0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (104 trang)

Những giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng gia đình văn hoá 1 Nhóm giải pháp về nhận thức

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: VĂN HÓA GIA ĐÌNH VÀ XÂY DỰNG GIA ĐÌNH VĂN HÓA Ở TỈNH HÀ TĨNH HIỆN NAY DOCX (Trang 76 -81 )

3.2.1. Nhóm giải pháp về nhận thức

Để công tác xây dựng gia đình văn hoá đạt hiệu quả, phải nâng cao nhận thức từ các cấp, các ngành, các đoàn thể xã hội và mọi tầng lớp nhân dân về mục tiêu, vai trò của phong trào xây dựng gia đình văn hoá.

Từng bước nâng cao nhận thức cho mọi người dân Hà Tĩnh thấy rõ sự cần thiết và tính cấp bách của cuộc vận động xây dựng gia đình văn hoá nhằm hình thành một lối sống, nếp sống có văn hoá trong mỗi gia đình, trong mỗi người dân đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội hiện nay, đồng thời giữ gìn và phát triển tốt những tinh hoa truyền thống, những mỹ tục mà cha ông ta đã để lại. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở trước hết phải nhận thức được trách nhiệm của mình đối với cuộc vận động xây dựng gia đình văn hoá, thấy rõ được tác dụng tích cực của cuộc vận động sẽ là động lực thúc đẩy sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh nhà.

Cần phải xác định trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng và chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội Hà Tĩnh đối với cuộc vận động xây dựng gia đình văn hoá. Sự quan tâm tới những nội dung hoạt động cụ thể của cuộc vận động xây dựng gia đình văn hoá với mục tiêu giữ gìn sự ổn định của các gia đình, tế bào của xã hội, thực sự là tổ ấm hạnh phúc cho mỗi thành viên. Tăng cường việc giáo dục và nâng cao hiểu biết một cách đầy đủ những kiến thức khoa học và thẩm mỹ cần thiết trong đời sống gia đình cho mọi người đặc biệt chú trọng đến tầng lớp thanh, thiếu niên và nhi đồng.

Đồng thời cần có quyết tâm, sự thống nhất về mặt tổ chức chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND, MTTQ và các đoàn thể trong quá trình triển khai cuộc vận động; đồng thời động viên được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, trước hết quan tâm từ mỗi gia đình, cụm dân cư, phường, xã, thị trấn, khu tập thể, cơ quan, xí nghiệp, trường học... trên mọi địa bàn. Nêu cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, nâng cao trách nhiệm của chính quyền, mặt trận và các đoàn thể mỗi địa phương đối với quá trình thực hiện cuộc vận động ở từng cơ sở. Phải có sự phối hợp thường xuyên và đồng bộ giữa chính quyền với mặt trận và các đoàn thể quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng, khơi dậy được tiềm năng, lòng nhiệt tình, tính tự giác của mọi tầng lớp nhân dân.

Trong quá trình thực hiện, các ngành, các đoàn thể xây dựng cho được mô hình, chương trình hành động cụ thể để phát huy cao nhất khả năng của từng thành viên. Thực hiện cơ chế Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, nhân dân làm chủ trong mọi việc xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở, huy động mọi tiềm năng để đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng gia đình văn hoá và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”. Đưa nội dung các cuộc vận động đến từng thôn, làng, tổ dân phố và các gia đình để mỗi gia đình biết và phấn đấu đạt danh hiệu gia đình văn hoá, tổ dân phố văn hoá, làng xã văn hoá, đơn vị văn hoá... UBND và MTTQ phải huy động các tầng lớp nhân dân tham gia bàn bạc nhiều vấn đề thiết thực tại địa phương về phát triển kinh tế, xây dựng và quản lý đô thị, về trật tự an toàn xã hội, trật tự an toàn giao thông...

Sự kết hợp chặt chẽ giữa UBND và MTTQ cùng các đoàn thể khác nhằm thống nhất được các mục tiêu, xây dựng các chỉ tiêu cụ thể, những biện pháp thiết thực nhằm

tạo ra hành lang pháp lý cho cuộc vận động đồng thời thể hiện vai trò trách nhiệm của chính quyền, mặt trận và các tổ chức thành viên, đề cao tinh thần trách nhiệm của mỗi công dân trong quá trình xây dựng gia đình văn hoá và đời sống văn hoá cơ sở.

Hội phụ nữ:

Hội phụ nữ có vị trí chủ đạo trong công cuộc xây dựng gia đình văn hoá bởi hội có thế mạnh riêng, có thể thường xuyên vận động, tiếp cận với từng thành viên của gia đình trong đó có người phụ nữ. Bằng các quan hệ về vật chất, tinh thần, tình cảm của các hội viên mà Hội phụ nữ dễ dàng tiếp cận các thành viên trong gia đình. Qua đó, hội đề ra các chủ trương, kịp thời điều chỉnh sự chỉ đạo cho phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn khách quan.

Từ cuộc vận động xây dựng gia đình văn hoá của Tỉnh nhà, Hội phụ nữ đã rút ra được nhiều kinh nghiệm bổ ích và cần phát huy trong cuộc vận động này. Đó là phải làm cho mọi người đặc biệt là các hội viên hiểu rõ quan điểm của Đảng, mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc vận động xây dựng gia đình văn hoá. Trong cuộc vận động phụ nữ luôn đi đầu và phát huy vai trò nòng cốt. Trong quá trình tiến hành cuộc vận động cần đôn đốc, kiểm tra, rút kinh nghiệm để chỉ đạo kịp thời, sát sao, đúng đắn. Luôn theo dõi, giúp đỡ, tạo điều kiện cho các gia đình thực hiện được những tiêu chuẩn đã cam kết.

Chúng ta thấy rằng, cuộc vận động xây dựng gia đình văn hoá ở Hà Tĩnh là một công cuộc lâu dài, đòi hỏi nhiều công sức vì vậy người cán bộ hội phải kiên trì, nhẫn nại, nhiệt tình và sâu sát.

Phương châm của cuộc vận động mà hội phải quán triệt là coi trọng tuyên truyền bề rộng để gây khí thế, lôi cuốn được đông đảo quần chúng hưởng ứng, tham gia. Đồng thời phải phát động chiều sâu giải quyết những việc cụ thể cho có kết quả thực tế, làm cho quần chúng tin tưởng vào hiệu quả của phong trào.

Thông qua cuộc vận động xây dựng gia đình văn hoá, cán bộ các cấp hội phụ nữ Hà Tĩnh sẽ nâng cao được năng lực tổ chức, tăng cường ý thức trách nhiệm công tác hội, rèn luyện tác phong công tác, tình cảm giữa cán bộ hội và quần chúng. Tổ chức hội từ nông thôn đến thành thị được củng cố và bổ sung cho nhau những kinh nghiệm của hoạt động hội.

Từ sự phân tích trên chúng ta thấy rằng, Hội liên hiệp phụ nữ là nhân vật trung tâm của cuộc vận động xây dựng gia đình văn hoá và là trung tâm gắn kết thường xuyên của các mẫu hình văn hoá gia đình và gia đình văn hoá.

Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh:

Thanh niên luôn là lực lượng đi đầu trong mọi hoạt động, lực lượng thanh niên hiện nay chiếm hơn 30% dân số của địa phương do đó có vị trí quan trọng trong cộng đồng dân cư. Với tính nhạy bén, năng động và sáng tạo, có ý thức tự chủ, có thị hiếu văn hoá lành mạnh, sẵn sàng chịu đựng mọi khó khăn, gian khổ nên thanh niên là lực lượng chủ yếu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Phát huy những truyền thống tốt đẹp của thanh niên, tuổi trẻ Hà Tĩnh tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức về cuộc vận động xây dựng gia đình văn hoá và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. Tỉnh đoàn cùng với MTTQ, Hội phụ nữ, Hội nông dân phối hợp hành động làm cho đời sống văn hoá của nhân dân ở cơ sở ngày càng thêm sinh động và phong phú.

Song song với việc thanh niên tham gia vào cuộc vận động xây dựng gia đình văn hoá, cần phải bồi dưỡng cho họ những chuẩn mực giá trị tư tưởng chính trị, chuẩn mực giá trị thẩm mỹ văn hoá truyền thống. Việc xây dựng môi trường văn hoá gia đình - văn hoá xã hội là việc làm cần thiết bởi đây là yếu tố tác động đa chiều đến tâm hồn, tình cảm, lối sống của thanh niên.

Phải khẳng định rằng Đoàn thanh niên Hà Tĩnh là một trong những lực lượng xung kích trên mặt trận xây dựng văn hoá gia đình và gia đình văn hoá của tỉnh nhà. Sự đóng góp của đoàn vào cuộc vận động là ở chỗ làm cho giới trẻ và quần chúng nhân dân nhận thức rõ về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của cuộc vận động, đồng thời giáo dục cho đoàn viên của mình về truyền thống gia đình, tổ tiên “Giúp hình thành cả thể chất và tinh thần của mỗi công dân về tình yêu: yêu nhà, yêu nước, yêu người, về niềm tin, lương tâm, nghĩa vụ và thị hiếu” [46, tr.24].

Các cấp bộ đoàn cần xây dựng chương trình, kế hoạch liên tịch với các ban ngành nhất là ngành văn hoá - thông tin để tranh thủ và tạo sức mạnh đồng bộ trong việc động viên tuổi trẻ tham gia cuộc vận động xây dựng gia đình văn hoá. Tham gia giữ gìn và

phát triển bản sắc văn hoá dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại để làm giàu thêm văn hoá Việt Nam.

Hội nông dân:

Hội nông dân của tỉnh là một trong những thành viên tích cực của cuộc vận động xây dựng gia đình văn hoá ở các huyện. Hội chịu trách nhiệm nghiên cứu đề xuất nội dung tổ chức vận động phù hợp với chức trách của mình.

Mục tiêu vận động của hội là: Xây dựng người nông dân Hà Tĩnh trong thời kỳ đổi mới có nếp sống lành mạnh, có kiến thức, trách nhiệm với gia đình, quê hương, đất nước. Cần cù, năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất. Đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh, xây dựng nông thôn mới đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước.

Cuộc vận động của Hội còn tập trung vào công tác giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, thực hiện từng bước xoá đói giảm nghèo trong khu vực nông thôn, xoá bỏ những tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan...

Liên đoàn lao động:

Liên đoàn lao động Hà Tĩnh đóng vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng nội dung và chỉ đạo, đôn đốc cuộc vận động trong khu vực nhà máy, cơ quan, xí nghiệp, khu tập thể, gia đình cán bộ công chức. Hướng hoạt động chủ yếu của liên đoàn lao động trong cuộc vận động xây dựng gia đình văn hoá là tăng cường giáo dục ý thức kỷ luật lao động công nghiệp, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho mọi cán bộ, công chức, làm cơ sở vững chắc cho việc hình thành, phát triển tập thể văn hoá, gia đình văn hoá.

Hội cựu chiến binh:

Hội cựu chiến binh tham gia cuộc vận động các đối tượng với tư cách là các Cựu chiến binh tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới của Tổ quốc. Hội động viên các hội viên phát huy vai trò, bản chất tốt đẹp của anh bộ đội cụ Hồ, gương mẫu trong mọi công tác tại phường, xã và cơ quan. Tham gia giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng, về đạo đức, lối sống có văn hoá, tham gia vào công cuộc xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế gia đình...

Như vậy, cuộc vận động xây dựng gia đình văn hoá và văn hoá gia đình là cuộc vận động văn hoá lớn mang tính lâu dài và có ý nghĩa chính trị - xã hội vô cùng sâu sắc, quan trọng. Tiếp tục một bước thực hiện đưa nghị quyết TW5 của Đảng vào cuộc sống góp phần thúc đẩy việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chung, là một mắt xích quan trọng trong quá trình đổi mới, thực hiện sự nghiệp CNH - HĐH quê hương Hà Tĩnh. Do đó các cấp uỷ Đảng, chính quyền và đoàn thể tổ chức xã hội đều có trách nhiệm triển khai thực hiện phong trào đầy đủ và nghiêm túc.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: VĂN HÓA GIA ĐÌNH VÀ XÂY DỰNG GIA ĐÌNH VĂN HÓA Ở TỈNH HÀ TĨNH HIỆN NAY DOCX (Trang 76 -81 )

×