luật trong quần chúng nhân dân
Giáo dục pháp luật là sự tác động một cách có hệ thống, có mục đích và thường xuyên tới nhận thức của đối tượng được giáo dục nhằm trang bị cho họ
những kiến thức pháp luật để từ đó có ý thức đúng đắn về pháp luật, tôn trọng và tự giác xử sự theo yêu cầu của pháp luật.
Mục đích của giáo dục pháp luật nhằm hình thành, làm sâu sắc và mở rộng hệ thống tri thức pháp luật của công dân, hình thành tình cảm là lòng tin đối với pháp luật, từ đó, hình thành động cơ, hành vi và thói quen xử sự hợp pháp. Như vậy,
tuyên truyền, giáo dục pháp luật là tác động tới tất cả các yếu tố cấu thành văn hóa pháp lý từ tri thức đến tình cảm và hành vi. Để thực hiện việc giáo dục pháp luật, có nhiều hình thức, một trong những hình thức rất quan trọng là công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật của cán bộ lãnh đạo qua thực tiễn công tác và tấm gương chấp hành pháp luật của họ.
Sách, báo và các phương tiện thông tin đại chúng hàng ngày đăng tải và cung cấp cho xã hội các tri thức và thông tin về pháp luật, qua đó các cá nhân lĩnh hội được ít, nhiều kiến thức pháp luật cần thiết. Cán bộ lãnh đạo, thông qua vị trí công tác và vai trò của mình làm rõ và sâu sắc hơn những vấn đề về pháp luật có liên quan đến đời sống của quần chúng nhân dân trong phạm vi cơ quan, đơn vị hoặc cơ sở của mình. Trong đó, điều quan trọng là thông qua công tác lãnh đạo làm rõ những chuẩn mực xã hội pháp luật, ngăn chặn sự sai lệch hành vi pháp luật của những thành viên trong đơn vị mình. Bao giờ, đó cũng là việc làm đó có ý nghĩa giáo dục sâu sắc.
Chuẩn mực pháp luật là loại chuẩn mực có tính chất tổng hợp và phổ biến, bao gồm, một hệ thống các quy tắc chỉ đạo hành vi cá nhân có tính khách quan được ghi thành văn bản. Pháp luật miêu tả rõ ràng và khúc chiết cách ứng xử hoặc giới hạn của hành vi. Những hành vi sai lệch là những hành vi không phù hợp chuẩn mực pháp luật. Sự sai lệch chuẩn mực pháp luật sẽ bị trừng phạt bởi cơ quan chuyên trách.
Nếu các chuẩn mực xã hội nói chung, có chức năng điều tiết hành vi của các cá nhân thì sự sai lệch hành vi xã hội sẽ làm chức năng điều tiết yếu đi, gây nhiều hậu quả cho xã hội và cho cá nhân. Vi phạm pháp luật là những hành vi sai lệch ở mức độ trầm trọng gây nhiều tổn thất cho xã hội, chẳng hạn, gây không khí lo sợ
làm tổn hại đến an ninh, trật tự cuộc sống như trộm, cướp, gây rối; buôn bán phụ nữ, trẻ em v,v…Một số sai lệch có thể gây hậu quả rất trầm trọng như tệ tham nhũng, lợi dụng chức quyền, gây tổn hại về kinh tế và hàng loạt các hậu quả về tâm lý như suy giảm lòng tin của nhân dân vào đội ngũ cán bộ, vào chính quyền, suy yếu những quy tắc trật tự, nguyên tắc làm việc trong một số cơ quan, một số địa phương. Do đó, người cán bộ lãnh đạo bằng tấm gương "sống làm việc theo hiến pháp và pháp luật" là sự giáo dục quần chúng có ý nghĩa thuyết phục nhất.
Kết luận chương 1
Văn hóa pháp lý là một bộ phận cấu thành của một nền văn hóa, vừa là giá trị tinh thần trong lĩnh vực hoạt động chính trị - pháp lý, khái niệm văn hóa pháp lý đã có tác động lớn trong hoạt động pháp luật.
Trên cơ sở xác định quan niệm chung về bản chất, cấu trúc, chức năng của văn hóa pháp lý. Tác giả luận văn nêu lên vai trò quan trọng của văn hóa pháp lý trong đời sống tinh thần của xã hội hiện đại nói chung, trong hoạt động chính trị - pháp lý nói riêng. Luận văn nêu rõ cán bộ lãnh đạo là những cán bộ chủ chốt có ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động của tổ chức, cùng với đặc điểm cơ bản về văn hóa pháp lý của họ. Và từ đó nêu lên những yêu cầu về văn hóa pháp lý đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo trong sự nghiệp đổi mới hiện nay.
Chương 2
Thực trạng văn hóa pháp lý
của đội ngũ cán bộ lãnh đạo ở Việt Nam hiện nay
Phông văn hóa pháp lý của cán bộ lãnh đạo, rộng hay hẹp, đậm hay nhạt, một mặt phản ánh thực trạng điều kiện kinh tế - xã hội, bản chất của chế độ chính trị, nền pháp luật, truyền thống văn hóa và văn hóa pháp lý của dân tộc; mặt khác, do chính sách đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ và sự nỗ lực học tập, trau dồi, rèn luyện của mỗi người cán bộ lãnh đạo. Người cán bộ lãnh đạo có trình độ và năng lực vận dụng văn hóa pháp lý, có nhiệt huyết với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Nhân dân, sống có trách nhiệm và trọng danh dự, chắc chắn hiệu quả công tác sẽ cao. Thực tế trong những năm qua, cùng với việc xây dựng nhà nước pháp quyền, pháp luật đã được coi trọng đúng với vị trí, ý nghĩa của nó. Đó là một điều kiện quan trọng cho nền văn hóa pháp lý Việt Nam hiện đại hình thành và phát triển. Trong nền văn hóa đó, không thể bỏ qua một chủ thể là đội ngũ cán bộ lãnh đạo. Biết được thực trạng văn hóa pháp lý của cán bộ lãnh đạo là cơ sở để xác định phương hướng, giải pháp hoàn chỉnh nó.