Liên bang Nga

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Hoàn thiện pháp luật về thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát nhân dân theo yêu cầu cải cách tư pháp ở Việt Nam hiện nay pptx (Trang 44 - 48)

Viện kiểm sát nước Cộng hoà Liên bang Nga là một cơ quan có vị trí độc lập với cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp, được xây dựng theo nguyên tắc tập trung thống nhất. Viện kiểm sát chỉ phục tùng một người lãnh đạo duy nhất là Tổng kiểm sát trưởng Liên bang; Tổng kiểm sát trưởng do Hội đồng Liên bang bổ nhiệm, bãi nhiệm theo đề nghị của Tổng thống Liên bang Nga. Dưới quyền Tổng kiểm sát trưởng Liên bang Nga có các Kiểm sát viên các nước cộng hoà, các vùng, khu vực, thành phố trực thuộc Liên bang, các vùng tự trị, các khu vực tự trị, các thành phố quận, huyện và cấp tương đương do Tổng kiểm sát trưởng Liên bang Nga bổ nhiệm và bãi nhiệm. Mỗi Kiểm sát viên đều có một bộ máy những người dưới quyền…

Viện kiểm sát thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân thủ pháp luật đối với tất cả các đạo luật; kiểm sát việc chấp hành pháp luật của các Bộ, các Tổng cục thuộc Liên bang, của các cơ quan lập pháp, hành pháp…; có nhiệm vụ truy tố kẻ phạm tội trong các vụ án hình sự.

Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự Liên bang Nga thì hoạt động tố tụng hình sự được thực hiện theo nguyên tắc tranh tụng. Kiểm sát viên Viện kiểm sát Liên bang Nga tham gia vào quá trình tố tụng hình sự với tư cách là bên buộc tội. Khi tham gia vào quá trình giải quyết vụ án, Kiểm sát viên nhân danh Nhà nước thực hiện việc truy tố hình sự và kiểm sát việc tuân thủ pháp luật đối với toàn bộ hoạt động tố tụng của Cơ quan điều tra. Trong giai đoạn điều tra, Kiểm sát viên thực hiện các yêu cầu của Luật Liên bang trong việc tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm; khởi tố vụ án hình sự; tham gia vào quá trrình điều tra. Trong những trường hợp cần thiết, Kiểm sát viên trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra; hủy bỏ các quyết định không có căn cứ hoặc trái pháp luật của Kiểm sát viên cấp dưới, của Dự thẩm viên, nhân viên điều tra; ủy quyền cho Cơ quan điều tra ban đầu tiến hành các hoạt động điều tra; gia hạn thời hạn điều tra; quyết định truy tố và chuyển vụ án cho Toà án; tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án…

Trong quá trình xét xử, Kiểm sát viên thực hành quyền công tố nhà nước, bảo đảm việc buộc tội có căn cứ và đúng pháp luật. Toà án chỉ giới hạn xét xử đối

với những nội dung mà Kiểm sát viên truy tố. Viện kiểm sát không thực hiện việc giám sát hoạt động xét xử của Toà án.

Trong hoạt động tố tụng hình sự, ngoài sự tham gia của Kiểm sát viên trong tất cả các vụ án hình sự, thì sự tham gia của các Dự thẩm viên của Viện kiểm sát trong quá trình giải quyết một số loại án hình sự cụ thể có vai trò rất quan trọng. Theo quy định của pháp luật, Dự thẩm viên được giao thẩm quyền điều tra đối với rất nhiều loại tội khác nhau (tất cả các loại tội phạm do một số chủ thể đặc biệt thực hiện và hơn 80 loại tội khác trong Bộ luật hình sự).

1.3.3. Một số quốc gia khu vực châu á- Thái Bình Dương

- Nhật Bản

Theo quy định của Hiến pháp Nhật Bản, Viện công tố là cơ quan thuộc nhánh quyền lực hành pháp. Toàn bộ hệ thống Cơ quan công tố và các Công tố viên dưới sự chỉ đạo, giám sát chung của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, tính độc lập và quyền tự quyết của Viện công tố vẫn được tôn trọng một cách rộng rãi; Bộ trư- ởng Bộ Tư pháp không có quyền can thiệp vào công việc của Tổng trưởng công tố và Công tố viên.

Tại Nhật, các nhân viên Cảnh sát có quyền điều tra tất cả các tội phạm và kẻ phạm tội. Cơ quan công tố có quyền quyết định truy tố kẻ phạm tội ra trước Toà. Trong những trường hợp tranh chấp về thẩm quyền điều tra thì Cơ quan công tố có quyền giải quyết tranh chấp hoặc có thể tự tiến hành điều tra. Trong những trường hợp Cơ quan công tố khởi tố vụ án thì thẩm quyền điều tra cũng thuộc về Công tố viên. Do số lượng Công tố viên có hạn nên họ chỉ tập trung nỗ lực điều tra những vụ án tham nhũng lớn liên quan đến chính khách hoặc các quan chức cao cấp, các vụ án về thuế hoặc các vụ án cần đến những kiến thức công nghệ đặc biệt.

Việc bắt tạm giam ở Nhật Bản rất hạn chế. Lệnh bắt do Thẩm phán quyết định, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Điều tra viên phải gửi bị can cho Công tố viên trong vòng 48 giờ; Công tố viên sẽ quyết định phóng thích hoặc đề nghị Thẩm phán tiếp tục tạm giam. Công tố viên có quyền quyết định truy tố bị can hoặc không truy tố. Quyền này được gọi là “độc quyền truy tố”. Để tiến hành truy tố, Công tố viên phải có cơ sở tin tưởng rằng, vụ án có thể được chứng minh một cách hợp lý tại Toà án. Khi không tin tưởng vào khả năng này thì Công tố viên sẽ không truy tố, đồng thời đình chỉ điều tra vụ án. Công tố viên còn có thể đình chỉ việc truy tố, mặc

dù có đủ bằng chứng để chứng minh tội trạng khi cân nhắc đến các yếu tố như tính cách, độ tuổi, tình trạng của bị cáo, tính nghiêm trọng của tội phạm, hoàn cảnh phạm tội, điều kiện phạm tội của bị cáo…Với thẩm quyền tuỳ nghi rộng rãi như vậy của Công tố viên, nên pháp luật quy định hệ thống Công tố điều tra (Uỷ ban điều tra). Nạn nhân của tội phạm hoặc những người khác có thể yêu cầu Uỷ ban điều tra thẩm tra việc truy tố hoặc không truy tố của Công tố viên. Công tố viên phải thực hiện mọi nỗ lực để thực hiện yêu cầu của Uỷ ban điều tra. Một bảo đảm khác để tránh việc lạm quyền của Công tố viên để tha miễn tội phạm là khi nạn nhân của tội phạm không đồng ý với quyết định không truy tố của Công tố viên thì họ có thể kiện ra Toà án quận để xét xử. Nếu Toà án thấy có đủ bằng chứng thì có thể ra phán quyết đối với vụ án đó.

Tổ chức của Cơ quan công tố tương ứng với tổ chức của Toà án. Viện công tố tối cao tương ứng với Toà án tối cao; dưới Viện công tố tối cao có 8 Viện công tố cấp cao, 50 Viện công tố quận và 437 Viện công tố địa phương. Viện công tố địa phương giải quyết, xử lý các vụ án bằng thủ tục rút gọn theo quy định của pháp luật và duy trì công tố tại Toà giản lược. Công tố viên tại các Viện công tố quận giải quyết mọi vụ án và duy trì công tố tại Toà án quận.

- Thái Lan

Trước đây, Công tố viên là nhân viên của Cơ quan công tố thuộc Bộ Nội vụ. Từ năm 1991, cơ quan này đã trở thành một cơ quan độc lập trực thuộc Thủ tướng với tên gọi là Văn phòng Tổng công tố. Văn phòng Tổng công tố Thái Lan thuộc nhóm quyền lực hành pháp và là một trong ba cơ quan chính của Chính phủ (Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ và Văn phòng Tổng công tố). Đứng đầu hệ thống Cơ quan công tố là Tổng công tố. Pháp luật không cho phép Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Thủ tướng can thiệp vào quá trình thực hiện nhiệm vụ của Công tố viên. Để đảm bảo tính độc lập của Công tố viên, việc quản lý nhân sự trong Cơ quan công tố cũng khác so với các cơ quan dân sự: Việc đề bạt, bổ nhiệm, thuyên chuyển và kỷ luật Công tố viên thuộc trách nhiệm của Hội đồng công tố chứ không phải trách nhiệm của Hội đồng công chức như đối với các công chức bình thường khác.

ở Thái Lan, Công tố viên có vai trò thụ động và hạn chế trong điều tra hình sự. Công tố viên không thể khởi tố vụ án hình sự, trừ trường hợp có yêu cầu; Công tố viên không được phép tự mình xét hỏi. Những hoạt động này hoàn toàn thuộc về

Cảnh sát. Vai trò của Công tố viên chỉ bắt đầu sau khi Cảnh sát kết thúc việc điều tra và chuyển hồ sơ cho Công tố viên. Công tố viên nghiên cứu hồ sơ và có thể chỉ đạo Cảnh sát điều tra bổ sung; nếu thấy đủ cơ sở thì Công tố viên quyết định truy tố vụ án ra Toà; nếu thấy không đủ cơ sở thì Công tố viên có thể đình chỉ vụ án.

Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, đối với vụ án tư tố, Toà án phải mở phiên toà trù bị để xem xét tính rõ ràng xác thực của vụ án để đảm bảo cho việc truy tố; nếu vụ án do Công tố viên truy tố thì Toà án có thể bỏ qua thủ tục này (Trong thực tế hầu như không có thủ tục trù bị đối với các vụ án do Công tố viên truy tố). Trong quá trình xét xử, trách nhiệm chứng minh thuộc về Công tố viên. Công tố viên phải chứng minh bị cáo thực sự đã phạm tội và “không còn cơ sở để nghi ngờ” điều đó.

- Hàn Quốc

Cơ quan công tố Hàn Quốc thuộc nhánh quyền tư pháp. Viện trưởng công tố dưới quyền Bộ trưởng tư pháp nhưng vẫn có địa vị tương đương với Bộ trưởng Nội các và độc lập trong vấn đề chỉ đạo chuyên môn. Hệ thống Cơ quan công tố Hàn Quốc bao gồm: Viện công tố tối cao, 5 Viện công tố cấp cao, 13 Viện công tố cấp quận và 42 Văn phòng chi nhánh của Viện công tố quận; mỗi Văn phòng này tương ứng với Toà án ngang cấp.

Công tố viên điều tra tội phạm, truy tố kẻ bị tình nghi phạm tội, thực hiện việc xét xử hình sự với tư cách là một đại diện của Nhà nước và giám sát việc thi hành các bản án hình sự. Công tố viên cũng giám sát các Cảnh sát trong việc điều tra tội phạm và đại diện cho Nhà nước trong các vụ kiện dân sự.

Các Công tố viên công cộng và nhân viên cảnh sát có trách nhiệm điều tra các hành động phạm tội. Tuy nhiên Cảnh sát có thẩm quyền thấp hơn vì công việc điều tra của Cảnh sát phải theo sự chỉ đạo của Công tố viên. Cơ quan điều tra chỉ được bắt và giam giữ khi có lệnh bắt giữ của Thẩm phán. Chỉ Công tố viên công cộng mới được yêu cầu lệnh bắt, còn các nhân viên cảnh sát phải xin lệnh bắt từ Công tố viên công cộng. Khi Cảnh sát giam giữ người bị tình nghi thì tròng vòng 10 ngày phải thả họ nếu không chuyển lên cho Công tố viên công cộng. Sau khi kết thúc điều tra, Cảnh sát chuyển kẻ bị tình nghi lên Văn phòng Công tố viên công cộng. Công tố viên công cộng được phép giam giữ kẻ bị tình nghi tổng cộng là 30

ngày; nếu thấy cần thiết giam giữ thêm để điều tra thì Công tố viên công công cộng yêu cầu Thẩm phán cho phép giam giữ thêm 10 ngày nữa.

Trong các vụ án quan trọng, các Nhân viên cảnh sát báo cáo kết quả điều tra của mình lên một Công tố viên công cộng và tiến hành điều tra dưới sự giám sát của Công tố viên.

Sau khi tiếp nhận vụ án từ Cảnh sát, Công tố viên công cộng tiến hành điều tra. Khi việc điều tra kết thúc thì Công tố viên quyết định xem có nên khởi tố kẻ bị tình nghi hay không. Nếu thấy kẻ bị tình nghi có thể bị kết án tử hình hoặc án tù thì Công tố viên viết đơn yêu cầu việc xét xử chính thức đối với người bị tình nghi; nếu tin rằng chỉ cần phạt tiền người bị tình nghi thì Công tố viên sẽ viết đơn yêu cầu việc xét xử giản lược; nếu thấy rằng không cần thiết phải phạt người bị tình nghi thì Công tố viên có thể ra quyết định đình chỉ khởi tố.

Tại phiên toà sơ thẩm, sau khi Thẩm phán kiểm tra căn cước của bị cáo, Công tố viên trình bày bản chất của tội trạng như đã đưa ra khi truy tố; sau đó thẩm vấn bị cáo; đồng thời đưa ra bằng chứng và yêu cầu các nhân chứng, chuyên gia xác nhận. Sau khi tất cả các bằng chứng đã được Toà kiểm tra, xem xét, Công tố viên tuyên bố ý kiến của mình về các sự thật đã được chứng minh và các luật lệ có thể áp dụng và gợi ý một hình phạt thích hợp.

(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Hoàn thiện pháp luật về thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát nhân dân theo yêu cầu cải cách tư pháp ở Việt Nam hiện nay pptx (Trang 44 - 48)