Gia đình trong mối quan hệ với cộng đồng dân cư

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Văn hóa gia đình và xây dựng gia đình văn hóa ở tỉnh Hà tĩnh hiện nay docx (Trang 64 - 66)

Gia đình là tế bào xã hội, gia đình tốt xã hội mới tốt vì vậy mối quan hệ giữa gia đình và cộng đồng dân cư có một ý nghĩa rất đặc biệt.

Các gia đình đã cùng nhau xây dựng lối sống mới, giúp nhau trong khó khăn hoạn nạn. Lối sống có văn hoá, giàu tình nghĩa đã được phổ biến rộng rãi trong cuộc sống dân cư từ thành thị đến nông thôn. Nếu ở thành thị, họ giúp nhau bằng cách hùn vốn, cho

những gia đình nghèo vay vốn sản xuất nuôi sống gia đình, có điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Còn ở nông thôn các gia đình lại giúp nhau ngày công, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi. ở huyện Thạch Hà phong trào này rất phát triển, đến nay đã có 425 tổ hùn vốn với 2952 gia đình tham gia với tổng số vốn lên tới 972 triệu đồng. Ngoài ra các gia đình còn cho nhau vay con giống, hạt giống để các gia đình giúp nhau phát triển kinh tế. Vì thế các mô hình “Cải tạo vườn tạp”, “Đưa màu xuống ruộng”, “Nuôi cá đồng”... ở nông thôn Hà Tĩnh được thực hiện có hiệu quả. Từ chỗ các gia đình giúp nhau phát triển sản xuất đến việc giúp nhau cải thiện cuộc sống mua sắm vật dụng thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình như Ti vi, Tủ lạnh, Xe máy, làm cho chất lượng cuộc sống ngày càng nâng lên.

Nhiều gia đình có ý thức đoàn kết xóm giềng, khối phố, tham gia hội đồng hoà giải, đền ơn đạp nghĩa, nhân đạo từ thiện. Nhiều gia đình là tấm gương sáng cho cộng đồng dân cư về tình cảm “Thương người như thể thương thân'' như gia đình ông Nguyễn Đình Kiên xóm 3, xã Hương Giang, huyện Hương Sơn; ông Dương Đức Tiếp, xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên; gia đình ông Phan Văn Trung, xã Đức Lâm, huyện Đức Thọ; gia đình ông Nguyễn Xuân Lưu, xã Bình Lộc, huyện Lộc Hà.

Hưởng ứng cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” do uỷ ban mặt trận tổ quốc Tỉnh phát động, với truyền thống “Lá lành đùm là rách” trong 6 năm qua nhân dân Hà Tĩnh đã xây dựng 18.090 ngôi nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết với tổng giá trị hơn 145 tỷ đồng. Trong thành tích đầy tính nhân văn ấy, các gia đình văn hoá giữ vị trí đầu tàu gương mẫu là hạt nhân, là động lực thúc đẩy cho các phong trào khác phát triển có hiệu quả. Quan hệ tình làng, nghĩa xóm được thắt chặt, ý thức cộng đồng, tình thương và trách nhiệm được thể hiện sâu rộng trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội.

Với những kết quả đạt được của phong trào xây dựng gia đình văn hoá và phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá đã có tác động lớn vào đời sống xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, giữ vững an ninh, ổn định chính trị. Những gia đình văn hoá và những gia đình văn hoá tiêu biểu xuất sắc đã có đóng góp không nhỏ vào việc hoàn thành các mục tiêu kinh tế xã hội của tỉnh nhà. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm sau cao hơn năm trước: 2008 đạt 10%, 2007 là 8,7%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích

cực: công nghiệp xây dựng năm 2007 là 22,1% tăng lên 27,98% (2008), dịch vụ - thương mạitừ 30,8 (2007) lên 34,1% (2008); giảm tỷ trọng nông - lâm - ngư nghiệp từ 39,2 (2007) xuống còn 37,92% (2008). Sản lượng lương thực đạt 51 vạn tấn (2008). Thu ngân sách nội địa hàng năm tăng trên 29%/năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt 7,4 triệu đồng (2008). Nhiều dự án trọng điểm được triển khai thực hiện như: Nhà máy Nhiệt điện Vũng áng, Khai thác mỏ sắt Thạch Khê, Nhà máy luyện thép Vũng áng; Thuỷ lợi - Thuỷ điện Ngàn Trươi - Cẩm Trang, Thuỷ lợi - Thuỷ điện Hương Sơn; Thuỷ lợi - Thuỷ điện Hố Hô, ... Các lĩnh vực văn hoá - xã hội đạt nhiều thành tựu xuất sắc.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Văn hóa gia đình và xây dựng gia đình văn hóa ở tỉnh Hà tĩnh hiện nay docx (Trang 64 - 66)