Hệ thống Viện công tố Pháp được đặt trong hệ thống Toà án, nhưng không phụ thuộc vào Toà án; mỗi Viện công tố đều có đại diện ở các Toà hình sự. Viện công tố là cơ quan truy tố tội phạm, đồng thời là cơ quan đại diện cho xã hội bảo vệ lợi ích chung, bảo đảm việc áp dụng đúng pháp luật. Công tố viên là một ngạch công chức tư pháp được thành lập tại các Toà án tư pháp; có thẩm quyền trong tất cả các lĩnh vực pháp luật. Viện công tố thực hành quyền công tố và được hưởng những đặc quyền do pháp luật trực tiếp ủy thác. Viện trưởng Viện công tố bên cạnh Toà sơ thẩm thực hành quyền công tố nhân danh nền cộng hoà chứ không phải nhân danh Nhà nước hay Chính phủ. Đây là đặc điểm riêng biệt của Pháp, vì họ quan niệm rằng: Pháp luật nghĩa là quốc gia tối cao nên Công tố viên là những người dại diện cho quốc gia, xã hội chứ không phải là những người thực hiện quyền hành pháp bên cạnh Toà án; các Công tố viên không phải là các viên chức của cơ quan hành pháp và không bảo vệ lợi ích riêng của quyền hành pháp, mặc dù về mặt tổ chức, các Viện công tố trực thuộc Bộ Tư pháp.
Viện công tố là cơ quan duy nhất ở Pháp thực hành quyền công tố theo một cơ cấu có tổ chức riêng biệt. Các Công tố viên nằm dưới sự chỉ đạo của Viện công tố cấp trên và cấp tối cao là Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Quá trình điều tra, Công tố viên có vai trò chủ đạo; họ chỉ đạo tất cả hoạt động của Cảnh sát tư pháp. Công tố viên phải được thông báo bất kỳ một hành vi phạm tội nào và có quyền chỉ đạo các thủ tục tố tụng theo ý của mình. Trường hợp Công tố viên trực tiếp tiến hành điều tra, nhất là đối với các vụ việc phức tạp, thì họ thường tiếp nhận vụ án và các chứng cứ từ Cơ quan cảnh sát và có thể yêu cầu Cảnh sát hoàn thiện các thông tin, chứng cứ nhằm có được tất cả các yếu tố cần thiết trước khi ra quyết định truy tố.
Pháp luật của Pháp còn quy định nguyên tắc truy tố kịp thời, cụ thể như sau: Viện trưởng Viện công tố bên cạnh Toà sơ thẩm tiến hành và yêu cầu tiến hành mọi hành vi cần thiết cho việc tìm kiếm và truy cứu tội phạm. Với mục đích này, Viện trưởng Viện công tố bên cạnh Toà sơ thẩm chỉ đạo hoạt động của sỹ quan và nhân viên cảnh sát tư pháp trong phạm vi quản hạt của mình. Như vậy, Viện trưởng Viện công tố có quyền trực tiếp điều tra; nhưng khi tiến hành điều tra thì sỹ quan cảnh sát có trách nhiệm giúp đỡ. Thực chất Viện trưởng Viện công tố bên cạnh Toà sơ thẩm có hai chức năng, nhiệm vụ, đó là: Lãnh đạo đội ngũ Công tố viên, hoạch định chính sách hình sự, thực hành quyền công tố và chỉ huy lực lượng cảnh sát tư pháp tiến hành các cuộc điều tra.
ở Pháp, có cấp Viện trưởng Viện công tố bên cạnh Toà sơ thẩm và Viện trư- ởng Viện công tố bên cạnh Toà phúc thẩm. Viện trưởng Viện công tố bên cạnh Toà sơ thẩm phải báo cáo về mọi vụ việc xảy ra, nhưng đa số các quyền hạn quan trọng lại thuộc về Viện trưởng Viện công tố bên cạnh Toà sơ thẩm.
Để thực hiện tốt quyền công tố và ra các quyết định đúng đắn trong các cuộc điều tra, Viện trưởng Viện công tố bên cạnh Toà sơ thẩm còn có quyền giám sát và hướng dẫn các Cơ quan điều tra trong việc thực thi pháp luật. Quyền công tố là một thể thống nhất mà trong đó, Các nhân viên tư pháp có nhiệm vụ tìm kiếm, xác định hành vi phạm tội, còn Viện công tố có chức năng quyết định việc khởi tố, truy tố tội phạm ra trước Toà. Do đó họ phải tiến hành công việc một cách thống nhất và đồng bộ.