sở hữu của toàn dân, Nhà nước đại diện cho quyền sở hữu này và chịu trách nhiệm
quản lý sử dụng có hiệu quả
Cần xác định sở hữu toàn dân về đất đai là một mục tiêu của cách mạng Việt Nam. Vì vậy cần kiên trì mục tiêu đã đạt được và đã được xác định trong các văn bản pháp quy. Nguyên tắc này cho phép nhà nước xã hội chủ nghĩa của nhân dân có quyền quản lý đất đai vì mục tiêu lợi ích chung của xã hội, không cho phép sử dụng đất đai như một công cụ để đầu cơ hay bóc lột.
Bởi vì, dưới góc độ chính trị, pháp lý, đất đai là một bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ quốc gia dân tộc, nó gắn liền với chủ quyền của một nhà nước. Xâm phạm đất đai là xâm phạm chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Nhà nước là đại diện cho chủ quyền quốc gia có quyền và trách nhiệm thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ đất đai khỏi sự xâm phạm từ bên ngoài. Dưới góc độ kinh tế - xã hội đất đai là tài nguyên thiên nhiên vô cùng quí giá, là nơi cú trú sinh sống của con người, là tư liệu sản xuất chính của con người không thể thay thế được của sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp; là nguồn nguyên liệu chính của một số ngành sản xuất vật liệu xây dựng và tiêu dùng như: gạch,
ngói, xi măng, đồ gốm... "Đất là mẹ, sức lao động là cha sản sinh ra mọi của cải vật chất" [31, tr. 189]. Đất là cội nguồn dự trữ tài nguyên có giá trị nhất của con người. Đất đai còn là cơ sở để phát triển các hệ sinh thái là yếu tố hàng đầu của môi trường sống, thiếu nó con người không thể tồn tại, duy trì và phát triển sự sống. Sự hình thành và phát triển của mỗi dân tộc phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố tài nguyên đất đai mà dân tộc đó đang sinh sống.
Do vậy, sở hữu đất đai luôn luôn là một vấn đề quan trọng hàng đầu trong quan hệ xã hội, giữa các quốc gia, dân tộc và ngay trong một quốc gia. Trong một xã hội, vấn đề sở hữu đối với đất đai luôn luôn là một vấn đề hệ trọng nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và lợi ích của các giai cấp, các tầng lớp dân cư trong xã hội.
ở Việt Nam, trong hai mươi năm, từ 1980 tới năm 2000, là thời kỳ nền kinh tế Việt Nam có nhiều vận động, đổi mới và phát triển theo hướng ngày càng phát huy các yếu tố kinh tế nhằm kích thích phát triển. Lợi ích về mặt vật chất của từng đơn vị sản xuất, hộ gia đình và các cá nhân được coi trọng hơn và gắn bó trực tiếp với hiệu quả sử dụng các tư liệu và công cụ sản xuất của họ. Đất đai là tư liệu sản xuất có tầm quan trọng đặc biệt, vì vậy các lợi ích kinh tế có mối liên quan chặt chẽ tới quan hệ sử dụng đất đai. Trong vòng hai mươi năm, nhiều chính sách kinh tế đã được ban hành sửa đổi, điều chỉnh, thay thế hoặc hủy bỏ nhằm tạo cơ hội tốt hơn cho việc phát triển kinh tế chung và nâng cao đời sống của nhân dân. Trong đó, có những chính sách kinh tế có liên quan nhiều nhất tới quan hệ sử dụng đất đai có thể bao gồm những chủ trương chính sách làm tăng nhu cầu về đất đai của các cá nhân và tập thể: giao quyền sử dụng đất cho các cá nhân và tập thể, quy định khung giá đất, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển, đề cao vai trò hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ, khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài, đổi mới các doanh nghiệp nhà nước, nhất là các doanh nghiệp sử dụng nhiều đất đai như nông lâm trường.
Quá trình thay đổi các quan hệ đất đai dưới tác động của các chính sách kinh tế cũng có thể chia làm hai giai đoạn trước và sau đổi mới: Giai đoạn 1980 - 1990 và giai đoạn 1990 - 2000
Trong giai đoạn trước đổi mới, ngày 18-12-1980 Quốc hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua bản hiến pháp mới (Hiến pháp 1980) quy định rõ: đất đai, rừng núi, sông hồ, hầm mỏ, tài nguyên thiên nhiên trong lòng đất, vùng biển và thềm lục địa... đều thuộc sở hữu toàn dân" (Điều 19). "Nước thống nhất quản lý đất đai theo quy hoạch chung nhằm bảo đảm đất đai được sử dụng hợp lý và tiết kiệm"... Điều 20. Đây là cơ sở pháp lý cao nhất xác định rõ Nhà nước là chủ sở hữu đối với toàn bộ vốn đất quốc gia. Dựa trên cơ sở Hiến pháp 1980 ngày 29/12/1987 Quốc hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật đất đai quy định rõ chế độ quản lý sử dụng đất đai nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm của mọi tổ chức và cá nhân trong việc bảo vệ và sử dụng đất đai vào quy chế chặt chẽ, khai thác tiềm năng của đất đai một cách hợp lý và có hiệu quả, góp phần vào công việc cải tạo xã hội chủ nghĩa, đảm bảo công bằng xã hội, từng bước đưa nông nghiệp, lâm nghiệp lên sản xuất lớn phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện, theo đường lối đổi mới của Đảng hiện nay, chúng ta vẫn kiên trì bảo vệ chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai. Điều 17 Hiến pháp 1992 điều 1 luật đất đai (sửa đổi) năm 1993 và điều 1 luật đất đai (sửa đổi) năm 1998 đều tiếp tục quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý. Sau Hiến pháp 1980, trên cơ sở khẳng định một hình thức sở hữu duy nhất đổi với đất đai đó là sở hữu nhà nước. Theo đó quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất đai đã được hình thành và phát triển. Luật đất đai 1998 đã từng bước quan tâm mở rộng đến các quyền năng cho người sử dụng đất, xác định giao đất ổn định lâu dài cho người sử dụng và bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của họ trong quá trình sử dụng đất. Điều này đã làm cho các chủ thể sử dụng đất yên tâm đầu tư, khai thác có hiệu quả diện tích đất được giao.
Tuy nhiên, sự vận động và phát triển các quan hệ đất đai trong nền kinh tế thị trường là hết sức đa dạng và phức tạp. Sự chi phối của quy luật giá trị đến các quan hệ đúng đã làm cho các quy định của luật đất đai năm 1988 bộc lộ một số hạn chế.
Trong điều kiện các chính sách kinh tế như vậy, các mối quan hệ về sử dụng đất đai chưa thực sự gắn với kết quả sản xuất, hiệu quả sử dụng đất đai và lợi ích cụ thể của
người sử dụng. Thực tế cho thấy ngoài những nguyên nhân trên, nhu cầu đất đai phần lớn được quản lý chặt chẽ theo kế hoạch nên đã gây ra nhiều hiện tượng sử dụng đất đai kém hiệu quả: Đặc biệt đối với tỉnh Quảng Bình ở nhiều xã trong tỉnh, hiện tượng nông dân trả lại ruộng, bỏ ruộng đất hoang hóa; hiện tượng chặt phá rừng để khai thác lâm sản một cách bừa bãi, trái pháp luật. Nguyên nhân chủ yếu:
- Luật chưa xác định được mối quan hệ giữa các quyền của người sử dụng đất đối với chủ trương phát triển nền sản xuất hàng hóa.
- Các quyền của người sử dụng đất chưa được xây dựng với ý nghĩa là cơ sở, là tiền đề của nền sản xuất hàng hóa.
- Luật chỉ đóng khung các quan hệ đất đai ở trạng thái tỉnh; chỉ quản lý đất đai về mặt hành chính mà không quản lý đất đai về mặt kinh tế.
Trong giai đoạn thực hiện quá trình đổi mới, giai đoạn mà các chính sách kinh tế có sự thay đổi lớn về chủ trương; chuyển từ tập trung quan liêu sang tự do hóa có sự điều tiết của Nhà nước, và gắn chặt chẽ hơn quyền lợi trách nhiệm của người sử dụng đất với kết quả trên hiệu quả sử dụng đất. Trong quá trình đổi mới kinh tế đó, Luật đất đai 1993 đã ra đời quy định rõ ràng và chặt chẽ hơn về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất đặc biệt chú trọng đến việc mở rộng tối đa quyền cho người sử dụng. Vì vậy, trong quá trình đổi mới kinh tế hiện nay, các quan hệ về sở hữu trong sử dụng đất đai đang chịu tác động rất lớn của những thay đổi về lợi ích, tâm lý và hành vi của người sử dụng đất. Những thay đổi này bao trùm lên các quan hệ mục tiêu, nội hàm sử dụng đất đai và lôi kéo hầu hết các đối tượng trong xã hội tham gia. Các thay đổi này là tính chất khách quan của nền kinh tế trong quá trình chuyển đổi và phát triển. Tuy nhiên, quản lý sự thay đổi này là một vấn đề quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, việc củng cố không những các chính sách quản lý đất đai là một yêu cầu cấp thiết hiện nay đang đặt ra, cần sớm giải quyết. Do đó việc quản lý sử dụng đất đai là trách nhiệm của các cấp từ trung ương đến địa phương và cơ sở, khai thác và sử dụng đất đai có hiệu quả là nghĩa vụ và quyền lợi của mọi tổ chức và cá nhân.
Song việc giao quyền sử dụng ruộng đất lâu dài cho nông dân để phát triển nông nghiệp hàng hóa là một trong những chủ trương chính sách lớn của Đảng và Nhà
nước ta. Vì vậy, thực hiện tốt quan điểm đất đai là sở hữu của toàn dân, Nhà nước đại diện cho quyền sở hữu này và chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng có hiệu quả thì đối với các địa phương nói chung và Quảng Bình nói riêng cần phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa quyền sở hữu (toàn dân) và quyền sử dụng đất nông - lâm nghiệp (của từng hộ nông dân) nhằm tạo động lực nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả sản xuất nông lâm nghiệp; cũng đồng thời là nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông - lâm nghiệp. Trong quan hệ đất đai, nước ta vẫn giữ nguyên hình thức sở hữu toàn dân nhưng giao cho người sử dụng đất, cát quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp, góp vốn liên doanh, liên kết sản xuất kinh doanh, từ đó ruộng đất đã có người chủ cụ thể và thực sự. Quan hệ mới đó là cơ sở cho cách nhìn nhận và đánh giá về cách thức quản lý và cơ chế khai thác đất đai trong giai đoạn hiện nay. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng sử dụng ruộng đất một cách lãng phí, kém hiệu quả trong nông nghiệp thời kỳ cơ chế cũ là ở chỗ, ruộng đất được quản lý và sử dụng một cách tập trung trong các hợp tác xã nông nghiệp, các nông lâm trường quốc doanh. Về danh nghĩa thì ở đây ruộng đất có chủ, song là người chủ tập thể (hợp tác xã) và người chủ đại diện (doanh nghiệp nhà nước), chứ không phải là người chủ cụ thể và thực sự; người trực tiếp lao động trên đồng ruộng chỉ biết làm công lấy lương, lấy sản phẩm, không thực sự gắn bó với ruộng đất nên lao động một cách thụ động, không phát huy tiềm năng của ruộng đất. Việc giao quyền sử dụng đất với 5 quyền theo luật đất đai cho hộ nông dân chính là giải quyết cơ bản vấn đề này. Giữa sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý về đất đai và quyền của người sử dụng đất không có gì mâu thuẫn. Đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt, sử dụng nó phải thông qua Nhà nước để ngày càng có hiệu quả hơn. Nhà nước lập qui hoạch, kế hoạch và xác định mục đích sử dụng đất, tạo cơ sở cho người sử dụng đất, vừa phát huy tính chủ động của mình trong quá trình sử dụng đất, vừa đảm bảo các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của cả cộng đồng nói chung và Quảng Bình nói riêng, nhất là việc bảo đảm an toàn lương thực cho đất nước, nguyên liệu cho phát triển công nghiệp và môi trường sinh thái. Do đó, Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu và người sử dụng đất được thực hiện các quyền lợi là một thể thống nhất, Nhà nước giao quyền cho người sử dụng, tạo điều kiện gắn bó với ruộng đất và sử dụng có hiệu quả cần thực hiện tốt quan điểm trên.