Hệ thống văn bản pháp luật về người khuyết tật

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Thực hiện pháp luật về người khuyết tật ở Việt Nam hiện nay potx (Trang 51 - 53)

Ngày 30 tháng 7 năm 1998, Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh về người tàn tật. Pháp lệnh gồm có 35 điều, 8 chương. Pháp lệnh đã thể hiện quan điểm của Đảng, Nhà nước nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người tàn tật thực hiện bình đẳng các quyền về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và phát huy khả năng của mình để ổn định đời sống, hoà nhập cộng đồng, tham gia các hoạt động xã hội. Người tàn tật được Nhà nước và xã hội trợ cấp, trợ giúp chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng, tạo việc làm phù hợp và được hưởng các quyền khác theo quy định của pháp luật. Pháp lệnh đã quy định nội dung, nguyên tắc, tổ chức thực hiện, phân công trách nhiệm các cơ quan, tổ chức và chính quyền các cấp bảo đảm người tàn tật thực hiện các quyền và trách nhiệm của người tàn tật và sống hoà nhập cộng đồng xã hội; gia đình người tàn tật thực hiện các trách nhiệm bảo vệ, nuôi dưỡng chăm sóc giúp đỡ người tàn tật của gia đình; Nhà nước và xã hội đối thực hiện các chương trình, đề án, chính sách đối với người tàn tật trên các lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ và nuôi dưỡng, học văn hoá, học nghề và việc làm, hoạt động văn hoá, thể dục thể thao và sử dụng công trình công cộng… đối với người tàn tật. Sự ra

đời của Pháp lệnh về người tàn tật đã góp phần vào cải thiện đời sống của người tàn tật, đồng thời có nhiều thay đổi tích cực về kinh tế, xã hội. Pháp lệnh cũng là cơ sở pháp lý, nguyên tắc để Chính phủ, các Bộ, ngành đưa các vấn đề liên quan đến người tàn tật vào các Luật chuyên ngành để trình Quốc hội thông qua, đồng thời ban hành các chính sách, chương trình, dự án, đề án trợ giúp người tàn tật hoà nhập cộng đồng, tổ chức huy động nguồn lực quốc tế, trong nước trợ giúp người tàn tật có hiệu quả.

Bên cạnh Pháp lệnh về người khuyết tật, Quốc hội và Uỷ ban thường vụ quốc hội đã ban hành 02 nghị quyết và 19 Luật chuyên ngành có chương, điều quy định về những vấn đề liên quan đến quyền lợi của người tàn tật, trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và xã hội đối với người tàn tật (có phụ lục kèm theo).

Các địa phương với thẩm quyền quản lý, điều kiện của địa phương đã ban hành các văn bản quy định và hướng dẫn triển khai thực hiện chế độ chính sách, giải pháp trên phạm vi địa phương quản lý như: Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Quyết định, chỉ thị của UBND và các văn chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện của các Sở, Ban ngành.

Đánh giá trong hơn 10 năm, hệ thống văn bản Pháp luật về trợ giúp người khuyết tật do các cơ quan từ Trung ương đến địa phương ban hành tương đối nhiều. Hệ thống văn bản đã thể chế hoá và điều chỉnh tương đối toàn diện các quan hệ chính trị, tư pháp, kinh tế văn hoá xã hội có liên quan đến người khuyết tật và quy định chi tiết về các chế độ, chính sách, chương trình dự án trợ giúp người khuyết tật, đã tạo môi trường pháp lý thuận lợi để người khuyết tật hoà nhập cộng đồng. Tuy nhiên, do ban hành nhiều văn bản nên việc tổ chức thực hiện cũng đã gặp khó khăn ở cả trung ương và địa phương. Đồng thời do Pháp lệnh về người tàn tật chưa quy định đầy đủ khung, nguyên tắc về chế độ chính sách, giải pháp trợ giúp nên đã dẫn đến các văn bản ban hành sau chưa bảo đảm được tính thống nhất. Luật chuyên ngành cũng mới chỉ quy định lại về nguyên tắc, chưa có quy định chi tiết về các chế độ, nguồn lực, tổ chức thực hiện đã dẫn đến không đồng bộ giữa các quy định của văn bản Luật và hệ thống tổ chức thực thi ở cơ sở, đã dẫn đến nhiều quy định sau nhiều năm chưa được thực hiện đầy đủ theo đúng quy định.

So sánh hệ thống văn bản quy định trong nước với Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật và kinh nghiệm của một số nước cho thấy hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam tương đối tương đồng. Tuy nhiên có sự khác nhau là ở các nước đều được

đưa vào Luật, nhưng Việt Nam thì chủ yếu quy định bằng các văn bản dưới luật, hoặc đang triển khai ở dạng chính sách, chương trình, dự án, đề án.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Thực hiện pháp luật về người khuyết tật ở Việt Nam hiện nay potx (Trang 51 - 53)