Nhóm giải pháp về xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế liên quan

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Văn hóa gia đình và xây dựng gia đình văn hóa ở tỉnh Hà tĩnh hiện nay docx (Trang 81 - 85)

Xây dựng và thực hiện các tiêu chuẩn, cơ chế, chính sách liên quan đến việc triển khai, tổ chức hoạt động đối với phong trào xây dựng gia đình văn hoá. Nghiên cứu đối tượng gia đình và xây dựng các tiêu chuẩn gia đình văn hoá tương ứng.

Gia đình là tế bào của xã hội, cấu thành cộng đồng xã hội, chi phối toàn bộ đời sống con người, luôn biến đổi theo thời gian và phát triển cùng với nền kinh tế xã hội. Nhưng do những điều kiện phát triển kinh tế, trình độ dân trí và lối sống, trình độ giáo dục chính trị ở khu vực thành thị và nông thôn có khác nhau cho nên phải tìm ra những cách xử lý khác nhau trong việc xây dựng gia đình văn hoá và nội dung tiêu chuẩn gia đình văn hoá phù hợp. Đồng thời áp dụng những biện pháp vận động và tuyên truyền phù hợp cho mỗi vùng, mỗi đối tượng. Trên cơ sở đó chúng ta sẽ có những biện pháp để xác định những chỉ tiêu, kế hoạch phát triển các gia đình văn hoá cũng như có chiến lược lâu dài trong việc nâng cao chất lượng các gia đình văn hoá.

Có thể phân chia khu vực dân cư của Hà Tĩnh thành hai loại chủ yếu là thành thị và nông thôn. Các gia đình ở nông thôn chủ yếu làm nông nghiệp, trình độ dân trí thấp, vẫn còn tồn tại nhiều tập tục lạc hậu như lệ làng, lệ xóm... Còn các gia đình ở Thành phố, thị xã lại chủ yếu cán bộ công chức, công nhân, buôn bán... có trình độ dân trí cao, mức sống cũng như chất lượng cuộc sống cao hơn. Ngoài ra còn phải căn cứ các loại hình gia đình như gia đình hai thế hệ, mở rộng hay khuyết thiếu...

Từ thực tế đó cho thấy sự cần thiết phải nghiên cứu phân loại để có cơ sở cho việc vạch ra những biện pháp xây dựng tiêu chuẩn gia đình văn hoá cho từng loại gia đình, từng khu vực. Đồng thời tìm ra những phương pháp, biện pháp tuyên truyền vận động

thực thi trong quá trình xây dựng gia đình văn hoá các khu vực khác nhau nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Các chính sách về gia đình + Giáo dục thế hệ trẻ về gia đình:

Trong thời đại ngày nay, sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã tạo ra cho con người nhiều khả năng mới để lao động nhẹ nhàng hơn mà vẫn đạt hiệu quả cao, có thì giờ nhàn rỗi nhiều hơn, có nhiều tiện nghi và được hưởng thụ nhiều hơn, do đó cũng góp phần thay đổi nếp sống, nếp nghĩ của con người đặc biệt ảnh hưởng đến sự phát triển văn hoá gia đình.

Tuy nhiên, sự “hiện đại hoá” đời sống kéo theo sự “hiện đại hoá” về tư tưởng nghĩa là con người đã không có những cố gắng tương xứng để trau dồi mình cả về mặt đạo đức và nhân cách. Rất tiếc là hiện nay tiếng nói của người già không được coi trọng như trước, con cái không còn quan tâm đến cha mẹ đúng mực. Vấn đề tình yêu và hôn nhân cũng vậy. Vấn đề chung thuỷ, trinh tiết, sống thử (đã bàn ở phần trên) đang diễn ra theo chiều hướng tiêu cực.

Từ những vấn đề trình bày trên đây, đòi hỏi chúng ta phải nghiên cứu, xây dựng được quan điểm lý luận mới có khả năng phân tích và lý giải đời sống thực tế, hướng cho các gia đình xử lý đúng đắn vấn đề giáo dục xây dựng nhân cách cho thế hệ trẻ phục vụ cho sự nghiệp đổi mới của đất nước.

Chúng ta phải xây dựng một chính sách giáo dục trên nguyên tắc kế thừa những giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống đồng thời kết hợp với phương pháp giáo dục hiện đại nhằm phù hợp với sự thay đổi của xã hội.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng giáo dục gia đình còn thiếu sót có thể là do đời sống kinh tế còn quá khó khăn, trình độ học vấn, kiến thức và năng lực ở một số gia đình còn thấp, quỹ thời gian cho giáo dục gia đình còn ít, hiện tượng tiêu cực xã hội gia tăng do lối sống, sinh hoạt, sự mất ổn định từ gia đình... và quan trọng hơn cả là thiếu chính sách của nhà nước về phát triển gia đình, chăm lo cho thế hệ trẻ.

Những nguyên nhân trên đây cũng là tiền đề cho các điều kiện tăng cường giáo dục gia đình có hiệu quả nếu được xem xét nó dưới một giải pháp chỉnh thể. Những điều

kiện khách quan chủ yếu để giáo dục gia đình có hiệu quả phải là sự hợp tác giữa gia đình với nhà trường, các thiết chế xã hội khác mà sự hỗ trợ của nhà nước trong chức năng xã hội hoá giáo dục con người và xã hội hoá gia đình, đảm bảo cho gia đình trở thành nền tảng của xã hội, chăm lo giáo dục công dân mới cho sự phát triển đất nước.

+ Chính sách xoá đói giảm nghèo:

Đảng ta luôn nhấn mạnh rằng, mục tiêu của cuộc sống kinh tế xã hội đều nhằm phát huy sức mạnh của nhân tố con người và vì con người. Kết hợp hài hoà giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hoá - xã hội, giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội, giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần của nhân dân. Coi phát triển kinh tế là cơ sở và tiền đề để thực hiện các chính sách xã hội nhằm tạo động lực cho sự phát triển kinh tế.

Quán triệt phương châm đó, nhà nước đã ban hành nhiều chính sách tác động trực tiếp đến gia đình với tư cách là một đơn vị sản xuất và tiêu dùng như: cuộc sống ruộng đất, chính sách tiền lương, chính sách xóa đói giảm nghèo, chính sách bảo hiểm xã hội, chính sách bảo hiểm y tế... Trong thời gian tới nhà nước cần có những cơ chế ưu đãi hợp lý để thực hiện tốt những chính sách này.

Để xoá đói giảm nghèo đạt hiệu quả cao thì chính sách của các ngân hàng phải thông thoáng, thuận tiện trong quá trình làm thủ tục vay vốn. Thời hạn cho vay phải phù hợp với thời hạn đầu tư sản xuất của nông dân. Cái quan trọng nhất là cho vay với lãi suất ưu đãi và tăng mức cho vay. Người sản xuất, các tổ chức kinh tế ở nông thôn được thế chấp bằng tài sản hình thành từ vốn vay ngân hàng, được vay bằng tín chấp và vay theo dự án sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Xây dựng và duy trì các quỹ tín dụng nhân dân ở các xã/ phường, hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng cho vay nặng lãi ở nông thôn.

Hiện tại, nhà nước dành nguồn vốn khá lớn cho việc kích cầu nền kinh tế trong điều kiện suy thoái kinh tế toàn cầu. Đây là một chính sách đúng đắn và phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Vấn đề đặt ra là phải sử dụng nguồn vốn một cách hợp lý và có hiệu quả.

+ Chính sách về lao động và việc làm:

Nhà nước cần dành vốn ngân sách đầu tư nâng cấp các cơ sở dạy nghề đồng thời có cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hoá phát triển các hình thức dạy nghề đa dạng.

Có chính sách thu hút những người được đào tạo về việc làm ở nông thôn nhất là vùng sâu vùng xa.

Thực hiện chính sách hỗ trợ và bảo hộ hợp lý một số ngành có triển vọng nhưng còn nhiều khó khăn như chăn nuôi, rau quả... để nông dân phát triển sản xuất và hạn chế được những rủi ro trong quá trình thực hiện các chương trình phát triển kinh tế.

Cung cấp các kiến thức sản xuất kinh doanh mới cho người lao động các hộ gia đình. Đồng thời đưa kỹ thuật công nghệ mới đến tận các gia đình.

+ Chính sách đẩy nhanh CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn.

CNH - HĐH nông nghiệp nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của CNH và HĐH đất nước. Chủ trương này hướng về phục vụ đối tượng chính sách là các gia đình nông dân.

Trong quá trình CNH - HĐH nông nghiệp nông thôn cần có sự kết hợp chặt chẽ các vấn đề kinh tế - xã hội, nhằm giải quyết việc làm, xoá đói, giảm nghèo, ổn định xã hội và phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và văn hoá của các gia đình nông thôn. Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hoá và thuần phong mỹ tục để nông thôn xích lại gần thành thị.

Mục tiêu của chính sách CNH - HĐH nông nghiệp nông thôn là xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá lớn, hiệu quả và bền vững xây dựng nông thôn ngày càng giàu đẹp, dân chủ công bằng văn minh có cơ cấu hạ tầng kinh tế xã hội phát triển ngày càng hiện đại. Cần đầu tư thoả đáng cho các vùng nghèo để đạt được mục tiêu công bằng xã hội.

+ Chính sách nâng cao đời sống văn hoá xã hội và phát triển nguồn nhân lực:

Tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hoá, làng xã, khối phố văn hoá. Phục hồi và phát triển nền văn hoá truyền thống. Phát huy tình làng nghĩa xóm, sự giúp đỡ và hỗ trợ nhau phát triển trong cộng đồng dân cư.

Nâng cao chất lượng và hiệu quả các thiết chế văn hoá; bảo vệ và tôn tạo các di tích lịch sử, di sản văn hoá, danh lam thắng cảnh, đáp ứng yêu cầu hưởng thụ và phát huy tiềm năng sáng tạo của nhân dân.

Đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục, y tế phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Nhà nước cần tăng cường đầu tư vào việc nâng cao chất lượng giáo dục. Đặc biệt chú ý đến vấn đề nuôi dạy trẻ em, tạo điều kiện cho con em học tập tốt hơn, hoàn thành việc phổ cập các bậc học. Có chính sách tuyển chọn người tài để đào tạo cán bộ, công nhân phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Văn hóa gia đình và xây dựng gia đình văn hóa ở tỉnh Hà tĩnh hiện nay docx (Trang 81 - 85)