- Công tác xã hội hoá giáo dục (XHH GD)
3.2.3.3. Đổi mới phương pháp đánh giá kết quả học tập
Tăng cường đổi mới khâu kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ. Xây dựng ngân hàng câu hỏi, phối hợp có hiệu quả giữa các hình thức kiểm tra trắc nghiệm và tự luận. Đổi mới ra đề kiểm tra 15 phút, kiểm tra 1 tiết, kiểm tra học kỳ theo hướng kiểm tra kiến thức cơ bản, năng lực vận dụng kiến thức của người học, phù hợp với nội dung chương trình, thời gian quy định. Khuyến khích các trường tổ chức kiểm tra chung 45 phút.
Tổ chức tốt các kỳ thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT năm 2010 tạo tiền đề vững chắc cho việc tổ chức kỳ thi “2 trong 1” vào những năm tiếp theo; các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT.
Triển khai nghiêm túc công tác đánh giá chất lượng tại 4 trường THPT tham gia thí điểm Chương trình quản lý chất lượng của Bộ; tổ chức đánh giá tại 2 trường THPT, 4 trường THCS, 4 trường tiểu học trên các địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khác nhau theo các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng do Bộ GD&ĐT ban hành. Sau đó, tổ chức hội thảo đánh giá rút kinh nghiệm để triển khai toàn thành phố.
Xây dựng kế hoạch quản lý nghiên cứu khoa học của ngành, nâng cao số lượng, chất lượng của các sáng kiến kinh nghiệm, đề tài nghiên cứu khoa học. Xây dựng lại những tài liệu đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá kết quả học tập cho các giáo viên từ mầm non đến giáo dục nghề nghiệp và đại học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học. Đến năm 2015 có 80% giáo viên phổ thông, 100% giáo viên, giảng viên các trường dạy nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học sử dụng thành thạo công nghệ thông tin và truyền thông vào dạy học. Tăng cường thanh tra về đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá. Đảm bảo đến năm 2020 có 100% giáo viên, giảng viên từ mầm non đến giáo dục nghề nghiệp và đại học được đánh giá là áp dụng có hiệu quả các phương pháp dạy học mới.
Thực hiện đánh giá quốc gia về chất lượng học tập của học sinh 3 năm một lần và công bố kết quả để toàn xã hội biết rõ chất lượng thực sự của giáo dục phổ thông. Trước mắt, thực hiện đánh giá với hai môn Toán và Tiếng Việt (hoặc Ngữ văn) và từng bước tăng các môn cần đánh giá ở phổ thông; trong giai đoạn đầu thực hiện đánh giá ở các lớp 5,9 và 11, tiến tới thực hiện đánh giá ở các lớp 3,4,7,9, và 11.
Xây dựng một số trung tâm đánh giá kỹ năng nghề, công nhận trình độ của người học, tạo điều kiện cho người lao động được học tập suốt đời và di chuyển trong thị trường việc làm.
Để xây dựng môi trường sư phạm bình đẳng, thúc đẩy sự nỗ lực phấn đấu và nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, bắt đầu từ năm 2010 thực hiện việc thí điểm và tổng kết mô hình học sinh đánh giá giáo viên, sinh viên đánh giá giảng viên, giáo viên và giảng viên đánh giá cán bộ quản lý nhà trường.
Triển khai công tác đánh giá chất lượng giáo dục các trường phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp; chuẩn bị kiểm định một số trường tiểu học đã hoàn tất đánh giá trong và triển khai chuẩn bị kiểm định một số trường tiểu học đã hoàn tất đánh giá trong và triển khai chuẩn đánh giá các trường mầm non. Triển khai các bước chuẩn bị cho học sinh Hải Phòng tham gia chương trình đánh giá kết quả học tập của học sinh quốc tế (PISA).