pháp luật
Trình độ văn hóa nói chung trước hết thể hiện sự hiểu biết, sự nắm được tri thức mà nhân loại đã khám phá, phát minh về thế giới, có ý nghĩa cần thiết cho cuộc sống, những giá trị do con người sáng tạo ra v,v…Từ khái niệm văn hóa pháp lý, chúng ta thấy người có trình độ văn hóa pháp lý là người có đầy đủ ba yếu tố, tồn tại trong thể thống nhất là: tri thức, tình cảm và hành vi tích cực pháp luật. Do đó, đối với cán bộ lãnh đạo, yêu cầu về văn hóa pháp lý trước hết cũng phải là hiểu biết và có năng lực nhận thức pháp luật.
Hiểu biết là kết quả của quá trình nhận thức, quá trình hoạt động trí tuệ nắm bắt được bản chất, ý nghĩa của một vấn đề. Sự hiểu biết vấn đề một cách có hệ thống là tri thức về vấn đề đó. Tri thức pháp luật là kết quả của quá trình nhận thức về pháp luật thông qua học tập, nghiên cứu, hoạt động và quan hệ xã hội v,v…Tri thức pháp luật bao gồm sự hiểu biết các tư tưởng, quan điểm, các học thuyết về pháp luật đã qua, pháp luật hiện hành và pháp luật cần phải có; hiểu về truyền thống pháp lý của dân tộc như phong tục, tập quán, luật lệ... nắm vững quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về bản chất và vai trò của pháp luật hiện hành, về quyền và nghĩa vụ của của nhà nước, của các tổ chức xã hội và công dân; là sự hiểu biết thể hiện sự
đánh giá về tính hợp pháp hay không hợp pháp trong hành vi xử sự của con người trong xã hội.
Trong hệ thống tri thức pháp luật, người cán bộ lãnh đạo phải thấm nhuần những nguyên tắc pháp luật xã hội chủ nghĩa. Đó là, những nguyên lý, những tư tưởng chỉ đạo cơ bản, có tính chất xuất phát điểm, bao quát, quyết định nội dung và hiệu lực pháp luật. Các nguyên tắc gắn liền với bản chất của pháp luật xã hội chủ nghĩa, phản ánh những thuộc tính, những quy luật quan trọng nhất của hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa. Trong đó, những nguyên tắc chung, xác định rõ những nguyên lý, những tư tưởng chỉ đạo nhằm khẳng định, pháp luật xã hội chủ nghĩa củng cố và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền và lợi ích cơ bản của giai cấp công nhân và toàn thể nhân dân lao động. Chẳng hạn, những nguyên tắc kinh tế cơ bản như: xác lập, củng cố và bảo vệ quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; xây dựng cơ sở pháp lý vững chắc, bảo đảm cho cơ chế quản lý kinh tế hoạt động có hiệu quả v,v…Những nguyên tắc chính trị cơ bản như: bảo đảm tất cả quyền lực thuộc về nhân dân; bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, xác lập, củng cố và không ngừng mở rộng các quyền tự do chính trị, quyền bình đẳng của các dân tộc và công dân v,v…Những nguyên tắc xã hội cơ bản như: bảo đảm về mặt pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển toàn diện của mỗi cá nhân; bảo đảm công bằng xã hội v,v…Những nguyên tắc về tư tưởng, văn hóa như: nguyên tắc bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện của Đảng cộng sản; thể hiện rõ trong pháp luật và chỉ đạo thực hiện trên thực tế những quan điểm của chủ nghĩa xã hội khoa học v,v...Thêm vào đó, người cán bộ lãnh đạo còn phải hiểu rõ những nguyên tắc pháp lý đặc thù như: nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa; nguyên tắc phản ánh đầy đủ ý chí, nguyện vọng và lợi ích của nhân dân trong pháp luật…
Thấm nhuần những nguyên tắc pháp luật xã hội chủ nghĩa cho phép nhận thức, xem xét và đánh giá hành vi pháp luật một cách vững vàng, đúng đắn và định hướng chính xác… Đồng thời trong hệ thống tri thức pháp luật, người cán bộ lãnh đạo không bao giờ được quên vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội. Pháp luật đặt ra nhằm thực hiện những mục đích xác định. Những mục đích đó luôn luôn xuất
phát từ chức năng và nhiệm vụ của nhà nước xã hội chủ nghĩa và nhu cầu cần thiết phải có sự điều chỉnh của pháp luật về những quan hệ xã hội trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội cũng như trong mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể. Dù từ phương diện nào để xem xét cũng đều nhận thấy, trong xã hội ta, pháp luật là phương tiện để thể chế hóa đường lối chính sách của Đảng, bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng được thực hiện có hiệu quả trên quy mô toàn xã hội; là phương tiện để nhà nước quản lý mọi mặt đời sống xã hội; là phương tiện để nhân dân phát huy dân chủ và quyền làm chủ, thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Vì vậy, pháp luật là cơ sở để xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa; bảo đảm cho việc thực hiện có hiệu quả chức năng tổ chức và quản lý kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội; bảo đảm thực hiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền lực nhân dân, bảo đảm công bằng xã hội; góp phần tạo dựng quan hệ xã hội mới; có tác dụng giáo dục mạnh mẽ và thiết lập mối quan hệ hợp tác hữu nghị phù hợp với xu hướng phát triển chung của tình hình quốc tế và khu vực.
Sự hiểu biết các điều luật cụ thể trong các văn bản luật là điều không thể thiếu trong việc xác định trình độ hiểu biết pháp luật của cán bộ. Điều này có ý nghĩa thực tiễn to lớn để thực hành văn hóa pháp lý, tạo ra thói quen sống và làm việc theo pháp luật, dần dần hình thành tập quán pháp. Nó không chỉ góp phần giải quyết những vấn đề liên quan đến pháp luật một cách đúng đắn mà còn là cơ sở hình thành năng lực tư duy pháp luật và kỹ năng vận dụng, thi hành luật pháp, góp phần phân tích thực tiễn và đưa ra phương hướng hoạt động, chủ trương, chính sách chính xác, kịp thời. Sự hiểu biết pháp luật của cán bộ lãnh đạo càng sâu, càng rộng là điều kiện để thực thi nhiệm vụ lãnh đạo càng hiệu quả.