Vấn đề hoàn thiện tổ chức bộ máy và cán bộ để đảm bảo việc thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ công tác của VKSND trong giai đoạn hiện nay đang là một nhu cầu bức bách. Nghị quyết số 08 - NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới đã chỉ rõ:
Công tác cán bộ của các cơ quan tư pháp chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình hiện nay. Đội ngũ cán bộ tư pháp còn thiếu về số lượng, yếu về trình độ và năng lực nghiệp vụ, một bộ phận tiêu cực, thiếu trách nhiệm, thiếu bản lĩnh, sa sút về phẩm chất đạo đức. Đây là vấn đề nghiêm trọng làm ảnh hưởng tới kỷ cương, pháp luật, giảm hiệu lực của bộ máy Nhà nước [ 5].
Trong những năm qua, công tác tổ chức và cán bộ của VKS tỉnh Thái Bình đã có những chuyển biến tích cực. Việc sắp xếp, luân chuyển, điều động cán bộ, tuyển chọn, đề nghị bổ nhiệm KSV được thực hiện dân chủ, công khai; đã tổ chức thi tuyển biên chế theo đúng quy định của VKSND Tối cao; công tác quy hoạch cán bộ luôn được quan tâm chú trọng, kịp thời có sự điều chỉnh, bổ sung nguồn nhân lực vào quy hoạch để hàng năm có kế hoạch chọn cử đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao về chuyên môn nghiệp vụ, trình độ chính trị. Đến nay, cơ cấu tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ của VKSND tỉnh Thái Bình đã có sự trưởng thành cả về số lượng và chất lượng, cơ bản đáp ứng được yêu cầu công tác THQCT, KSCHĐTP.
Tuy nhiên, so với yêu cầu, mục tiêu của công cuộc đổi mới thì công tác tổ chức cán bộ cũng còn những hạn chế. Việc đánh giá, luân chuyển, quy hoạch, chọn cử cán bộ đi đào tạo còn chưa sát với thực tế, yêu cầu nhiệm vụ. Nhiều năm trước đây có tình trạng nhận
người chưa qua đào tạo chuyên ngành luật vào làm việc, sau đó cho đi đào tạo tại chức, chuyên tu Cao đẳng kiểm sát, Đại học Luật. Những người này có khi được ưu đãi hơn cả những cán bộ được đào tạo Cao đẳng kiểm sát, Đại học Luật chính quy. Vì thế, tồn tại một thực trạng đó là chưa có đội ngũ KSV giỏi cả về lý luận và thực tiễn về THQCT và kiểm sát hoạt động tư pháp.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”[8, tr.437] Đối với ngành Kiểm sát nhân dân "là cơ quan tư pháp có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong hệ thống các cơ quan quyền lực của Nhà nước. Xây dựng và kiện toàn đội ngũ cán bộ Kiểm sát là một trong những nhân tố hàng đầu quyết định khả năng và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của ngành” [21].
Vì vậy, đổi mới công tác tổ chức và cán bộ để xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, theo chúng tôi cần tập trung vào một số việc trọng tâm sau:
Một là, thực hiện nghiêm chỉnh Nghị định số 55/1998/NĐ-CP ngày 17/11/1998 của
Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Hướng dẫn số 33/TCCC ngày 06/09/1999 của VKSND Tối cao về việc thực hiện chế độ thi tuyển cán bộ, công chức vào ngành. Triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả kế hoạch số 02/KH/BCSĐ-VKSTC ngày 19/5/2009 của Ban Cán sự Đảng VKSND Tối cao về việc thực hiện kết luận Hội nghị Trung ương 9 khóa IX tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chiếc lược cán bộ thời kỳ CNH, HĐH đất nước trong ngành Kiểm sát. Từng bước nâng cao chất lượng cán bộ, tạo nguồn cán bộ cần xác định "qui hoạch cán bộ là một nội dung trọng yếu của công tác cán bộ, bảo đảm cho công tác cán bộ đi vào nề nếp, chủ động, có tầm nhìn xa, đáp ứng cả nhiệm vụ trước mắt và lâu dài"[21].
Do đó hàng năm VKSND tỉnh phải tiếp tục duy trì, đổi mới và làm tốt việc xây dựng, đánh giá, kiểm tra thực hiện kế hoạch quy hoạch cán bộ. Lãnh đạo VKS tỉnh cần đặc biệt quan tâm đến nội dung này để kịp thời điều chỉnh, bổ sung, trên cơ sở đó mới có chiến lược đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, đề bạt cán bộ phù hợp, theo một quy trình chặt chẽ, có lộ trình cụ thể đối với từng chức danh. Tổ chức thi tuyển rộng rãi, ưu tiên những sinh viên tốt nghiệp chính quy và có học lực đạt loại khá, giỏi. Mở rộng nguồn để có thể tuyển
chọn các Luật gia, Luật sư vào làm việc trong ngành theo đúng tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về nhiệm vụ “xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp trong sạch, vững mạnh”.
Hai là, đổi mới về quan điểm, phương pháp đánh giá, tuyển chọn, đề bạt, luân chuyển cán bộ. Đây là vấn đề hết sức hệ trọng, rất tế nhị và là vấn đề hết sức nhạy cảm, phức tạp. Nếu lãnh đạo đơn vị không sâu sát, nhìn nhận, đánh giá cán bộ thiếu khách quan, công tâm, thiên vị cá nhân, cất nhắc cán bộ do thân quen chắc chắn sẽ làm cho bộ máy ngày càng suy yếu, không khuyến khích được cán bộ có đức, có tài chuyên tâm với công việc. Vì vậy, cần quán triệt và thực hiện việc đánh giá cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, đó là đánh giá cán bộ phải công khai, minh bạch, khách quan, toàn diện và công tâm, lấy hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ chính trị làm thước đo phẩm chất và năng lực cán bộ. Đánh giá cán bộ chủ chốt, cán bộ lãnh đạo phải căn cứ vào hiệu quả công tác, khả năng đoàn kết, quy tụ, phát huy sức mạnh của tập thể, tạo ra sự tiến bộ và kết quả cụ thể trong lĩnh vực đơn vị mình phụ trách; không tham nhũng, lãng phí, quan liêu và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng trong cơ quan, đơn vị mình công tác. Từng bước ngăn chặn, đẩy lùi những cán bộ cơ hội, tham vọng cá nhân, cục bộ địa phương, bè phái, kèn cựa địa vị...Phải quán triệt và xem việc luân chuyển, điều động cán bộ là việc làm cần thiết, thường xuyên, nhất là những vị trí dễ dẫn đến tham nhũng, để qua đó phát huy được năng lực, sở trường của cán bộ. Tuy nhiên việc luân chuyển, điều động, đề bạt phải căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ và để củng cố, tổ chức bộ máy.
Ba là, cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn cho những người
làm công tác tổ chức và cán bộ (bao gồm cả các đồng chí cấp ủy viên và người đứng đầu một cơ quan, đơn vị). Bởi từ trước đến nay cán bộ làm công tác tổ chức chỉ làm theo kinh nghiệm, thói quen mà chưa được đào tạo bài bản về công tác tổ chức, cán bộ. Họ phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định, khách quan, trung thực, có năng lực kiến thức khoa học về công tác tổ chức và cán bộ, am hiểu các lĩnh vực của ngành, trên cơ sở đó mới đủ sức tham mưu, đề xuất giải pháp, xử lý tốt các vấn đề thực tiễn đặt ra.