Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là tiền đề vật chất cho việc nâng cao văn hóa pháp lý của đội ngũ cán bộ lãnh đạo

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Văn hóa pháp lý của đội ngũ cán bộ lãnh đạo ở Việt Nam hiện nay pptx (Trang 63 - 65)

tiền đề vật chất cho việc nâng cao văn hóa pháp lý của đội ngũ cán bộ lãnh đạo ở nước ta hiện nay

Sự chuyển biến của thể chế kinh tế, từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường là một cuộc chuyển biến mang tính cách mạng sâu sắc. Từ sự chuyển biến đó, tất yếu dẫn đến sự chuyển biến về ý thức tư tưởng, về văn hóa và phương thức điều chỉnh hành vi của con người; thúc đẩy sự phát triển ý thức chủ thể, ý thức bình đẳng, ý thức dân chủ, ý thức trách nhiệm cá nhân cao hơn; thúc đẩy việc xây dựng nền pháp chế xã hội chủ nghĩa theo đúng hướng phù hợp với bản chất của nó. Thêm vào đó, kinh tế thị trường tất nhiên cũng làm phát sinh những quan hệ về lợi ích giữa cá nhân và cá nhân, cá nhân và xã hội, tập thể và tập thể ngày càng phức tạp, đa dạng hơn. Do đó, cần phải kiện toàn và tăng thêm sức mạnh của pháp chế xã hội chủ nghĩa để điều chỉnh những quan hệ lợi ích đó.

Trong điều kiện của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, người cán bộ lãnh đạo buộc phải hiểu biết pháp chế xã hội chủ nghĩa, hiểu biết pháp luật, phải bảo vệ pháp luật, phải dùng pháp luật, lấy quy phạm pháp luật để điều chỉnh hành vi của mình, dùng pháp luật để suy đoán lẽ phải, trái; biết dùng pháp luật để bảo vệ lợi ích chính đáng của đơn vị (tập thể, địa phương) mình và bảo vệ lợi ích của nhà nước, của nhân dân. Kinh tế thị trường không chỉ thúc đẩy nền văn minh vật chất đạt tới một trình độ cao hơn, một thiết chế xã hội năng động hơn, mà còn đặt ra nhu cầu phát triển, hoàn thiện hệ thống pháp luật, điều chỉnh những quan

hệ xã hội mới nảy sinh, giúp con người làm chủ được nền kinh tế, làm chủ các quan hệ xã hội và làm chủ bản thân mình. Như vậy, nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa vừa là cơ sở, là nguyên nhân, vừa là yêu cầu để nảy sinh, hình thành một nền văn hóa pháp lý mới. Trong nền văn hóa pháp lý đó, văn hóa pháp lý của cán bộ lãnh đạo cũng được định hình và nâng lên tầm cao mới.

Trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp, tất cả tạo thành một hệ thống được bao cấp, bị bao cấp và phải bảo cấp về mọi mặt, cả về kinh tế lẫn tư tưởng; cấp trên lo cho cấp dưới, nghĩ thay cấp dưới; cấp dưới làm theo sự chỉ đạo của cấp trên, nếu không làm theo là "là có vấn đề về chính trị"; không cần suy nghĩ, không cần sáng tạo và tất nhiên không cần người có trí tuệ cao. Trong điều kiện của nền kinh tế thị trường, tất cả đều bị chế ước bởi quan hệ thị trường giá cả; sức cạnh tranh mạnh hay yếu, sự tiến lên hay thụt lùi của một tổ chức trong một thời điểm nhất định, được quyết định bởi tài năng của người cán bộ lãnh đạo.

Xóa bỏ bao cấp đòi hỏi đội ngũ cán bộ lãnh đạo phải năng động, sáng tạo, dám đi vào thực tiễn, sẵn sàng thay đổi quan niệm nếu quan niệm trước đó đánh giá tình hình sai, đề ra phương hướng hoạt động không có hiệu quả. Hơn nữa, sự vận động của cuộc sống xã hội trong nền kinh tế thị trường có tốc độ cao, biến đổi nhanh từ tình thế này sang một tình thế mới, khó khăn mới liên tiếp nảy sinh, có khi chỉ một thời gian rất ngắn đã có những biến đổi phức tạp. Trước tình hình đó, người cán bộ lãnh đạo phải nhạy cảm, quyết đoán nhận biết được cái lợi, cái hại, cái được, cái mất do biến đổi tình thế mang lại, giỏi nắm bắt thời cơ, biết đoàn kết và cách tổ chức lực lượng thực hiện từng nhiệm vụ… Để sự năng động không đi sai hướng, đòi hỏi người cán bộ lãnh đạo phải am hiểu pháp luật, nhìn rõ "hành lang" an toàn trên con đường đi của mình. Như vậy, những yếu tố tạo nên trí tuệ sáng tạo, năng động của người cán bộ lãnh đạo đã bao hàm cả tri thức pháp luật, và qua đó, thể hiện trình độ văn hóa pháp lý cao hơn so với cán bộ lãnh đạo thời kỳ bao cấp.

Ngoài tác dụng tích cực của cơ chế kinh tế thị trường như đã phân tích ở trên, chúng ta cũng phải đặc biệt chú ý tới những ảnh hưởng phụ, là tác dụng tiêu cực của nó.

Đặc điểm của cơ chế kinh tế thị trường là trao đổi ngang giá, cạnh tranh lẫn nhau, chạy theo lợi nhuận… dễ khơi dậy trong tư tưởng một số người không lành mạnh xu hướng: tự tư tự lợi, lợi mình hại người, lợi tư hại công. Người có tư tưởng đó, tất dẫn đến một lối sống ích kỷ với quan niệm, lợi ích cá nhân là trước hết; mong muốn, nguyện vọng cá nhân là quan trọng nhất; thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ vật chất của cá nhân cũng là quan trọng nhất. Cũng chính những tư tưởng cá nhân chủ nghĩa đó, đã làm cho một số người lạc lối, đánh mất lý tưởng, niềm tin của người cán bộ cách mạng, làm cho họ quyên đi danh dự, nghĩa vụ, trách nhiệm của người cán bộ lãnh đạo trước dân, thậm chí không còn cả lương tâm. Một điều nữa cũng đáng phải lưu ý, trong xã hội ta hiện nay, nguyên tắc trao đổi hàng hóa đã và đang không ngừng xâm nhập vào mọi quan hệ xã hội, ngay cả chức vụ lãnh đạo cũng trở thành hàng hóa. Vì thế, đã có người nói đến thứ "văn hóa chạy" [48] (đó là thứ phản văn hóa), "chúng phát triển như một thứ bệnh dịch lây lan rất nhanh".

Hoạt động trong cơ chế kinh tế thị trường phức tạp như vậy, cán bộ lãnh đạo, dù ở cấp nào cũng thế, là những người có trọng trách nắm giữ nhiều thứ, nếu không có lương tâm thì dễ biến những thứ mình nắm giữ thành hàng hóa để trục lợi như nhiều kẻ đã làm. Để tránh được những tác động xấu của những mặt tiêu cực trong cơ chế kinh tế thị trường, văn hóa pháp lý như một liều thuốc miễn dịch đối với cán bộ lãnh đạo. Vì thế, theo chúng tôi, văn hóa pháp lý là một phẩm chất, được xem như tiêu chuẩn bắt buộc đối với người cán bộ lãnh đạo (trình độ ở mỗi cấp có thể yêu cầu khác nhau). Xây dựng và nâng cao văn hóa pháp lý của đội ngũ cán bộ lãnh đạo ở nước ta trong giai đoạn hiện nay là một yêu cầu cấp thiết.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Văn hóa pháp lý của đội ngũ cán bộ lãnh đạo ở Việt Nam hiện nay pptx (Trang 63 - 65)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(92 trang)