- Những thành tựu trên lĩnh vực văn hoá gia đình và gia đình văn hoá của Hà Tĩnh trong thời gian qua chứng tỏ sự nhận thức và chỉ đạo đúng đắn của Đảng, chính quyền và các tổ chức xã hội đã quan tâm đến vấn đề gia đình của tỉnh. Nhiều chủ trương, chính sách được ban hành, được cụ thể hoá kịp thời ở từng địa phương đã ảnh hưởng tích cực đến các gia đình.
Sự đóng góp công sức của nhiều ngành, đoàn thể, đặc biệt uỷ ban mặt trận tổ quốc Tỉnh, Hội liên hiệp phụ nữ Tỉnh và các cấp chính quyền, quận, huyện, phường, xã, thị trấn. Cuộc vận động đã khơi gợi được truyền thống nhân ái, yêu thương giữa con người với nhau trong mọi tầng lớp cán bộ, nhân dân Tỉnh nhà. Biến nhiều việc làm tình nghĩa, từ thiện, nhân đạo... thành những phong trào sâu rộng trong cuộc sống hàng ngày. Mối quan hệ giữa con người với con người ngày một tốt đẹp. Quan hệ tình làng nghĩa xóm, khối phố gần gũi hơn, hiểu nhau và thông cảm với nhau hơn. Sự tham gia của các đoàn
thể quần chúng là yếu tố quan trọng góp vào thành công của cuộc vận động xây dựng gia đình văn hoá. Bởi mỗi thành viên của tổ chức này đều là những thành viên trong mỗi gia đình. Họ là những người đóng góp vào sự bền vững của gia đình và ngược lại gia đình là nơi tiếp nhận và truyền nối văn hoá gia đình, cố kết tình cảm của những người cùng dòng máu, là nơi chốn để nương tựa, để đi về, là nơi giúp con người phát triển toàn diện từ kiến thức, tâm hồn, tư duy, nhân cách, lối sống để con người tự tin vững bước vào cuộc đời.
- Một yếu tố quan trọng quyết định đến kết quả cuộc vận động xây dựng gia đình văn hoá là hệ thống mạng lưới tổ chức chỉ đạo và thực hiện từ Thành phố đến cơ sở. Cho đến nay có 100% các xã, phường, thị trấn và ở các cơ quan, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, đơn vị vũ trang có ban vận động xây dựng gia đình văn hoá và tổ chức nếp hoạt động thường xuyên. Các ban chỉ đạo các cấp được tập huấn nghiệp vụ nhằm nâng cao hiểu biết và năng lực công tác vận động. Vì vậy đã tạo được sự đồng tình, ủng hộ trong nhân dân.
- Những kết quả đạt được trong cuộc vận động xây dựng gia đình văn hoá có sự đóng góp không nhỏ của mạng lưới thông tin tuyên truyền, làm cho mọi người nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, hiểu rõ yêu cầu cấp thiết của cuộc vận động và đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai sâu rộng bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Đặc biệt đã hình thành một mạng lưới tuyên truyền viên tích cực là các cụ phụ lão, cán bộ hưu trí, hội cựu chiến binh, phụ nữ đã nhiệt tình đến từng gia đình trực tiếp tuyên truyền vận động đăng ký gia đình văn hoá. Đây là lực lượng biến những kế hoạch, quyết định của các cấp trở thành hiện thực. Ngoài ra các hình thức tuyên truyền khác như: Pa nô, khẩu hiệu, báo, đài cũng được các cấp chú ý.
- Nhận thức về ý nghĩa, vai trò của văn hoá gia đình và gia đình văn hoá đối với sư phát triển của mỗi con người và toàn xã hội nên mọi người đều có ý tưởng xây dựng một nếp sống văn hoá - văn minh, tạo cơ sở cho việc làm lành mạnh hoá đời sống, sinh hoạt xã hội, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá truyền thống của dân tộc và nhân loại. Mọi người đã thay đổi và có cái nhìn đúng đắn về cuộc vận động xây dựng gia đình văn hoá, coi đó là một việc làm hết sức cần thiết cho hiện tại và mai sau. Vì vậy, cuộc vận động đã
thu hút được đông đảo mọi người tự giác tham gia góp phần xây dựng quê hương Hà Tĩnh giàu đẹp, văn minh.
- Sự tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường: Quá trình phát triển của nền kinh tế thị trường đã có tác động lớn đến tình hình kinh tế xã hội của Hà Tĩnh cũng như của gia đình Hà Tĩnh. Tuy nhiên bên cạnh những tác động tích cực nó bao hàm những tiêu cực. Đó là văn hoá lai căng hoà nhập và dễ thích nghi được coi trọng trong khi đó những yếu tố văn hoá truyền thống bị thờ ơ, mai một. Các tệ nạn xã hội xâm nhập vào các gia đình. Lối sống coi trọng đồng tiền, vì lợi bỏ nghĩa đã ảnh hưởng xấu đến các gia đình.
- Cấp uỷ và chính quyền các cấp một số nơi còn hạn chế về nhận thức nên việc vận dụng triển khai chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào thực tế còn lỏng lẻo, chiếu lệ. Khi bình xét gia đình văn hoá thì chạy theo số lượng, thiếu kiểm tra đôn đốc do đó ít có tác động được đến các gia đình làm cho công tác thiếu đồng bộ, hiệu quả không cao. Bên cạnh đó, cán bộ làm công tác văn hoá còn yếu và thiếu, lại phải di chuyển công tác nhiều nơi nên việc phối hợp chưa chặt chẽ, hiệu quả kém. Ngoài ra một số nơi, phong trào còn mang tính hình thức, nặng về bề nổi, thiếu chiều sâu nên không có sức sống vững bền.
- Một trong những tồn tại của cuộc vận động xây dựng gia đình văn hoá là thiếu sự gắn kết trong việc giáo dục đạo đức, lý tưởng lối sống cho thế hệ thanh thiếu niên, học sinh đặc biệt là giáo dục lý tưởng. Vấn đề đạo đức và lối sống ở đây không chỉ bó hẹp trong phạm vi cái thiện, cái ác hay những thói quen, nếp sống hàng ngày mà cần hiểu một cách bao quát đó là toàn bộ quan niệm sống, phương châm sống, lẽ sống chi phối sự ứng xử của con người ở môi trường sống, từ đấy đưa ra những thái độ về đạo lý, tác phong, mối quan hệ giữa con người với con người ở những cấp độ khác nhau. Vì vậy cuộc vận động xây dựng gia đình văn hoá phải gắn kết với việc giáo dục truyền thống đạo đức con người đặc biệt là thế hệ trẻ, nhằm đẩy lùi các tệ nạn xã hội, hành vi thiếu văn hoá những biểu hiện tiêu cực trong xã hội đang có chiều hướng gia tăng.