Thứ nhất, tinh thần trách nhiệm của một số KSV còn chưa cao, chưa tận tâm, tận
lực, còn chủ quan thiếu thận trọng, tỷ mỷ khi xây dựng đề cương xét hỏi, dự thảo luận tội, kế hoạch đối đáp. Trong quá trình luận tội bị cáo và tranh luận tại phiên tòa chưa tập trung vào các vấn đề cần làm sáng tỏ các tình tiết có liên quan đến nguyên nhân, điều kiện bị cáo phạm tội cũng như nhân thân bị cáo…để đề xuất mức hình phạt có sức thuyết phục. Vì vậy số bị cáo Tòa án xử khác quan điểm đề nghị của VKS còn chiếm tỷ lệ cao nhưng VKS cũng không có căn cứ kháng nghị hoặc không kiên quyết kháng nghị để bảo vệ quan điểm đúng đắn của mình.
Thứ hai, chất lượng cán bộ chưa đồng đều và chưa được đào tạo một cách toàn diện
nên kỹ năng THQCT, tranh luận tại phiên tòa của KSV còn hạn chế, chưa sắc bén, đặc biệt là đối với những loại tội phức tạp có nhiều bị cáo, có luật sư tham gia bào chữa. Mặc dù sau khi pháp lệnh KSV VKSND được ban hành, việc bổ nhiệm chức danh này đã cơ bản đáp ứng các tiêu chuẩn đề ra nhưng phải thừa nhận là trình độ và năng lực thực tế của họ chưa tương xứng với bằng cấp đó. Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chưa theo kịp yêu cầu cải cách tư pháp. Công tác tổng kết rút kinh nghiệm, xây dựng các chuyên đề của VKS tỉnh như chuyên đề cáo trạng, luận tội, kháng nghị phúc thẩm … tuy đã thực hiện nhưng chất lượng và triển khai ứng dụng còn hạn chế.
Thứ ba, những quy định hiện hành liên quan đến trách nhiệm của VKS khi THQCT
trong giai đoạn xét xử sơ thẩm án hình sự còn chưa được rõ ràng, chưa thật sự tạo cơ chế để KSV chủ động, tự chịu trách nhiệm về hành vi tố tụng của mình. Chẳng hạn luật chưa quy định bắt buộc KSV phải hỏi và tranh luận như thế nào. Điều này dẫn đến hệ quả việc KSV hỏi ai và tranh luận như thế nào là do KSV tự quyết định.
Do vậy, trong thực tiễn xét xử thì phần xét hỏi chủ yếu là Chủ tọa phiên tòa thực hiện, các chủ thể thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong xét hỏi còn có sự trùng lặp. Hay như, theo quy định của BLTTHS năm 2003 thì khi phát hiện bản án, quyết định sơ thẩm hình sự của Tòa án có vi phạm thì VKS phải kháng nghị để xét xử lại vụ án theo thủ tục phúc thẩm. Tuy nhiên Bộ luật chưa có quy định về căn cứ kháng nghị phúc thẩm, nghĩa là chưa quy định rõ về một bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật có vi phạm như thế nào, mức độ vi phạm đến đâu thì sẽ bị kháng nghị.
Mặc dù, VKSND Tối cao có hướng dẫn về căn cứ kháng nghị phúc thẩm tại Quy chế công tác THQCT và KSXX các vụ án hình sự. Nhưng đó mới chỉ là hướng dẫn được áp dụng trong nội bộ ngành. Do vậy, trong khá nhiều trường hợp chưa có sự nhận thức thống nhất giữa Tòa án và VKS trong việc đánh giá những vi phạm của Tòa án cấp sơ thẩm. VKS xác định là vi phạm và quyết định kháng nghị nhưng cấp phúc thẩm lại cho là không vi phạm hoặc vi phạm có mức độ nhỏ nên không chấp nhận kháng nghị.
Thứ tư, trong qúa trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, các đơn vị được tăng thẩm
quyền đều thiếu văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật, nhất là những văn bản hướng dẫn thi hành BLHS năm 1999 và BLTTHS năm 2003. Đối với những loại án chưa được phát hiện ở cấp huyện hiện nay như lừa đảo chiếm đoạt tiền hoàn thuế VAT…, hoặc án thường xảy ra như vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, án ma túy, đánh bạc...các KSV của những đơn vị được tăng thẩm quyền sẽ còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong vấn đề thu thập, đánh giá chứng cứ vì họ chưa có kinh nghiệm và chưa được tập huấn về vấn đề này.
Thứ năm, đại bộ phận KSV được phân công THQCT đều có trình độ đại học trở
lên, có thực tiễn, có ý thức trách nhiệm, cầu thị, nhưng một thời gian dài vấn đề tranh tụng chưa được coi trọng. KSV ra Tòa chỉ đọc cáo trạng và luận tội là xong nhiệm vụ;
mặt khác tỷ lệ án có Luật sư quá ít (đặc biệt là ở cấp huyện) nên sau khi KSV trình bày luận tội xong thì bị cáo cũng không có tranh luận gì. Vì vậy việc tranh luận không thường xuyên khiến cho KSV có “độ ỳ lớn”, phản xạ tình huống kém, không được rèn luyện thành kỹ năng.
Thứ sáu, việc lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của lãnh đạo VKS hai cấp tuy đã được tăng cường nhưng cũng còn những bất cập. Trước hết, là việc kiểm tra, chỉ đạo, điều hành KSV dưới quyền thực hiện các thao tác nghiệp vụ theo Quy chế THQCT và KSXX còn chưa chặt chẽ, nhiều khi lãnh đạo Viện mới chỉ quan tâm đến giai đoạn truy tố bị can ra trước Tòa, mà chưa chú ý tới việc kiểm tra KSV thực hiện các kỹ năng, thao tác nghiệp vụ THQCT tại phiên tòa. Mặt khác do ngành Kiểm sát cũng chưa có quy định hoặc cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm của KSV khi THQCT tại phiên tòa. Vì thế năng lực của KSV tại phiên tòa như thế nào chưa được đánh giá đúng mức.
Thứ bảy, trước diễn biến của tình hình tội phạm ngày càng phức tạp, tính chất, mức
độ, hậu quả ngày càng nghiêm trọng; sự đòi hỏi của công dân và xã hội đối với các cơ quan tư pháp ngày càng cao, trong khi đó lực lượng KSV còn quá mỏng, nhất là ở cấp huyện, cũng đã phần nào ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác.
Bên cạnh đó, việc phân công, điều động cán bộ, KSV có lúc, có nơi còn thiếu khoa học, chưa phù hợp với năng lực, sở trường nên chưa phát huy hết nhiệt huyết và sức sáng tạo của mỗi cán bộ KSV. Mặt khác, chính sách tiền lương, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, KSV chưa phù hợp với trách nhiệm và tính chất công việc, cũng có thể khiến cho một vài KSV thiếu bản lĩnh bị chi phối dẫn đến hoạt động THQCT, KSXX thiếu khách quan, chính xác... Ngoài ra, trang thiết bị và phương tiện làm việc còn thiếu thốn, lạc hậu chưa đáp ứng được yêu cầu nhanh nhạy, kịp thời của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Những nguyên nhân cơ bản nêu trên đã tác động không nhỏ, ảnh hưởng đến chất lượng THQCT, kiểm sát các hoạt động tư pháp nói chung và KSXX các vụ án hình sự cũng như kiểm sát áp dụng hình phạt nói riêng. Thực trạng và nguyên nhân của thực trạng trên đòi hỏi chúng ta phải nghiên cứu đề xuất những biện pháp tích cực nhằm
nâng cao chất lượng THQCT nói chung và THQCT, KSXX hình sự (kiểm sát áp dụng hình phạt) nói riêng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cải cách tư pháp mà Đảng và Nhà nước đặt ra hiện nay.
Kết luận chương 2
Trong những năm gần đây, nhất là từ khi thực hiện Nghị quyết số 08, 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp, chất lượng THQCT, KSXX các vụ án hình sự trong đó có kiểm sát việc áp dụng hình phạt đối với người phạm tội của VKS hai cấp ở tỉnh Thái Bình đã có nhiều chuyển biến tốt so với trước, góp phần quan trọng cùng Tòa án xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật đối với mọi loại tội phạm, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, chất lượng THQCT kiểm sát áp dụng hình phạt đối với người phạm tội trong giai đoạn xét xử (đặc biệt là xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự) của VKS hai cấp ở tỉnh Thái Bình cũng còn những hạn chế nhất định.
Thực trạng đó có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng trước hết phải kể đến một bộ phận cán bộ, KSV còn yếu về chất lượng, còn mỏng về số lượng, công tác quản lý, chỉ đạo điều hành việc THQCT, KSXX án hình sự có lúc, có nơi, co việc còn bất cập, hiệu quả chưa cao. Trong khi đó tình hình tội phạm ngày càng diễn biến phức tạp, phương tiện vật chất còn lạc hậu, thiếu thốn, chế độ tiền lương chậm đổi mới, chưa phù hợp với tính chất công việc và trách nhiệm ngày càng cao… Vì vậy, Luận văn đã đi sâu phân tích những kết quả đạt được và những hạn chế, tồn tại; đồng thời làm rõ nguyên nhân của những mặt đạt được cũng như nguyên nhân của những tồn tại trong THQCT, kiểm sát áp dụng hình phạt của VKS hai cấp ở tỉnh Thái Bình. Trên cơ sở đó đề ra những giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao chất lượng công tác này trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp mà Đảng và Nhà nước ta đã đề ra.
Chương 3
Quan điểm và giải pháp nâng cao chất lượng
THực hành quyền công tố, kiểm sát áp dụng hình phạt của viện kiểm sát nhân dân ở tỉnh thái bình