Hoàn thiện pháp luật hình sự và tố tụng hình sự

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng hình phạt của Viện Kiểm sát nhân dân ở tỉnh Thái Bình pptx (Trang 85 - 88)

* Về pháp luật hình sự:

Hoàn thiện pháp luật hình sự theo hướng đề cao tính nhân đạo trong xử lý tội phạm. Hiện nay BLHS năm 1999 đã được sửa đổi theo hướng phi tội phạm hóa một số hành vi như kinh doanh trái phép, vô ý gây thiệt hại đến tài sản...thay thế bằng biện pháp

xử lý hành chính hay các biện pháp khác. Điều chỉnh việc áp dụng các hình phạt tù giam theo hướng giảm áp dụng hình phạt tù và tăng áp dụng hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ đối với một số hành vi như các tội phạm về môi trường, các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính. Hạn chế áp dụng hình phạt tử hình theo hướng chỉ áp dụng với một số ít loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Tội phạm hóa một số hành vi nguy hiểm cho xã hội mới phát sinh như: tội khủng bố, tội phạm công nghệ cao, các tội phạm về thông tin sai lệch, gian lận và lừa đảo trong giao dịch chứng khoán, tội phạm liên quan đến trật tự quản lý kinh tế...Quy định trách nhiệm hình sự nghiêm khắc hơn đối với các loại tội phạm mà chủ thể là những người có thẩm quyền trong thực thi pháp luật, những người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạt. Tuy nhiên trên thực tế vẫn còn nhiều quy định của BLHS cần tiếp tục được nghiên cứu đề nghị Quốc Hội xem xét sửa đổi như vấn đề rút ngắn khoảng cách hình phạt tù trong các khung hình phạt; vấn đề định lượng, định tính để xem xét cấu thành một số tội phạm; vấn đề người chưa thành niên dưới 16 tuổi phạm tội với người chưa thành niên; vấn đề hướng dẫn áp dụng hình phạt tiền như thế nào cho phù hợp đối với các tội có quy định hình phạt tiền; vấn đề đặt tiền để bảo lãnh cho người phạm tội là người trong nước phạm các tội có khung hình phạt quy định là phạt tiền để đảm bảo thi hành án... Đó là những vấn đề lớn trong chính sách hình sự cần tiếp tục được các nhà nghiên cứu cũng như những người làm công tác thực tiễn tổng kết để triển khai có hiệu quả Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về hoàn thiện chính sách pháp luật hình sự.

* Về pháp luật tố tụng hình sự:

Một là, cần chính thức ghi nhận tranh tụng là một nguyên tắc cơ bản trong tố tụng

hình sự . Vì lý do sau:

Trước yêu cầu cải cách tư pháp, Nghị quyết 08, 49 của Bộ chính trị về cải cách tư pháp đều xác định việc mở rộng tranh tụng tại phiên tòa phải được coi là khâu đột phá của cải cách tư pháp ở nước ta hiện nay nhằm nâng cao tính công bằng, dân chủ, khách quan của hệ thống tư pháp; việc phán quyết của Tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của KSV, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác để ra bản án, quyết định đúng pháp luật, có sức thuyết phục và trong thời hạn luật định. Chủ trương này hoàn toàn phù hợp với sự phát

triển dân chủ trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền. Vì vậy, cần chính thức ghi nhận tranh tụng là một nguyên tắc trong tố tụng hình sự Việt Nam để từ đó hoàn thiện những quy định theo hướng tăng cường tranh tụng, có như vậy mới thể chế hóa được yêu cầu tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm theo tinh thần Nghị quyết 08, 49 của Bộ chính trị.

Hai là, trong cải cách tư pháp thì Tòa án có vị trí trung tâm và xét xử là hoạt động trọng tâm. Thông qua việc xét xử tại phiên tòa mới dẫn đến quyết định của HĐXX, mà quyết định đó có khách quan, đúng pháp luật hay không thì phải trên kết quả tranh tụng dân chủ, bình đẳng tại phiên tòa. Do vậy, cần tiếp tục đổi mới trình tự, thủ tục xét xử trên cơ sở phân định ba chức năng cơ bản: buộc tội, bào chữa và xét xử để cho phiên tòa sơ thẩm đảm bảo tính tranh tụng. Cần sửa điều 10 BLTTHS năm 2003 theo hướng xác định Tòa án - cơ quan thực hiện chức năng xét xử - không có trách nhiệm chứng minh tội phạm. Tòa án cũng có trách nhiệm bảo vệ pháp luật nhưng thực hiện nhiệm vụ đó thông qua chức năng xét xử của mình. Tòa án không phải là người truy tố bị cáo nên Tòa án không có nghĩa vụ chứng minh tội phạm. Nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan thực hiện chức năng buộc tội. Tòa án chỉ có nghĩa vụ chứng minh trong bản án của mình lý do vì sao Tòa chấp nhận cáo trạng của VKS mà không chấp nhận lời bào chữa của Luật sư hoặc ngược lại. Sửa đổi điều khoản về quy định trình tự xét hỏi, Chủ tọa phiên tòa chỉ nên hỏi có tính chất nêu vấn đề, còn những câu hỏi có tính chất buộc tội, gỡ tội thì dành cho Công tố viên và Luật sư, dành phần lớn thời gian xét hỏi cho bên buộc tội và gỡ tội. Tòa án chỉ thực hiện xét xử chứ không buộc tội thay cho VKS hay cùng VKS buộc tội bị cáo. Bỏ thẩm quyền khởi tố vụ án của Tòa án (khoản 1 điều 104 BLTTHS) mà nên giao quyền này cho VKS.

Ba là, các quy định của pháp luật TTHS cần được hoàn thiện theo hướng mở rộng

quyền hạn cho điều tra viên, KSV, thẩm phán để họ chủ động thực thi nhiệm vụ, nâng cao tính độc lập và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi và quyết định tố tụng của mình. Trong hoạt động TTHS, các hành vi tố tụng và các quyết định tố tụng đều gắn với trách nhiệm cá nhân người tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, trên thực tế, thường chỉ có lãnh đạo cơ quan tư pháp các cấp mới thực sự là người quyết định trong hoạt động tố tụng. Đội

ngũ cán bộ có chức danh tư pháp tiến hành tố tụng với trách nhiệm, quyền hạn rất hạn chế, chưa thật rõ ràng, chưa nâng cao được trách nhiệm cá nhân trong khi thực hiện nhiệm vụ. Đối với KSV, cần tiếp tục mở rộng sự độc lập tới một số hoạt động mà hiện nay theo quy định của pháp luật thì KSV không được thực hiện. Ví dụ: Khi hồ sơ vụ án được cơ quan điều tra chuyển sang VKS thì cần giao cho KSV có thẩm quyền áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, trưng cầu giám định mới, giám định lại hoặc giám định bổ sung, thay đổi, rút một phần hoặc toàn bộ cáo trạng... Đối với Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân cần có quy định cho họ độc lập trong quyết định mức hình phạt với bị cáo, tránh tình trạng như hiện nay (HĐXX tuyên án phụ thuộc kết quả duyệt án của Chánh án).

Bốn là, Nên quy định trong BLTTHS những căn cứ kháng nghị phúc thẩm, theo hướng xác định rõ bản án hoặc quyết định sơ thẩm vi phạm như thế nào, mức độ vi phạm đến đâu thì VKS kháng nghị, có như vậy mới xác định kháng nghị phúc thẩm đúng hay không đúng. Ngoài ra, thực tiễn áp dụng điều 234 BLTTHS quy định về thời hạn kháng cáo, kháng nghị đã nảy sinh vướng mắc đó là trường hợp văn bản kháng nghị của VKS gửi qua đường bưu điện, ngày ra văn bản kháng nghị thì còn trong hạn, nhưng đến ngày Tòa án nhận được kháng nghị thì đã quá hạn. Vậy văn bản kháng nghị của VKS trong trường hợp này có được chấp nhận hay không? Đây là vấn đề cần được VKSND Tối cao và TAND Tối cao có hướng dẫn. Hoặc nên sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 234 BLTTHS theo hướng: "Nếu văn bản kháng nghị của VKS gửi qua đường bưu điện thì ngày kháng nghị được căn cứ vào ngày bưu điện nơi gửi đóng dấu ở phong bì ".

Cùng với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, chúng tôi đề nghị cấp có thẩm quyền tăng cường công tác giải thích pháp luật chính thức hoặc không chính thức giúp cho cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng có nhận thức thống nhất khi áp dụng pháp luật.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng hình phạt của Viện Kiểm sát nhân dân ở tỉnh Thái Bình pptx (Trang 85 - 88)