Văn hoá sản sinh và nuôi dạy con người
Đây là một vấn đề quan trọng của bất kỳ gia đình nào trên trái đất này. Song ở mỗi gia đình, mỗi vùng quê lại có những đặc điểm riêng tạo nên nét đặc thù của nó. Hà Tĩnh với truyền thống văn hoá lâu đời nên trong việc sản sinh và nuôi dạy con người cũng trở thành vẻ đẹp văn hoá.
Nhận thức về số con cũng như giới tính của con cái trong gia đình có sự khác nhau tuỳ theo trình độ văn hoá cũng như mức sống của gia đình. ở Hà Tĩnh, những gia đình nằm trong vùng có trình độ dân trí thấp thường có số con đông (4 - 5 con) chủ yếu là nông thôn. Nguyên nhân một phần vẫn là tâm lý muốn có “con đàn cháu đống của xã hội cổ truyền. Mặt khác, họ không biết sử dụng các biện pháp tránh thai để thực hiện kế hoạch hoá gia đình.
Đối với các gia đình có trình độ học vấn cao thì quyền quyết định số con thuộc vào hai vợ chồng, chủ yếu là các gia đình ở thành thị. Họ ý thức được về giới tính của con cái và số con mà họ sinh ra. Đặc biệt với người phụ nữ hiểu biết, họ có ý thức hơn về số lần sinh con (hai con là phổ biến, đang có xu hướng sinh một con) và khoảng cách giữa hai lần sinh, người mẹ có đủ thời gian phục hồi sức khoẻ, ổn định cuộc sống gia đình, tập trung nuôi dạy con và có thời gian để học tập, công tác, nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân và gia đình. Vì vậy, trong 3 năm trở lại đây tỷ lệ giảm sinh thô ở Hà Tĩnh là 0,4%. Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên 0,7%.
Mô hình gia đình ít con (từ 1 đến 2 con) khoẻ mạnh, ngoan ngoãn đang là mục tiêu hướng tới của mỗi gia đình Hà Tĩnh nói riêng và các địa phương khác nói chung. Nó phản ánh nét đẹp văn hoá trong mỗi gia đình. Để mục tiêu đó trở thành hiện thực, Hội Liên phụ nữ Hà Tĩnh đã rất quan tâm tới việc thành lập các câu lạc bộ. Tính riêng
năm 2008, toàn tỉnh có 177 câu lạc bộ gia đình hạnh phúc; 62 câu lạc bộ bình đẳng giới; 87 câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình; 1 câu lạc bộ người cha mẫu mực. Ngoài ra còn có 215 các mô hình câu lạc bộ phòng chống suy dinh dưỡng, làm mẹ an toàn; câu lạc bộ đồng cảm,...
Nguyện vọng sinh con trai hay con gái cũng thể hiện trình độ văn hoá trong các gia đình Hà Tĩnh hiện nay. Trình độ học vấn càng thấp thì quan niệm phải có con trai trong gia đình, dòng tộc càng cao. Đây là tâm lý khá phổ biến của gia đình Hà Tĩnh dù ở thành thị hay nông thôn. Việc chưa có con trai vẫn là một gánh nặng tâm lý đối với các cặp vợ chồng và vai trò của người con trai trong việc thờ phụng tổ tiên, nối dõi tông đường, chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ già. Còn số ít gia đình ở thành thị quan niệm sinh con trai hay con gái đều như nhau, thậm chí có xu hướng chỉ sinh một con dù trai hay gái bởi mục đích của họ là tập trung thời gian, sức lực cho sự nghiệp, cho công việc nhằm thoả mãn nhu cầu vật chất và tinh thần.
Đặc biệt ở Hà Tĩnh không có hiện tượng phụ nữ ngại sinh con, ngại trực tiếp nuôi dưỡng và chăm sóc con cái hoặc không muốn có chồng mà chỉ muốn có con, hay hiện tượng suy đồi đạo đức như: “bán con”; “đẻ thuê”... như một số thành phố lớn. Đó cũng là nét đẹp văn hoá của gia đình Hà Tĩnh.
Trong xã hội phát triển, những thành tựu khoa học hiện đại ngày nay vẫn khẳng định vai trò to lớn không thay thế được của giáo dục gia đình. Ngay giai đoạn đầu của cuộc đời, đứa trẻ tiếp thu ngôn ngữ, văn hoá, kinh nghiệm xã hội không phải bằng lý trí và tư duy khái niệm mà đơn giản chỉ là bản năng bắt chước thông qua âm thanh, cử chỉ, tình cảm của những người gần gũi xung quanh. Giáo dục thông qua tình cảm là đặc trưng riêng của gia đình. Tình yêu thương của cha mẹ đối với con là yếu tố có hiệu quả nhất trong quá trình dẫn dắt trẻ thơ thích nghi dần với đời sống xã hội. Hơn ai hết cha mẹ là người không tiếc công sức, thời gian, vật chất hướng dẫn con trẻ từng bước hoà nhập vào nền văn hoá chung của xã hội như ông cha ta vẫn thường nói: “Học ăn học nói, học gói học mở”. Gia đình nào có truyền thống văn hoá gia đình đó sẽ tạo ra một thế hệ con trẻ có văn hoá, là cơ sở để hình thành nhân cách cho đứa trẻ, từ thái độ đối với người xung
quanh cũng như với xã hội. Vì vậy, văn hoá gia đình có vai trò quan trọng trong việc giáo dục con cái.
Tuy nhiên, gia đình không chỉ thực hiện chức năng xã hội hoá ban đầu, hình thành nhân cách trẻ em mà gia đình còn thực hiện chức năng xã hội hoá đối với người lớn như chuẩn bị cho thanh niên bước vào nghề nghiệp, xã hội hoá vai trò làm cha - mẹ, ông - bà,... Trong văn hoá dân gian Việt Nam, có một triết lý rất sâu sắc: “Sinh con rồi mới
sinh cha - Sinh cháu giữa nhà rồi mới sinh ông” (ca dao) có nghĩa là nhân cách “cha”, “con”, “ông”, “cháu”, cùng hình thành trong mối quan hệ giữa các thành viên của nó. Cho nên mỗi thành viên trong gia đình phải tự rèn luyện, tự giáo dục và giáo dục lẫn nhau để ông ra ông, cha ra cha, mẹ ra mẹ, con ra con cùng hoàn thiện nhân cách.
Thực hiện chức năng giáo dục gia đình ngoài người chồng thì phải nói đến vai trò của người phụ nữ, với tư cách là người mẹ có vai trò quan trọng đặc biệt với thiên chức trời cho. Nghị quyết 04/BCT (khoá VIII) đã khẳng định một quan điểm rất mới: Phụ nữ vừa là người lao động vừa là người công dân, vừa là người mẹ, người thầy đầu tiên của con người. Trong gia đình Hà Tĩnh hiện nay thì vai trò của người mẹ càng có ý nghĩa. Người mẹ gắn bó với con ngay khi còn là một sinh linh bé nhỏ, hàng ngày, hàng giờ chăm sóc con ngay từ trong bào thai cho đến khi trưởng thành. Khi con trong vành nôi, bằng lời ru tiếng hát, người mẹ đã truyền cho con giá trị văn hoá dân tộc, trao cho con tình cảm gia đình, truyền thống văn hoá gia đình, dạy cho con đức tính vị tha, nhân từ, hướng cho con biết ứng xử hợp lẻ đời, biết kính trên nhường dưới, trau dồi đạo đức, biết cảm thụ cái đẹp và dần dần hoà nhập cái đẹp vào cuộc sống. Ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật thì vấn đề giáo dục để có sự hiểu biết, có trí tuệ, tri thức và phương thức ứng xử hiện đại từ trong gia đình là hết sức cần thiết cho sự hình thành một nhân cách con người hiện đại và rộng lớn là một nhân cách văn hoá hiện đại.
Phát huy truyền thống đạo học cộng với sự dày công trong giáo dục gia đình nên hiện nay ở Hà Tĩnh phong trào học tập được coi trọng. Giáo dục Hà Tĩnh được đứng vào tốp đầu trong toàn quốc, hình thành nên các gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học. Từ gia đình hiếu học đã hình thành nên các dòng họ khuyến học. Có thể nói đây là nét mới của văn hoá gia đình Hà Tĩnh.
Cái hay, cái quý của dòng họ khuyến học là biết gắn hoạt động của dòng họ từ chỗ chỉ hướng về quá khứ, bái vọng tổ tiên trước đây với cái mới hiện nay là hướng về thế hệ tương lai, động viên con cháu học hành, lập thân, lập nghiệp tuân thủ pháp luật, sống hoà hợp nhân ái hơn, giúp nhau vươn tới những đỉnh cao của tri thức. Đất Hà Tĩnh từ xưa đã có nhiều dòng họ nổi tiếng học hành, đỗ đạt được mệnh danh là danh gia vọng tộc như dòng họ Phan Huy ở Lộc Hà một thời cả ba cha con Phan Huy Cẩn, Phan Huy ích, Phan Huy Ôn là tiến sĩ làm quan đồng triều; dòng họ Nguyễn Khắc ở Hương Sơn có thần đồng Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm; dòng họ Nguyễn Tiên Điền nổi tiếng quan gia khoa bảng và các dòng họ Hoàng, Bùi, Phan, Mai.... đã đưa làng Đông Thái (Tùng ảnh - Đức Thọ) được vinh danh là một trong những làng khoa bảng nổi tiếng của đất nước.... Những gia đình trong các dòng họ học hành thành đạt các thời kỳ đều giữ được nếp nhà “con nối chí bố, cháu nối gương ông” vươn lên làm rạng rỡ gia phong, đem tài năng ra giúp nước. Tiếp nối truyền thống đó ngày nay các dòng họ ở Hà Tĩnh thi đua nhau vươn lên làm rạng danh cho quê hương. Tiêu biểu dòng họ Lê Văn ở Thạch Linh (Thành phố Hà Tĩnh) qua 5 năm thực hiện dòng họ khuyến học nay toàn họ đã có 5 tiến sĩ, thạc sĩ; 6 gia đình đã Đại học hoá (gia đình cử nhân), tất cả các con cháu trong độ tuổi đều đến trường học, không có cháu nào bỏ học, lưu ban học yếu hay vướng vào các tệ nạn xã hội. Quỹ khuyến học của dòng họ lên tới 103 triệu đồng, bản tộc ước của họ đã được xây dựng lại, bổ sung thêm một chương lớn: “khuyến học, khuyến tài xây dựng dòng họ khuyến học”. Họ Lê Bá (Hồng Lĩnh) có 54 hộ thì có đến 49 gia đình hiếu học. Dòng họ Phan Nhân (Can Lộc) 145 thành viên có học hàm học vị với 25 Tiến sĩ, Giáo sư...
Với quan niệm truyền thống “Dâu là kế thế” nhiều dòng họ trong tỉnh đã khen thưởng cả những nàng dâu vượt khó, phấn đấu học tập, nâng cao trình độ, tổ chức gặp gỡ, động viên các nàng dâu trong họ nhân các ngày lễ như họ Đinh, họ Lê ở Can Lộc... Có họ còn tập hợp các nàng dâu thành tiểu ban khuyến học của dòng họ lo toan, động viên theo dõi việc học hành của con cháu để phát thưởng hàng năm như họ Bùi - Cẩm Xuyên.
Tuy nhiên, trong cơ chế thị trường hiện nay, việc tập trung phát triển kinh tế, cải thiện đời sống đã chiếm hầu hết thời gian của gia đình, một số gia đình còn phó mặc việc học hành của con cái cho nhà trường, ít quan tâm đến tương lai của chúng (phần lớn ở
nông thôn Hà Tĩnh). Thậm chí những gia đình kinh tế khó khăn, trẻ em bị lạm dụng sức lao động không còn thời gian để trau dồi kiến thức, giao tiếp xã hội. Cá biệt những gia đình nghèo đói phải cho con nghỉ học. Mặt khác, sự thiếu hụt những kiến thức cơ bản, thiết yếu về tâm, sinh lý; về văn hoá ứng xử, về xã hội nói chung... đang là một trở ngại cho việc nuôi dạy con cái ở các bậc cha mẹ, nhất là những gia đình trẻ. Các bậc cha mẹ trong những gia đình này không có kiến thức cần thiết cả về nội dung cũng như phương pháp, nghệ thuật giáo dục con cái. Có những gia đình nội dung giáo dục còn nghèo nàn, chủ yếu là giáo dục các hành vi ứng xử trong gia đình và phương pháp giáo dục cũng chỉ dừng lại ở mức cha mẹ nêu gương, dạy bảo mang tính kinh nghiệm trong khi sách báo hướng dẫn nuôi dạy con cái trong gia đình còn ít ỏi và khó đến tay người cần.
Chính những nguyên nhân này dẫn tới các tệ nạn xã hội đặc biệt là ma tuý và mại dâm ở lứa tuổi vị thành niên.
Gia đình là hình ảnh thu nhỏ của xã hội, nên giáo dục gia đình có ý nghĩa quan trọng quyết định đối với giáo dục xã hội, cơ sở tiền đề cho sự kết hợp giáo dục gia đình - nhà trường - xã hội, giáo dục của gia đình nào chính là văn hoá gia đình của gia đình đó.
Tóm lại, điều quan trọng của văn hoá gia đình đó chính là giáo dục con cái. Điều đáng chú ý là phải biết kết hợp hài hoà giữa nghiêm ngặt và khoan dung nhưng nghiêm không đồng nghĩa với khắt khe, khoan dung không đồng nghĩa với sự nuông chiều. Bên cạnh gia giáo còn có vấn đề gia pháp, tức là sự ràng buộc, khống chế và giới hạn ở một mức độ nào đó. Nhưng phải được chấp nhận bằng tự giác trên cơ sở Hiếu - Nghĩa - Tình, trên ý nghĩa tôn trọng nề nếp gia phong. Đó là những nguyên tắc cần thiết trong việc giáo dục gia đình của Hà Tĩnh để tạo nên nét đẹp văn hoá của vùng đất này.
Văn hoá vật chất và tiêu dùng các sản phẩm vật chất
Trong công cuộc đổi mới, mục tiêu của Hà Tĩnh nói riêng và cả nước nói chung là: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh. Để đạt được mục tiêu ấy, tỉnh nhà đã có sự quan tâm thích đáng cho sự phát triển gia đình đảm bảo ngày càng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tình cảm của các thành viên nhằm tạo sự ổn định và củng cố hạnh phúc gia đình.
Một thực tế cho thấy rằng gia đình nghèo, đói, thu nhập thấp do thiếu việc làm thì việc thoả mãn các nhu cầu thiết yếu còn rất nhiều khó khăn, việc học hành của trẻ em ở các gia đình đông con không thực hiện được. Đó là điều kiện nảy sinh mâu thuẫn vợ chồng, tình trạng con em hư hỏng, phạm pháp.
Để đáp ứng nhu cầu đó, gia đình và các thành viên của nó phải tiến hành sản xuất ra các sản phẩm vật chất cho sinh hoạt hàng ngày về ăn, mặc, ở và các phương thức sử dụng nói lên trình độ chiếm lĩnh, khai thác các vật thể trong tự nhiên, trình độ phát triển lực lượng con người trong lĩnh vực sản xuất và đời sống vật chất. Từ những khái niệm, hiểu biết, kỹ năng, bí quyết trong sản xuất sản phẩm tiêu dùng đến cách thức kỹ thuật công nghệ chế tác công cụ sản xuất, các phương tiện sử dụng, vũ khí chiến đấu... từ cách thức tiêu dùng, phân phối, hưởng thụ, trao đổi, dâng hiến các sản phẩm vật chất đến thể chế phân chia tài sản, thừa kế gia sản đã tạo nên văn hoá vật chất của gia đình.
Tuy nhiên phát triển kinh tế không có nghĩa là sự bươn chải, đâm lao như con thiêu thân vào cơn xoáy của thị trường để kiếm tìm lợi nhuận tức thời mà phải biết kết hợp giữa nhân cách và trí tuệ, giữa năng động, sáng tạo và cần kiệm liêm chính, giữa kế hoạch lâu dài và từng bước đi trước mắt sao cho phù hợp với sự phát triển chung. Trong đó ý thức tiết kiệm được quan tâm chú ý và thể hiện như một nét đẹp văn hoá của gia đình. ý thức tiết kiệm bao giờ cũng điều chỉnh các mối quan hệ, hành vi sinh hoạt, chi tiêu, mua sắm, và tích luỹ để từng bước phát triển đời sống vật chất và tinh thần của một gia đình.
Trong gia đình Hà Tĩnh truyền thống, vấn đề sản xuất vật chất người đàn ông đóng vai trò quyết định, vì thế những kinh nghiệm, hiểu biết, kỹ năng, bí quyết trong sản xuất sản phẩm đến cách thức, kỹ thuật công nghệ chế tác công cụ sản xuất, các phương tiện sử dụng chủ yếu người đàn ông nắm giữ, nó tạo thành những bí quyết gia truyền của gia đình, dòng họ. Khi người cha mất đi sẽ trao truyền cho con, cháu (thường là nam giới). Nhưng ở trong thời điểm hiện nay, sự đóng góp của nam giới và nữ giới trong việc sản xuất vật chất đều có vai trò to lớn. Phụ nữ không chỉ là người chủ đạo trong việc tổ chức đời sống vật chất của gia đình (tiêu dùng, mua sắm, hưởng thụ) một cách có văn hoá mà còn là người góp phần quan trọng vào việc tạo ra của cải vật chất cho gia đình.
Cùng với sự chuyển biến của nền kinh tế thị trường, sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã tạo điều kiện cho phụ nữ cùng gia đình tham gia trực tiếp vào lao động sản xuất, vào các ngành dịch vụ xã hội và một số công việc có thể kiếm ra tiền chứ không còn quanh quẩn ở “bốn góc nhà, ba góc bếp”. Đã có nhiều phụ nữ tham gia làm kinh tế tư