Cả một thời gian dài, chúng ta chưa quan tâm đúng mức đến đào tạo, giáo dục kiến thức pháp luật cho nhân dân, trình độ văn hóa pháp lý trong quần chúng nhân dân còn thấp, nhiều nơi nhân dân không nhận thức được sự non kém về văn hóa pháp lý của đội ngũ cán bộ lãnh đạo. Mặc dù, trong việc tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, có đưa ra yêu cầu tiêu chuẩn hóa nhưng còn chung chung, chưa cụ thể hóa với từng loại cán bộ lãnh đạo nhất là cán bộ lãnh đạo chính quyền ở địa phương. Một thực tế đáng quan tâm và cần khắc phục là cho đến nay các chức danh của cán bộ lãnh đạo chính quyền các cấp, nhất là ở cơ sở chưa có tiêu chuẩn cụ thể về nghiệp vụ quản lý, tổ chức, lãnh đạo và trình độ hiểu biết pháp luật. Thiếu những kiến thức đó, cán bộ lãnh đạo khó có thể hoàn thành nhiệm vụ và vai trò lãnh đạo của mình. Vì vậy, một số nơi đội ngũ cán bộ lãnh đạo chính quyền cơ sở ở địa phương rơi vào tình trạng thiếu ổn định: qua mỗi lần bầu cử, số được tái cử, có nơi chỉ có 20%.
ở một số nơi xảy ra tình trạng bè cánh, che chắn cho nhau, tạo thành dây rợ lũng đoạn cơ quan, đơn vị, địa phương nên khi cán bộ lãnh đạo vi phạm pháp luật rất khó phát hiện, phát hiện cũng rất khó xử lý. Chẳng hạn, vụ chủ tịch xã Lý Công Sinh ở Vĩnh Phúc, cướp đất của dân, hành hung dân lành…bao năm dân kêu kiện cũng không ai giải quyết. Khi báo chí vào cuộc, lúc đó buộc các cơ quan chức năng thực thi pháp luật phải thực hiện nhiệm vụ của mình. Tình trạng kéo bè kéo cánh (ở địa phương là dòng họ) dẫn đến một thực tế là cán bộ lãnh đạo không cần hiểu biết pháp luật, thậm chí pháp luật bị trà đạp; trong tình trạng đó, làm sao cán bộ lãnh đạo cần trình độ văn hóa pháp lý.
Hơn nữa, hệ thống pháp luật thực định ở nước ta hiện nay chưa đầy đủ, một số lĩnh vực quan hệ xã hội rất cơ bản chưa có luật điều chỉnh, ngay một số ngành luật đã có từ lâu nhưng vẫn thiếu những chế định luật cần thiết, như các ngành luật dân sự, kinh tế, lao động; còn có sự mâu thuẫn giữa các văn bản quy phạm pháp luật; kỹ thuật xây dựng pháp luật và tính khả thi chưa cao. Vì thế, nhiều cán bộ lãnh đạo lúng túng trong việc áp dụng pháp luật; hoặc áp dụng những văn bản có lợi cho mình, lợi cho người mà mình muốn bảo vệ. Đồng thời, đó cũng là kẽ hở để cho một số cán bộ lãnh đạo không trung thực lợi dụng lách luật bao che cho kẻ phạm tội. Chúng ta từng chứng kiến những cuộc chất vấn của các đại biểu quốc hội về một số
vụ tham nhũng lớn nhưng người thì dẫn văn bản luật này, người thì dẫn văn bản luật khác. Nhưng nếu cái tâm của người cán bộ lãnh đạo trong sáng thì bao giờ họ cũng dựa vào văn bản nào có lợi cho dân, cho đất nước, đó mới là sự nhạy bén về mặt chính trị của người cán bộ lãnh đạo mà đất nước cần. Khi họ viện dẫn những văn bản để bao biện cho việc làm thiệt hại cho dân, cho nước, đó là người không có ý thức về văn hóa pháp lý.
Phát triển nền kinh tế thị trường, mở rộng các mối quan hệ quốc tế, mở rộng và khuyến khích đầu tư nước ngoài đã làm nảy sinh nhiều mối quan hệ xã hội mới, những vấn đề pháp luật có yếu tố nước ngoài, sự va chạm với các quy phạm pháp luật nước ngoài v,v… khiến cho nhiều cán bộ lãnh đạo còn nhiều bỡ ngỡ, đòi hỏi phải có thời gian mới thích nghi kịp.