thành phần kinh tế phải bình đẳng, công khai để khai thác hiệu quả đất đai nông nghiệp
Đất đai luôn luôn gắn bó với người nông dân từ xa xưa, là vấn đề một thời đại quan tâm. Ngày nay trong quá trình chuyển sang cơ chế mới, phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, thì đất đai lại càng có vị trí quan trọng. Do vậy, phải từng bước hoàn thiện việc giao đất giao rừng cho các hộ nông dân và các thành phần kinh tế có điều kiện để khai thác đất đai ngày càng có hiệu quả.
Thời kỳ trước khi Đảng ta thực hiện công cuộc đổi mới từ 1986 về trước hộ gia đình nông dân chưa được coi là đối tượng trực tiếp giao đất, giao rừng, mà đất có rừng và các loại đất canh tác đều được giao cho các lâm trường quốc doanh và hợp tác xã quản lý. Do những yếu kém về công tác quản lý của các lâm trường quốc doanh và hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, nên trong một thời gian đất đai không được khai thác và sử dụng có hiệu quả.
Từ 1987 theo tinh thần đổi mới của cơ chế quản lý kinh tế của Đảng và Nhà nước, vấn đề giao đất giao rừng cho các hộ nông dân được bước đầu thực hiện. Đến khi có Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị về "khoán hộ" đã khẳng định việc giao đất canh tác cho các hộ xã viên là hợp lý, đồng thời đưa ra các phương thức sử dụng đất đai, khoán thầu và đấu thầu... Nghị quyết đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo ra những biến chuyển tích cực trên mặt trận nông nghiệp.
Việc thừa nhận hộ nông dân là đơn vị tự chủ, được trao quyền sử dụng ruộng đất lâu dài, khiến cho kinh tế hộ nông dân trở thành nhân tố giữ vai trò quyết định đối với sự sản xuất nông sản và nông thôn. Điều này có mặt tích cực, đất đai đã có người chủ cụ thể, trực tiếp - đó là các hộ gia đình nông dân. Từ đó làm cho kinh tế của từng hộ có tư cách pháp nhân, có quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh trên ruộng đất của mình. Nó là động lực kích thích các hộ nông dân đầu tư sức người sức của để thâm canh, tăng năng suất cây trồng vật nuôi, khai hoang, tăng vụ, phát triển ngành nghề trong nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Nó làm cho người nông dân từ chỗ lao động một cách thụ động theo sự quản lý, điều hành của các hợp tác xã, trở thành người vừa tham gia lao động sản xuất, vừa tổ chức quản lý quá trình sản xuất của mình.
Quá trình xây dựng hộ nông dân thành những đơn vị sản xuất hàng hóa cũng là quá trình không ngừng biến đổi về quy mô và cơ cấu sản xuất, tổ chức phân công lại lao động, hình thành và phát triển các loại hộ sản xuất kinh doanh khác nhau như các hộ chuyên ngành, chuyên nghề, hộ sản xuất kinh doanh tổng hợp, tiến dần lên hình thức trang trại nông nghiệp với quy mô và trình độ khác nhau, tùy theo điều kiện và cụ thể của từng nơi.
Trong cơ chế mới, để các hộ nông dân có điều kiện phát triển kinh tế hàng hóa phải khẩn trương hoàn thành việc giao quyền sử dụng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đai lâu dài cho hộ nông dân. Đây cũng là nguyện vọng thiết tha chính đáng của người dân, phù hợp với cơ chế quản lý đất đai của Nhà nước. Đất đai được giao cho các hộ gia đình, cá nhân sử dụng và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng lâu dài, có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, thế chấp khuyến khích cho nông dân yên tâm quản lý và sử dụng tốt đất đai. Mặc dù chủ trương giao đất, giao rừng cho nhân dân
đã được đặt ra từ nhiều năm trước đây, nhưng việc tổ chức chỉ đạo thực hiện gặp khá nhiều khó khăn. Có những khó khăn trong việc hồ sơ đất đai: Một số huyện, xã hồ sơ bị mất hoặc chưa chính xác, trong việc xây dựng các chính sách cụ thể đối với các hộ nhận đất; khó khăn nhất là một số giám đốc quốc doanh nông - lâm trường chưa thống nhất quan điểm nhân dân miền núi phải làm chủ đất rừng, là lực lượng có vai trò quyết định trong việc bảo vệ và phát triển rừng, phát triển nông - lâm nghiệp. Không có lý do gì khi đồng bào thiếu đất, du canh, du cư, đất rừng làm nương rẫy tràn lan, lại có một bộ phận quỹ đất lãng phí không được sử dụng. Do vậy, việc giao đất, giao rừng cho nông dân được cấp ủy, chính quyền địa phương tỉnh Quảng Bình hết sức coi trọng.
Quán triệt những quan điểm của Đảng và việc triển khai thực hiện Nghị định 64/CP của Chính phủ. Thực hiện chủ trương này ngày 2-4-1994 ủy ban nhân dân tỉnh đã ra chỉ thị số 03/CT-UB chủ trương triển khai trên địa bàn toàn tỉnh. Đến tháng 4/2000 theo báo cáo tổng kết của Sở Địa chính về việc giao đất cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp theo tinh thần chỉ thị số 10/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ cơ bản đã hoàn thành.
+ Diện tích đất nông nghiệp giao theo Nghị định 64/CP là: 39.667,77 ha.
+ Số hộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: 99.590 hộ/ 101.989 hộ đạt được 89,4%.
Về lâm nghiệp, sau khi có Nghị định 02/CP của Chính phủ về giao đất lâm nghiệp cho các tổ chức và cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp. Quyết định 202/TTg ngày 2/5/1994 của Thủ tướng Chính phủ về khoán, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh và trồng rừng. Theo báo cáo qua 4 năm thực hiện đã giao và cấp giấy 46.719,83 ha đạt tỷ lệ 8,7%. Tổng số hộ và tổ chức nhận đất: 7513 trong đó số hộ nhận: 7.447 và số tổ chức 66. Nhưng số giấy chứng nhận được cấp: 1613. Nhìn chung tiến độ giao đất và cấp giấy chứng nhận đất lâm nghiệp chậm. Ngoài ra còn một số đất trống đồi trọc chưa được giao. Riêng một số được giao theo chiến lược kinh tế vùng gò đồi: 707 và 327 đảm bảo tốt.
Qua đó ta thấy, Quảng Bình đã thực hiện việc giao đất, giao rừng cho các hộ gia đình và các tổ chức cá nhân sử dụng theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương khá nghiêm
túc. Mặc dù tiến độ cấp giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất còn chậm, gây khó khăn trong việc sử dụng đất đai nông nghiệp của nhiều hộ nông dân, nhất là việc chuyển đổi, thế chấp ruộng đất để có những lô khoảnh lớn để vay vốn ngân hàng đầu tư cho sản xuất.
Mặt khác, về quan điểm chỉ đạo của Trung ương cũng như hướng chỉ đạo trực tiếp của tỉnh nên tạo điều kiện cho việc tích tụ đất đai. Đối với vùng trung du và miền núi, nơi đất rộng người thưa, có nhiều điều kiện cho việc tích tụ đất đai cho các hộ gia đình để hình thành các trang trại nông lâm nghiệp. Vấn đề tích tụ đất đai đối với khu vực trung du miền núi của tỉnh có thể thực hiện:
Với những hộ gia đình có điều kiện lao động, có vốn đầu tư hoặc mạnh dạn vay vốn và sử dụng vốn có hiệu quả, hiểu biết khoa học kỹ thuật và có khả năng quản lý, những địa phương có điều kiện đất đai rộng, nên động viên, xây dựng điển hình để hình thành những mô hình trang trại lớn. Song đối với những vùng sâu, vùng xa giao đất nông nghiệp gắn chặt với quy hoạch, giao rừng và đất rừng cho các gia đình khoanh nuôi, bảo vệ rừng. Nhà nước cần phải có chính sách hỗ trợ; phân phối lợi ích giữa các vùng, các đối tác chịu trách nhiệm quản lý rừng. Thực tế mấy năm sau khi thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng trên địa bàn toàn tỉnh đã hình thành các mô hình kinh tế vườn đồi, kinh tế trang trại, các mô hình liên kết quốc doanh - Hộ gia đình làm ăn có hiệu quả.
Chính cơ chế kinh tế mới và các chính sách đã tạo hành lang pháp lý và điều kiện cho các gia đình nông dân phát huy mọi khả năng của mình để phát triển sản xuất nông nghiệp. Nhiều hộ đã tích cực nhận đất trồng rừng, làm trang trại, hoặc kết hợp trang trại nông - lâm ngư. ở miền núi đất rừng đã có giao cho hộ nông dân quản lý, chăm sóc. Rừng đã có chủ thực sự nên đã được nuôi dưỡng và phát triển tương đối tốt. Đó là những kinh nghiệm cần tiếp tục chỉ đạo và phát triển rộng khắp trong toàn tỉnh.
Ngoài việc giao đất, giao rừng cho hộ nông dân và các thành phần kinh tế, để họ có điều kiện trao đổi, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nhau. Nhất là đối với các doanh nghiệp như: Công ty Cao su Việt Trung họ cũng giao cho hộ, nhưng họ lại lo kỹ thuật, lo đầu ra trong tiêu thụ sản phẩm v.v... Bên cạnh đó, tỉnh cần có chủ trương mở rộng việc giao quyền sử dụng ruộng đất cho các đối tượng ở ngoài vùng.
Theo Điều 6, 7, 8 của Nghị định 64/CP của Chính phủ thì đất nông nghiệp chỉ được giao cho những người có hộ khẩu thường trú hoặc sống tại địa phương. Những người không sống ở địa phương không được giao quyền sử dụng ruộng đất để sử dụng lâu dài. Kinh nghiệm của các nước và thực tế ở nước ta, một số nhà kinh doanh, một số công chức nhà nước ở các thành phố thị xã, thị trấn có vốn đầu tư muốn có trang trại, điền viên ở vùng trung du miền núi để sử dụng vào mục đích kinh doanh nông nghiệp. Chính bởi những đối tượng này nếu có đất họ sẽ xây dựng những mô hình tốt, hấp dẫn. Bởi vì bản thân họ có vốn, có trình độ khoa học kỹ thuật trình độ tổ chức và quản lý, có khả năng tiếp thị... Do đó họ sẽ sử dụng đất có hiệu quả hơn phần lớn nông dân ở trong vùng. Đối với Quảng bình điều kiện ở miền núi đất rộng, người thưa, đất đai chưa được khai thác và sử dụng hết cần bổ sung vào luật đất đai, Nghị định 64/CP việc ủy quyền cho chính quyền địa phương giao quyền sử dụng ruộng đất lâu dài hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng ruộng đất cho các đối tượng đó.
Nếu làm được như vậy sẽ thúc đẩy nhanh chóng việc tích tụ đất đai, đồng thời có lợi thế nhiều mặt như: Tăng thêm nguồn đầu tư sử dụng đất, làm cho hệ số sử dụng đất ngày càng tăng. Đồng thời địa phương có thêm nguồn thu để đầu tư vào xây dựng các công trình khác. Đối với những vùng đất chuyển nhượng này sẽ là nơi xây dựng mô hình đưa các kỹ thuật tiến bộ ở những nơi khác du nhập vào vùng, là mô hình thực tiễn cho nhân dân trong vùng lấy đó làm kinh nghiệm học tập.
Trong quá trình thực hiện việc triển khai giao đất, giao rừng ở địa phương trong thời gian qua, tỉnh cần quan tâm một số vấn đề như: Khuyến khích nông dân dồn đổi ruộng đất để tránh manh mún. Đây là một công việc rất khó bởi vì người nông dân họ đã có một nếp làm ăn riêng lẻ, tạo ra tâm lý không ràng buộc một ai, thậm chí nhiều lúc chưa thật tin tưởng trong cách làm ăn của nhau, nên việc đổi, dồn thửa khó khăn. Nếu làm được thì hình thành nên các ô thửa lớn đảm bảo cho canh tác thuận lợi trong việc đầu tư thâm canh sản xuất hàng hóa. Chấp nhận việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất để chuyển lao động sang làm chế biến, dịch vụ, nhưng phải đảm bảo theo định hướng sản xuất và sự quản lý của Nhà nước. Nghiêm cấm việc chuyển ruộng đất tự phát, bắt ép, cầm cố đất làm cho người nông dân mất tư liệu sản xuất, không có đất để canh tác trở thành người làm thuê. Đối với nông lâm trường còn nhiều diện tích đất chưa sử dụng phải tiến hành sắp
xếp tổ chức lại sản xuất, giao phần đất chưa sử dụng cho địa phương để giao cho nông dân sản xuất.
Đất đai được coi như là một cơ thể sống, nếu được sử dụng quản lý khoa học thì độ phì nhiêu ngày càng tăng, ngược lại nếu đất đai nếu phải chịu theo một chế độ bị bóc lột, không những làm kiệt độ phì nhiêu của đất, mà còn làm cho hiệu quả của đất càng thấp kém. Do đó, khi trao quyền sử dụng ruộng đất, cần mở đường cho ruộng đất thì tìm những chủ hộ có khả năng, điều kiện bồi bổ và khai thác có hiệu quả tiềm năng của đất. Đây là yêu cầu tất yếu của kinh tế thị trường. Việc chuyển nhượng quyền sử dụng, quyền thế chấp, thừa kế, cho thuê, góp vốn nhằm tạo cơ sở pháp lý cho đất đai đến với những hộ nông dân có khả năng sử dụng, kích thích tính năng động sáng tạo trong khai thác tài nguyên, để đổi mới cơ cấu sản xuất phù hợp với cơ chế thị trường, góp phần phát huy năng lực sản xuất của hộ nông dân.
Trong điều kiện ngày nay cần khuyến khích những hộ nông dân biết đầu tư làm giàu chính đáng. Nhưng việc quản lý sử dụng đất đai dù bất cứ ở trình độ nào thành phần kinh tế nào, đều phải tuân thủ việc bố trí cơ cấu theo vùng lãnh thổ, theo quy hoạch tổng thể về sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn nhằm đạt được mục tiêu năng suất, chất lượng, hiệu quả.