Theo Từ điển tiếng Việt thì “tranh luận là bàn cãi để tìm ra lẽ phải” [31, tr.327]. Bản chất hoạt động tranh luận của KSV tại phiên toà hình sự là sự đấu trí công khai từ hai phía buộc và gỡ tội nhằm giúp HĐXX tìm ra sự thật của vụ án. Theo quy định tại chương XXI BLTTHS thì hoạt động tranh luận của KSV bao gồm trình bày lời luận tội và đối đáp với bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác. Về luận tội đã trình bày ở trên, phần này chúng tôi đề cập đến chất lượng tranh luận đối đáp của KSV.
Để hoạt động tranh luận đối đáp của KSV có chất lượng, giúp cho HĐXX xem xét, đánh giá chứng cứ một cách khách quan, trên cơ sở đó quyết định hình phạt phù hợp thì hoạt động tranh luận phải đáp ứng các yêu cầu sau:
- Phải tôn trọng sự thật khách quan. Mục đích của đối đáp là làm rõ sự thật các tình tiết của vụ án. Do vậy, yêu cầu của việc đối đáp là phải dựa trên các chứng cứ của vụ án, các quy định của pháp luật. Trong suốt quá trình tranh luận, KSV phải tập trung tư tưởng, chú ý lắng nghe, ghi chép đầy đủ những ý kiến phát biểu của Luật sư và những người tham gia tố tụng khác. Khi có căn cứ xác định các tình tiết của vụ án là sự thật khách quan thì phải phân tích, đánh giá, đưa ra luận cứ để kết luận bảo vệ sự thật đó. Nếu ý kiến của bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng có căn cứ, phù hợp với diễn biến khách quan của vụ án thì KSV cần lắng nghe, suy nghĩ tiếp thu, đề xuất với HĐXX các biện pháp xử lý phù hợp với pháp luật; Phải căn cứ vào kết quả điều tra trước đây và điều tra công khai tại phiên toà để có lập luận, đối đáp trở lại. Đối với ý kiến của người bào chữa nêu ra khác với lập luận của KSV khi luận tội thì KSV phải trả lời cụ thể từng vấn đề. Nếu phía Luật sư nêu ra là không có tội như đề nghị của VKS thì KSV phải đưa ra chứng cứ chúng minh hành vi của bị cáo thể hiện đầy đủ 4 yếu tố cấu thành tội phạm. Nếu Luật sư nêu ra ý kiến về tội danh nhẹ hơn thì KSV phải chứng minh bằng các dấu hiệu đặc
trưng của tội phạm...và vận dụng các văn bản pháp luật để phê phán, bác bỏ những ý kiến, quan điểm, lập luận sai trái đó.
- Phải tôn trọng nguyên tắc dân chủ, bình đẳng. Theo quy định của BLTTHS, thì
KSV bình đẳng với bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng trong việc đưa ra các chứng cứ, đồ vật và các nội dung tranh luận (Điều 19 BLTTHS). Trong quá trình tranh luận, KSV phải chú ý đảm bảo nguyên tắc “tôn trọng quyền bào chữa của bị cáo”, sự bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ và đánh giá chứng cứ. KSV phải có thái độ dân chủ, khách quan, tôn trọng Luật sư. Phải kiên quyết đấu tranh với những quan điểm sai trái, những lý lẽ không có căn cứ hoặc lợi dụng phiên toà để nói những tình tiết không liên quan đến vụ án...Do vậy, KSV phải tôn trọng nguyên tắc này để không rơi vào tình trạng dùng lời lẽ gay gắt, thậm chí quát nạt với bị cáo, người bào chữa. Hành vi như vậy là không tôn trọng quyền bào chữa của bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác.
- Phải tôn trọng nguyên tắc tối thượng của pháp luật. Yêu cầu này đòi hỏi KSV cần
nắm chắc các quy định của pháp luật hình sự, TTHS và các quy định của pháp luật khác để áp dụng xử lý hành vi phạm tội, tránh đối đáp, trả lời suy diễn chủ quan.
- Bảo đảm tính văn hoá trong đối đáp. Yêu cầu này đòi hỏi khi tranh luận thái độ
của KSV phải bình tĩnh, khách quan, không nóng nảy, ứng xử có văn hoá, lịch thiệp tôn trọng mọi người...
- Để bảo đảm tính thuyết phục khi tranh luận, ngoài việc dựa vào các quy định của pháp luật và chứng cứ đã được kiểm tra xác minh, KSV còn phải dựa vào quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước về đấu tranh phòng chống tội phạm để vận dụng đề xuất mức hình phạt phù hợp với bị cáo.
Tranh luận là phạm trù thuộc về kỹ năng nghề nghiệp. KSV phải tự rèn luyện, đúc rút kinh nghiệm, tạo phong thái tự tin, phản ứng linh hoạt, kịp thời, chính xác với những diễn biến tại phiên toà. Chính vì vậy khi THQCT, KSXX các vụ án hình sự đặt ra những đòi hỏi rất cao đối với các KSV về trình độ, năng lực, nhận thức, khả năng chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, mức độ nắm bắt hồ sơ vụ án, nắm bắt diễn biến phiên toà, khả năng tư
duy tổng hợp... Những yếu tố này của KSV quyết định đến chất lượng THQCT, KSXX cũng như kiểm sát áp dụng hình phạt của VKS.
Như vậy, tranh luận của KSV không chỉ là buộc tội mà cần chú ý cả vấn đề gỡ tội. Việc nhận thức đúng đắn bản chất của hoạt động tranh luận của KSV tại phiên tòa hình sự có ý nghĩa rất quan trọng, giúp cho KSV nhận thức đúng đắn nhiệm vụ của mình khi tham gia tranh luận, nêu cao trách nhiệm, có thái độ và cách ứng xử phù hợp, tránh tư duy cứng nhắc, bảo thủ, không xem xét, đánh giá đầy đủ kết quả điều tra công khai tại phiên tòa dẫn đến những sai lầm trong việc đưa ra quan điểm giải quyết vụ án.