Tình hình đất đai ở Quảng Bình

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Giao quyền sử dụng ruộng đất lâu dài cho nông dân để phát triển nông nghiệp hàng hóa ở Quảng Bình docx (Trang 41 - 43)

Do vị trí địa lý có tầm quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, Quảng Bình bị ảnh hưởng sâu sắc trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ để lại; tiếp đến là sự biến động về mặt tổ chức hành chính (nhập tỉnh 1976 và tách tỉnh tháng 7/1989) như phân tích ở mục 2.1 dẫn đến các quan hệ sử dụng đất diễn ra phức tạp, vì vậy quá trình sử dụng đất vào các mục đích khác nhau có nhiều biến động. Đặc biệt là việc điều tra, quy hoạch phân bổ đất nông - lâm nghiệp, do đó nó có tác động rất lớn đến việc thực hiện phát triển kinh tế - xã hội trong tỉnh nói chung và phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn nói riêng.

Theo số liệu niên giám thống kê của tỉnh đến năm 2000, tổng diện tích đất tự nhiên 805.186 ha hiện nay được phân bổ như sau:

- Đất nông nghiệp: 63.546 ha chiếm 7,45% diện tích đất tự nhiên. Trong đó: Đất lúa màu: 33.966 ha.

- Đất lâm nghiệp: 491.262 ha chiếm 59,38% diện tích đất tự nhiên. - Đất chuyên dùng: 19.936 ha chiếm 2,03% diện tích đất tự nhiên. - Đất ở: 4.145 ha chiếm 0,45% diện tích đất tự nhiên.

- Đất chưa sử dụng: 226.297 ha chiếm 30,6% diện tích đất tự nhiên.

Từ số liệu trên cho ta thấy, diện tích đất trồng lúa của tỉnh rất ít, bình quân về mật độ dân số 100 người /km2. Trong khi đó bình quân diện tích đất trồng lúa trên số dân nông thôn là 0,092 ha/người. Đất chưa sử dụng còn khá lớn, chiếm tới 30,6% diện tích đất tự nhiên, chủ yếu là đất bằng chiếm: 18.156 ha và đất đồi núi chưa sử dụng 146.386 ha. Cả hai loại đất này được phân bổ rải rác trên 7 huyện, thị của tỉnh. Nhìn chung cả hai loại đất này có thể khai thác để trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn và dài ngày. Đây là tài nguyên hết sức quý giá để khai thác nhằm sử dụng nâng cao đời sống nhân dân và bảo vệ môi trường sinh thái. Nhìn chung hầu hết quỹ đất đai đặc biệt là đất sản xuất nông - lâm nghiệp. Phần diện tích còn lại chưa được giao cho các chủ sử dụng, chủ yếu là đất trồng đồi trọc, đất đầm lầy, đất mặn ven biển. Khả năng khai hoang phục hóa còn có điều kiện, nếu có chính sách hợp lý và quy hoạch đất, có đầu tư có thể mở rộng đưa vào sản xuất nông lâm nghiệp.

Trong thời gian Quảng Bình còn đang ở tỉnh Bình Trị Thiên cũ, do công việc rà soát, quy hoạch đất đai, quản lý sử dụng đất đai bị hạn chế nhiều mặt nên trong các năm từ 1985 - 1989 diện tích gieo trồng luôn luôn biến động. Năm 1985 tổng diện tích gieo trồng 84.060 ha, đến năm 1989 giảm xuống còn 77.830 ha, tỷ lệ giảm 7,5% trong đó cây lương thực giảm 6,5%, riêng lúa giảm 7,8% (từ 50.720 ha xuống 46.811 ha). Đối với đất lâm nghiệp, đó là quá trình biến động tài nguyên rừng trong vòng 50 năm từ 1943 đến 1992 diện tích rừng giảm 242.049 ha, bình quân mỗi năm giảm 4.840 ha tương đương rừng trồng tới một năm [44].

Ngoài ra, đất đai của Quảng Bình còn nhiều tiềm năng chưa khai thác được như đất bằng chưa sử dụng còn lớn: 18.156 ha; đất đồi núi chưa sử dụng chiếm: 142.705; đất chưa sử dụng khác: 62.936 ha.

Đến tháng 7/1989, Quảng Bình đã trở lại vị trí cũ cùng với việc xây dựng lại một đơn vị hành chính cấp tỉnh. Vì vậy, mọi công việc phải bắt đầu trở lại để bắt tay vào việc xây dựng và phát triển kinh tế xã hội. Mà một trong những nhân tố ảnh hưởng lớn đến phát triển nông nghiệp (khi còn là tỉnh chung) đó là sự biến động quá lớn về đất đai, nên tỉnh đã thực sự chú ý tới công tác rà soát, quy hoạch đất đai, quản lý và sử dụng có hiệu quả từ đất đai trong nông nghiệp. Bởi thế mạnh của tỉnh vẫn xác định là nông nghiệp là ngành sản xuất chính. Do vậy, các chủ trương chính sách phát triển nông nghiệp đã tác động không nhỏ đến quá trình tổ chức thực hiện để thúc đẩy nông nghiệp hàng hóa ở tỉnh phát triển một cách toàn diện. Một trong những chủ trương chính sách đó là giao quyền sử dụng ruộng đất lâu dài cho nông dân để phát triển nông nghiệp hàng hóa.

Đó là những vấn đề lớn mà tỉnh cần phải có sự quan tâm hơn nữa trong việc khai thác và sử dụng quyền lực đất đai để phát triển nông nghiệp hàng hóa.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Giao quyền sử dụng ruộng đất lâu dài cho nông dân để phát triển nông nghiệp hàng hóa ở Quảng Bình docx (Trang 41 - 43)