Cán bộ lãnh đạo phải có năng lực thực hiện và áp dụng pháp luật trong thực tiễn công tác

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Văn hóa pháp lý của đội ngũ cán bộ lãnh đạo ở Việt Nam hiện nay pptx (Trang 35 - 37)

Năng lực của mỗi cá nhân dựa trên cơ sở tư chất, nhưng điều chủ yếu là năng lực hình thành, phát triển và thể hiện trong hoạt động tích cực của con người thông qua tiếp nhận sự giáo dục và rèn luyện. Muốn có năng lực trên lĩnh vực hoạt động nào đó, trước hết phải có tri thức, có kỹ năng nhất định trong lĩnh vực hoạt động đó. Cán bộ lãnh đạo, có tri thức, có tình cảm pháp luật đúng đắn chưa đủ, muốn thực hiện vai trò lãnh đạo của mình phải có năng lực hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực pháp luật như năng lực thực hiện pháp luật, năng lực áp dụng pháp luật.

Năng lực thực hiện pháp luật là năng lực chuyên biệt, thể hiện những phẩm chất cá nhân đáp ứng yêu cầu của lĩnh vực hoạt động thực hiện pháp luật. Thực hiện pháp luật là một trong những hình thức để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của nhà nước. Kể từ khi pháp luật xuất hiện, hoạt động thực hiện pháp luật là một trong những hoạt động không thể thiếu. Bởi vì, pháp luật là một công cụ quản lý xã hội sắc bén, nhưng pháp luật chỉ có thể phát huy được vai trò và những giá trị của mình trong việc duy trì trật tự và tạo điều kiện cho xã hội phát triển khi pháp luật được tôn trọng và thực hiện trong cuộc sống. Nhà nước ban hành quy phạm pháp luật là mong muốn sử dụng chúng để điều chỉnh các quan hệ xã hội phục vụ lợi ích, mục đích của nhà nước và xã hội. Thực hiện pháp luật thể hiện ở hành vi pháp luật của con người. Cho nên thực hiện pháp luật là hành vi hợp pháp của các chủ thể pháp luật, nghĩa là tất cả các hoạt động nào của các cá nhân, các tổ chức mà được thực hiện phù hợp với các quy định của pháp luật thì đều được coi là thực hiện các quy phạm pháp luật. Thực hiện pháp luật, một mặt, nhằm đạt được những mục đích xã hội mà vì chúng nhà nước đã phải ban hành pháp luật, mặt khác, cho phép làm rõ những hạn chế, bất cập của hệ thống pháp luật thực định để từ đó có thể đưa ra những giải pháp hữu hiệu cho việc sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành và cơ chế đưa pháp luật vào cuộc sống. Một số quy phạm pháp luật mà việc thực hiện có thể được tiến hành thông qua những quy trình giản đơn như chủ thể pháp luật nhận thức, xác định yêu cầu, đòi hỏi của pháp luật rồi lựa chọn phương án thực hiện. Song, cũng có nhiều quy phạm pháp luật để thực hiện được còn đòi hỏi phải thông qua những quy trình hết sức phức tạp với sự tham gia của

nhiều tổ chức, cá nhân khác nhau theo những trình tự, thủ tục chặt chẽ mà pháp luật quy định.

Đồng thời với năng lực thực hiện pháp luật, là năng lực áp dụng pháp luật của cán bộ lãnh đạo. Bởi vì, áp dụng pháp luật là hoạt động mang tính quyền lực nhà nước, chỉ do những cơ quan nhà nước hay nhà chức trách có thẩm quyền tiến hành. Trong quá trình áp dụng pháp luật, mọi giác độ, mọi tình tiết phải được xem xét thận trọng và dựa trên cơ sở các quy định, yêu cầu của quy phạm pháp luật đã được xác định để ra các quyết định cụ thể. Nếu pháp luật là thể hiện ý chí của giai cấp thống trị thì áp dụng pháp luật được xem là sự tiếp tục thể hiện ý chí đó trong quá trình điều chỉnh pháp luật. Vì vậy, ở một chừng mực nhất định áp dụng pháp luật còn mang tính chính trị, phục vụ cho những mục đích chính trị nhất định; việc áp dụng pháp luật không những phải phù hợp với pháp luật thực định mà còn phải phù hợp với chủ trương chính sách của nhà nước trong mỗi giai đoạn nhất định.

Hoạt động áp dụng pháp luật đòi hỏi tính linh hoạt, sáng tạo (trong phạm vi quy định của pháp luật). Khi thực hiện áp dụng pháp luật, người có thẩm quyền nghiên cứu tỉ mỉ làm sáng tỏ các khía cạnh pháp lý, rồi từ đó lựa chọn quy phạm, ra quyết định, văn bản áp dụng pháp luật và tổ chức thi hành. Nhưng trong trường hợp pháp luật chưa có, hoặc chưa rõ phải linh hoạt, sáng tạo cần thiết phải áp dụng tập quán pháp hoặc pháp luật tương tự để giải quyết các vụ việc. Khi vận dụng linh hoạt sáng tạo pháp luật đòi hỏi người thực thi công vụ phải có ý thức pháp luật cao, tri thức phong phú, tổng hợp và phải có cái tâm trong sáng. Không thể chấp nhận được việc cán bộ lãnh đạo nào đó lại ra các văn bản áp dụng pháp luật trái luật. Chẳng hạn, cán bộ lãnh đạo ra những quyết định, lệnh …không có căn cứ pháp lý v,v…

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Văn hóa pháp lý của đội ngũ cán bộ lãnh đạo ở Việt Nam hiện nay pptx (Trang 35 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(92 trang)