Về tỷ lệ lao động là người khuyết tật trong các doanh nghiệp.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Thực hiện pháp luật về người khuyết tật ở Việt Nam hiện nay potx (Trang 59 - 61)

Bộ luật Lao động và Nghị định số 81/CP của Chính phủ (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 116/2004/NĐ-CP) quy định các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, mọi hình thức sở hữu phải nhận một tỷ lệ lao động là người tàn tật vào làm việc là 2% hoặc 3% tuỳ theo loại hình doanh nghiệp: 2% đối với doanh nghiệp thuộc các ngành sản xuất điện năng, luyện kim, hoá chất, địa chất, đo đạc bản đồ, dầu khí, khai thác mỏ, khai thác khoáng sản, xây dựng cơ bản, vận tải; 3% đối với doanh nghiệp thuộc các ngành còn lại. Đối với các doanh nghiệp không sử dụng đủ tỷ lệ lao

động theo quy định phải đóng một khoản tiền bằng mức lương tối thiểu chung nhân với số người lao động tàn tật còn thiếu vào Quỹ việc làm cho người tàn tật.

Trên thực tế việc thực hiện các quy định này gặp nhiều khó khăn, đa số các doanh nghiệp sử dụng lao động là người tàn tật vượt quá tỷ lệ quy định là các cơ sở sản xuất kinh doanh của thương binh, bệnh binh, cơ sở sản xuất kinh doanh của người tàn tật, tổ chức tự lực của người tàn tật

Thực hiện quy định về việc sử dụng tỷ lệ bắt buộc là người khuyết tật trong các doanh nghiệp gặp khó khăn do các nguyên nhân sau:

+ Việc quy định một tỷ lệ khác nhau đối với một số ngành, nghề cũng chưa hợp lý. Các ngành như luyện kim, hoá chất, địa chất, đo đạc bản đồ, dầu khí, khai thác mỏ, khai thác khoáng sản, xây dựng cơ bản, vận tải không phù hợp với sức khoẻ và khả năng của người tàn tật, lại đòi hỏi người lao động phải có trình độ chuyên môn nhất định. Nhưng như đã nêu ở trên, số người tàn tật có trình độ chuyên môn ở Việt Nam chỉ chiếm một tỷ trọng rất thấp. Nếu những doanh nghiệp này có nhu cầu tuyển dụng thì người tàn tật cũng không đáp ứng được cả về chuyên môn lẫn thể chất. Như vậy việc quy định tỷ lệ lao động là người tàn tật phải nhận vào làm việc chỉ là hình thức đối với những doanh nghiệp này. Trong các trường hợp khi người sử dụng lao động có nhu cầu tiếp nhận lao động là người tàn tật, nhưng bản thân người tàn tật không đáp ứng được yêu cầu về tay nghề và trình độ chuyên môn của người sử dụng lao động. Mặt khác, tỷ lệ 2% hoặc 3% chỉ có ý nghĩa đối với những doanh nghiệp có số lượng lao động từ 50 người trở lên. Đối với những doanh nghiệp còn lại, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ (chiếm một tỷ trọng lớn ở Việt Nam) hoặc sẽ không phải thực hiện nghĩa vụ hoặc chỉ phải đóng tiền thay thế, như vậy sẽ không khuyến khích họ thu nhận người tàn tật vào làm việc.

+ Mức tiền mà các doanh nghiệp phải nộp vào Quỹ việc làm cho người tàn tật rất thấp. Với quy định này, các doanh nghiệp có xu hướng nộp tiền thay cho việc tiếp nhận lao động là người tàn tật vào làm việc (vì chi phí tăng lên do sử dụng lao động là người tàn tật cao hơn rất nhiều như: chi phí cải tạo nhà xưởng, cải tạo công trình vệ sinh…) dẫn đến sự hạn chế cơ hội để người tàn tật nâng cao vị thế kinh tế-xã hội, hoà nhập cộng đồng - ý nghĩa xã hội của chính sách đã không được phát huy.

+ Khả năng đóng góp của các doanh nghiệp còn hạn chế. Theo quy định của pháp luật lao động hiện hành, các doanh nghiệp phải đóng góp bảo hiểm xã hội (15% quỹ tiền lương) và bảo hiểm y tế (2% quỹ tiền lương) cho người lao động của mình. Ngoài ra, theo luật công đoàn, doanh nghiệp còn phải đóng phí công đoàn (2% quỹ tiền lương) cho người lao động. Các doanh nghiệp này gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như có quá nhiều nghĩa vụ phải đóng góp.

+ Mặt khác, một số doanh nghiệp nhận nhiều lao động là người tàn tật nhưng không được trợ giúp từ phía Nhà nước. Pháp luật quy định: “Chính phủ dành một phần ngân sách để trợ giúp người tàn tật phục hồi sức khoẻ, phục hồi chức năng lao động, học nghề tạo việc làm, hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho người tàn tật, hỗ trợ các doanh nghiệp nhận số người tàn tật vào học nghề, vào làm việc cao hơn tỷ lệ quy định”.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến luật pháp và chính sách về việc làm cho người tàn tật đối với các doanh nghiệp cũng chưa được thực hiện tốt. Các chính sách về việc làm cho người tàn tật được quy định tản mát trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau cho nên nhiều doanh nghiệp và người tàn tật không biết các quy định này để thực hiện. Mặt khác, thực tế còn nhận thức sai lệch coi người lao động tàn tật như là gánh nặng chứ không phải là một tài sản cần trân trọng.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Thực hiện pháp luật về người khuyết tật ở Việt Nam hiện nay potx (Trang 59 - 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(94 trang)