Hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Hoàn thiện pháp luật về thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát nhân dân theo yêu cầu cải cách tư pháp ở Việt Nam hiện nay pptx (Trang 93 - 97)

- Trung Quốc

4 16,22 80 Khởi tố áp dụng biện pháp ngăn chặn khác 5529

3.3.1.4. Hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan

* Ban hành Luật tổ chức điều tra hình sự, thay thế Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004

Đối với Cơ quan điều tra, Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị đã khẳng định:

Xác định rõ nhiệm vụ của Cơ quan điều tra trong mối quan hệ với các cơ quan khác được giao một số hoạt động điều tra theo hướng Cơ quan điều tra chuyên trách điều tra tất cả các vụ án hình sự, các cơ quan khác chỉ tiến hành một số hoạt động điều tra sơ bộ và tiến hành một số biện pháp điều tra theo yêu cầu của Cơ quan điều tra chuyên trách... Nghiên cứu và chuẩn bị mọi điều kiện để tiến tới tổ chức lại các Cơ quan điều tra theo hướng thu gọn đầu mối, kết hợp chặt chẽ giữa công tác trinh sát và hoạt động điều tra tố tụng hình sự [18].

Theo pháp luật thực định, hệ thống Cơ quan điều tra của nước ta hiện tại không nằm trong một hệ thống chung thống nhất, mà có nhiều hệ thống nằm rải rác ở nhiều cơ quan khác nhau (Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện kiểm sát, Kiểm lâm, Hải quan…). Thậm chí ngay ở Bộ Công an thì cũng tồn tại nhiều Cơ quan điều tra khác nhau (Cơ quan điều tra thuộc lực lượng Cảnh sát, Cơ quan điều tra thuộc lực lượng An ninh…). Vì vậy phải tổ chức lại hệ thống Cơ quan điều tra chung, duy nhất và thống nhất từ trên xuống dưới thì mới đảm bảo được tính khả thi của hoạt động điều tra hình sự. Về cơ cấu chuyên môn nghiệp vụ của hệ thống Cơ quan điều tra, cần được tổ chức tương ứng với hệ thống Viện công tố.

Trước yêu cầu đó, cần nghiên cứu để ban hành Luật tổ chức điều tra hình sự, nhằm điều chỉnh tất cả các hoạt động của các cơ quan điều tra theo hướng khoa học, thống nhất, đồng bộ. Nội dung Luật tổ chức điều tra hình sự cần quy định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Cơ quan điều tra, cơ chế hoạt động giữa các Cơ quan điều tra với Cơ quan công tố cho phù hợp với Bộ luật tố tụng hình sự và Luật Viện công tố mới. Theo đó, Luật tổ chức điều tra hình sự cần thể hiện các nội dung sau:

- Những quy định chung: Quy định chức năng, nhiệm vụ của Cơ quan điều tra hình sự (điều tra tội phạm theo quy định của Hiến pháp và pháp luật); quy định các biện pháp thực hiện chức năng...

- Hoạt động tiếp nhận thông tin tội phạm: Quy định nguyên tắc hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra trong quá trình tiếp nhận, thu thập, phân loại, xử lý thông tin vi phạm, tội phạm; quan hệ giữa Cơ quan điều tra với Viện công tố trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin tội phạm.

- Hoạt động khởi tố vụ án, khởi tố bị can: Quy định nguyên tắc hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra trong quá trình khởi tố vụ án, khởi tố bị can; quan hệ giữa Cơ quan điều tra với Viện công tố trong việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

- Hoạt động điều tra tội phạm: Quy định nguyên tắc hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra trong quá trình điều tra tội phạm; quan hệ giữa Cơ quan điều tra với Viện công tố trong việc điều tra tội phạm.

- Tổ chức của Cơ quan điều tra: Quy định hệ thống, cơ cấu tổ chức của Cơ quan điều tra (Nên xây dựng Cơ quan điều tra thống nhất, độc lập, tách khỏi Bộ công an...).

- Điều tra viên: Quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Điều tra viên; cơ cấu tổ chức, nhiệm kỳ của Điều tra viên; điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm Điều tra viên; thủ tục tuyển chọn, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Điều tra viên; việc quản lý, đào tạo, bồi dưỡng Điều tra viên …

- Chế độ đối với Điều tra viên: Quy định thang, bậc lương, các loại phụ cấp, trang phục, phù hiệu, cấp hiệu đối với Điều tra viên…

* Ban hành "Luật bồi thường nhà nước"trong hoạt động thực thi công vụ

Hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án của các cơ quan tư pháp luôn đóng vai trò quan trọng trong việc giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Tuy nhiên, trong quá trình tiến hành các hoạt động tố tụng, do tính phức tạp của vụ án hình sự, do những điều kiện khách quan hoặc do hạn chế về trình độ chuyên môn mà một số quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng không tránh khỏi những sai sót. Bên cạnh đó, tình trạng hình sự hoá các quan hệ dân sự đôi khi vẫn còn xảy ra, dẫn đến xử lý oan, sai trong các hoạt động bắt, giam, giữ, truy tố, xét xử...

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VII về đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp đã khẳng định: "Đối với việc bắt giữ, xét xử oan sai cần truy cứu trách nhiệm của những người ra lệnh và người thừa hành, đồng thời minh oan công khai, thoả đáng đối với người bị bắt giữ, xét xử oan sai, đảm bảo quyền công dân đúng pháp luật" [12].

Ngày 3/5/1997, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 47/CP về việc giải quyết bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức Nhà nước, người có thẩm quyền của các cơ quan tiến hành tố tụng gây ra.

Điều 72 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi) quy định: "Người bị bắt, bị giam giữ, bị truy tố, xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất và phục hồi danh dự. Người làm trái pháp luật trong việc bắt, giam giữ, truy tố, xét xử gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý nghiêm minh" [23].

Ngày 17/3/2003 Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 388/2003/NQ-UBTVQH11, quy định về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra.

Điều 619 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: "Cơ quan, tổ chức quản lý cán bộ, công chức phải bồi thường thiệt hại do cán bộ, công chức của mình gây ra trong khi thi hành công vụ" [43].

Điều 620 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: "Cơ quan tiến hành tố tụng phải bồi thường thiệt hại do người có thẩm quyền của mình gây ra khi thực hiện nhiệm vụ trong quá trình tiến hành tố tụng" [43].

Như vậy, đã có một số ngành luật và văn bản pháp luật quy định về việc bồi thường thiệt hại do cán bộ, công chức nói chung cũng như cán bộ, công chức của các cơ quan tiến hành tố tụng gây ra. Tuy nhiên, hoặc là các văn bản này hiện nay đã bộc lộ nhiều bất cập; hoặc là các quy định mới chỉ dừng lại ở những nguyên tắc chung, mà chưa quy định một cơ chế chính sách xác định mức thiệt hại và mức bồi thường thiệt hại trong từng trường hợp cụ thể... Vì vậy, nhiều trường hợp không chấp nhận bồi thường, khiếu kiện phức tạp, thời gian giải quyết bồi thường quá dài, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân chưa được đảm bảo... Những thực tế trên đòi hỏi cần nghiên cứu cơ chế, chính sách về đền bù thiệt hại, nhằm xây dựng, ban hành "Luật bồi thường nhà nước", trong đó quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với những thiệt hại do cơ quan tiến hành tố tụng gây ra nói riêng, cũng như những thiệt hại do công chức gây ra trong khi thi hành công vụ nói chung.

Luật bồi thường nhà nước phải thể hiện đầy đủ về: Phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; nguyên tắc, căn cứ bồi thường; cơ quan giải quyết bồi thường; thủ tục giải quyết bồi thường; trách nhiệm hoàn trả của công chức; nguồn tài chính dùng cho chi trả...

Luật bồi thường nhà nước sẽ tạo ra một cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ và thống nhất về bồi thường thiệt hại trong khi thi hành công vụ, nhằm chấn chỉnh, tăng cường kỷ cương trong hoạt động tố tụng hình sự (trong đó có hoạt động của Cơ quan công tố) và trong thực thi công vụ nói chung; đồng thời góp phần hoàn thiện pháp luật về thực hành quyền công tố nói riêng, cũng như hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Hoàn thiện pháp luật về thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát nhân dân theo yêu cầu cải cách tư pháp ở Việt Nam hiện nay pptx (Trang 93 - 97)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(127 trang)