- Sự quyết tâm của các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý
2.1.1.1. Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên
Hải Phòng là một trong năm thành phố trực thuộc Trung ương, có tổng diện tích tự nhiên là 1507,6 km2, bao gồm 7 quận, 8 huyện (có hai huyện đảo Cát Hải và Bạch Long Vĩ). Hải Phòng là trung tâm giao thông vận tải của toàn bộ khu vực phía Bắc, nối các tỉnh này với thị trường thế giới qua hệ thống cảng biển. Địa hình Hải Phòng đa dạng bao gồm đất liền (chiếm phần lớn diện tích), vùng biển - hải đảo, đồng bằng ven biển (độ cao từ 0,7 - 1,7m so với mực nước biển) và núi.
Hải Phòng là một thành phố công nghiệp, có diện tích đất nông nghiệp không lớn, song có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp và nông thôn theo hướng công nghiệp hoá nông nghiệp.
Với các điều kiện tự nhiên về biển và rừng, Hải Phòng rất có điều kiện phát triển mạnh ngành công nghiệp du lịch. Rừng tập trung chủ yếu ở vùng quần đảo Cát Bà với diện tích được quy hoạch bảo vệ là 15.200ha. Đồ Sơn là một bán đảo đồi núi vươn ra biển dài đến 5km, có giá trị chủ yếu về phong cảnh và môi trường sinh thái. Cát Bà, Đồ Sơn, Núi Voi, Tràng Kênh là những địa danh du lịch nổi tiếng của thành phố Hải Phòng.
Bên cạnh tiềm năng du lịch, tài nguyên biển của Hải Phòng là một thế mạnh trong phát triển ngư nghiệp. Huyện đảo Cát Hải là trung tâm hội tụ nghề cá của các tỉnh trong vùng và cả nước. Huyện đảo Bạch Long Vĩ nằm giữa Vịnh Bắc Bộ, sát với ngư trường trọng điểm, trữ lượng cá cho phép khai thác lớn, nguồn lợi hải sản phong phú, đa dạng, cùng với đảo Cát Bà hình thành một tuyến đảo bổ sung và hỗ trợ cho nhau trong chiến lược phát
triển nghề đánh cá xa bờ của thành phố. Ngoài ra còn có trên 5 nghìn ha mặt nước mặn xung quanh đảo Cát Bà, Bạch Long Vĩ có điều kiện môi trường thuận lợi để nuôi đặc sản biển với công nghệ cao. Khoáng sản của Hải Phòng chủ yếu là đá vôi tập trung ở Tràng Kênh và Pháp Cổ nên có rất nhiều điều kiện để phát triển công nghiệp sản xuất xi măng, đất đèn và các sản phẩm hoá chất gốc từ cacbonat.