Tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, ý thức tổ chức kỷ luật, rèn luyện đạo đức và lối sống cho kiểm sát viên

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng hình phạt của Viện Kiểm sát nhân dân ở tỉnh Thái Bình pptx (Trang 81 - 83)

luyện đạo đức và lối sống cho kiểm sát viên

Cùng với quá trình bổ sung kiến thức, rèn luyện kỹ năng để nâng cao năng lực công tác thì việc bồi dưỡng để có một đội ngũ cán bộ trong sáng về phẩm chất đạo đức và có ý thức trách nhiệm là đòi hỏi có tính thường xuyên, liên tục đối với người cán bộ kiểm sát nói chung và đối với KSV nói riêng. Bởi do nhiệm vụ công tác thường xuyên tiếp xúc với mặt trái, mặt tiêu cực của xã hội, các quyết định xử lý có liên quan trực tiếp đến sinh mệnh chính trị của một con người. Do đó, không chỉ đòi hỏi người cán bộ Kiểm sát phải có năng lực, có bản lĩnh mà còn phải là người có lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp.

- Tăng cường rèn luyện, giáo dục đội ngũ KSV để họ nhận thức được tính chính trị trong công việc của mình, xa rời tính chính trị sẽ làm cho hoạt động kiểm sát trở nên "pháp lý đơn thuần", không đáp ứng được các yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương. Rèn luyện, nâng cao ý thức chính trị sẽ giúp KSV thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành một cách có lý, có tình, được nhân dân tin tưởng và đồng tình; giúp KSV vận dụng pháp luật được đúng đắn. Xa rời ý thức chính trị dễ làm cho KSV đánh mất ý thức rèn luyện, dễ bị lợi ích vật chất cám dỗ và đi đến vi phạm pháp luật.

Vì vậy, trước hết người cán bộ, KSV phải tự rèn luyện ý thức chính trị, tức phải luôn luôn nắm vững các chủ trương, nghị quyết của Đảng trong lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm, cũng như các chủ trương, nghị quyết liên quan đến công tác của VKS; đồng thời phải quán triệt đầy đủ những chủ trương của cấp ủy Đảng về các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương để hướng hoạt động công tố phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương một cách hiệu quả. Bên cạnh việc tự rèn luyện, lãnh đạo đơn vị cũng cần tiếp tục quan tâm chọn cử cán bộ, KSV đi đào tạo trình độ lý luận chính trị. Cần đổi mới việc chọn cán bộ cử đi học cao cấp chính trị tập trung đối với các đồng chí trong nguồn cấp trưởng trước khi bổ nhiệm. Khắc phục tình trạng sử dụng nguồn rồi mới cho đi đào tạo. Việc đổi mới này sẽ tạo điều kiện cho cán bộ quản lý có đầy đủ trí tuệ, năng lực nắm bắt những quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tự mình lý giải được những vấn đề trong công tác hàng ngày và những vấn đề thực tiễn đặt ra, có niềm tin vững chắc và tin tưởng tuyệt đối vào đường lối của Đảng, chấp hành đúng pháp luật của Nhà nước.

- Chăm lo quản lý, giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Thực hiện nghiêm túc, thường xuyên chế độ tự phê bình và phê bình trung thực, thẳng thắn, kết hợp với việc tổ chức để quần chúng trong cơ quan, đơn vị, nhân dân giám sát, phê bình góp ý cho cán bộ, đảng viên, kịp thời phát hiện và uốn nắn những biểu hiện sai trái. Xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy, Chi bộ, Thủ trưởng đơn vị trong việc quản lý cán bộ, đảng viên; nếu ở đâu có cán bộ, đảng viên vi phạm tiêu chuẩn đạo đức, lối sống thì cấp ủy và Chi bộ ở đó phải chịu trách nhiệm. Cán bộ ở cương vị càng cao thì càng phải gương mẫu, càng phải chú ý giữ gìn phẩm chất đạo đức, để làm gương cho cấp dưới noi theo. Chú trọng công

tác kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời cán bộ có vi phạm, kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cán bộ thoái hóa biến chất. Triển khai sâu rộng cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh'', thực hiện nghiêm túc lời dạy của Người đối với cán bộ Kiểm sát: "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn". Tổ chức cuộc thi KSV tiêu biểu hàng năm, từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ Kiểm sát có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ trong tình hình mới.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng hình phạt của Viện Kiểm sát nhân dân ở tỉnh Thái Bình pptx (Trang 81 - 83)