực chất là xây dựng văn hoá gia đình kiểu mới xuất phát từ sự kế thừa văn hoá gia đình truyền thống, nâng văn hoá gia đình lên một trình độ cao hơn cho phù hợp với điều kiện của xã hội mới. Xã hội của chúng ta ngày càng nhận thức rõ quyết định của gia đình đối với trình độ văn hoá và ý thức đạo đức của con người trong mọi ứng xử. Ngày nay, có thể nói rằng nguyên nhân chủ yếu của mọi tệ nạn xã hội bắt đầu từ sự suy thoái của gia đình.

Văn hoá gia đình Hà Tĩnh đang trong quá trình chuyển đổi từ giá trị văn hoá truyền thống sang giá trị văn hoá hiện đại. Do đó, khó tránh khỏi những vấp váp, lúng túng, lệch chuẩn do những tư tưởng bảo thủ và hành động cực đoan chi phối - cũng cần phân biệt được giá trị và phản giá trị, những hạn chế và tiêu cực, sự chối bỏ những giá trị nhân văn và hiện đại, sự lệch chuẩn và sai lầm trong quá trình xây dựng gia đình văn hoá để góp phần giáo dục nhân cách thế hệ trẻ.

Nền kinh tế phát triển theo cơ chế thị trường là môi trường khách quan có thể làm cho các gia đình chủ động hơn và phát huy những tiềm năng vốn có, sản xuất làm ăn, thu nhập cao hơn cải thiện được điều kiện Đảng và mức sống trong mỗi gia đình tạo điều kiện cho mỗi thành viên sống dân chủ, tự do, bình đẳng và công bằng hơn trước. Tuy nhiên, nó cũng có những mặt trái như: sự thiếu chăm lo tình cảm tâm lý gia đình, sự xuống cấp về đạo đức do thế lực đồng tiền và vấn đề đặt quyền lợi cá nhân, vật chất lên trên mọi đạo lý thông thường trong quan hệ các thành viên của gia đình và trong cộng đồng xã hội.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ V Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII đã chỉ rõ “Giữ gìn và phát huy những đạo lý tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Nêu cao vai trò gương mẫu của các bậc cha mẹ. Coi trọng xây dựng gia đình văn hoá. Xây dựng mối quan hệ khăng khít giữa gia đình, nhà trường và xã hội” [17, tr.60].

Trước thực trạng văn hoá gia đình hiện nay, Đảng và nhà nước ta tiếp tục và duy trì cuộc vận động xây dựng gia đình văn hoá. Với những thành tựu đã đạt được, phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông, phong trào xây dựng gia đình văn hoá ở Hà Tĩnh ngày một có những bước tiến đáng kể, phấn đấu để gia đình văn hoá là gia đình phát triển về vật chất, tinh thần, thể hiện qua nề nếp, kỷ cương, hoà thuận thương yêu đùm bọc lẫn nhau và có trách nhiệm đối với nhau giữa các thành viên. Có hướng xây dựng gia đình giàu có ít con, tiến bộ, hạnh phúc. Đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Vì thế việc xây dựng gia đình văn hoá Hà Tĩnh và rộng hơn là môi trường văn hoá Hà Tĩnh trong sáng, lành mạnh, văn minh không chỉ có tác động mạnh mẽ đối với quá trình phát triển bền vững của tỉnh mà còn có ý nghĩa lớn lao đối với việc xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trên phạm vi cả nước.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Văn hóa gia đình và xây dựng gia đình văn hóa ở tỉnh Hà tĩnh hiện nay docx (Trang 72 - 76)