phát triển sản xuất nông nghiệp
Hiến pháp năm 1992 và Luật đất đai năm 1993 qui định, đất đai thuộc sở hữu toàn dân và Nhà nước thống nhất quản lý theo qui định chung, nhằm bảo đảm cho đất đai được sử dụng hợp lý và tiết kiệm đồng thời chủ trương của Đảng về giao quyền sử dụng ruộng đất lâu dài cho hộ nông dân để phát triển sản xuất nông nghiệp theo tinh thần của Nghị định 64/CP ban hành ngày 27/9/1993 và Nghị định 02/CP (nay là 163/CP) về giao đất hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo ra những chuyển biến tích cực trên mặt trận nông nghiệp.
Bởi vì đất đai luôn luôn gắn bó với người nông dân đầu tư xa xưa, là vấn đề mọi thời đại quan tâm. Ngày nay trong quá trình chuyển sang cơ chế mới, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước thì đất đai lại càng có vị trí quan trọng. Do đó với chủ trương này và quá trình hoàn thiện việc giao đất, giao rừng cho các hộ nông dân và các thành phần kinh tế có điều kiện để khai thác đất đai ngày càng có hiệu quả.
Trước thời kỳ Đảng ta thực hiện công cuộc đổi mới (từ năm 1986 trở về trước) hộ gia đình chưa được coi là đối tượng trực tiếp giao đất, giao rừng, mà đất có rừng và các loại đất canh tác đều được giao cho các lâm trường quốc doanh và hợp tác xã quản lý. Do những yếu kém về công tác quản lý của các lâm trường quốc doanh và hợp tác xã nông nghiệp, nên trong một thời gian dài đất đai không được khai thác và sử dụng có hiệu quả.
Từ năm 1987 theo tinh thần đổi mới cơ chế quản lý kinh tế của Đảng và Nhà nước, vấn đề giao đất, giao rừng cho hộ nông dân được bước đầu thực hiện. Đến khi có
Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị về "khoán hộ", đã khẳng định việc giao đất canh tác cho các hộ xã viên là hợp lý, đồng thời đưa ra các phương thức sử dụng đất đai khoán thầu và đấu thầu... Nghị quyết đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo ra những bước chuyển biến tích cực trên mặt trận nông nghiệp.
Việc thừa nhận hộ nông dân là đơn vị tự chủ, được trao quyền sử dụng ruộng đất lâu dài, khiến cho kinh tế hộ nông dân trở thành nhân tố giữ vai trò quyết định đối với sự phát triển sản xuất nông sản và nông thôn. Điều này có mặt tích cực, đất đai đã có người chủ cụ thể, trực tiếp - đó là các hộ gia đình nông dân. Từ đó làm cho kinh tế của từng hộ có tư cách pháp nhân, có quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh trên ruộng đất của mình. Nó là động lực kích thích các hộ nông dân đầu tư sức người, sức của để thâm canh, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, khai hoang tăng vụ, phát triển ngành nghề trong nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Nó làm cho vị trí người nông dân từ chỗ lao động một cách thụ động theo sự quản lý, điều hành của hợp tác xã, trở thành người vừa tham gia lao động sản xuất, vừa là người tổ chức quản lý quá trình sản xuất của mình.
Chính sách ruộng đất bước đầu đã phân định rõ vai trò và trách nhiệm của nhà nước, xóa bỏ dần việc nhà nước hóa trong hoạt động sản xuất kinh doanh có liên quan đến ruộng đất. Cũng từ đó mà tăng cường quyền tối cao của nhà nước pháp quyền về quản lý đất đai, bảo hộ tài nguyên đất đai, bảo đảm ruộng đất được sử dụng ngày càng có hiệu quả hơn.
Việc giao quyền sử dụng cho các hộ nông dân và xác định hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ đã từng bước khơi dậy tính năng động giải phóng sức sản xuất, khôi phục sự gắn bó lâu đời giữa người làm ruộng với ruộng đồng, giữa người lao động với tư liệu sản xuất, từng bước họ vươn lên làm chủ cuộc sống, góp phần vào thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Sự biến đổi trong quan hệ ruộng đất cũng tạo ra được cơ sở và động lực cho sự tự chủ của người nông dân, trên cơ sở đó góp phần dân chủ hóa đời sống kinh tế-xã hội ở nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Sự biến đổi quan hệ ruộng đất trong những năm gần đây đã được quy định trong luật đất đai và các văn bản dưới luật có liên quan là cơ sở pháp lý, bắt đầu tạo điều kiện tiền đề cho việc xác lập ruộng đất là một yếu tố rất quan trọng vận động theo quá trình
phát triển sản xuất hàng hóa, đồng thời là cơ sở quan trọng cho việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng giảm tỷ trọng nông lâm ngư nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế nông thôn. Cùng với xu hướng đó là các ngành đều có tốc độ tăng trưởng phù hợp, thực hiện chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng mở rộng và tăng diện tích đất trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, giá trị hàng hóa lớn, trên cơ sở một nền nông nghiệp thâm canh và ứng dụng rộng rãi tiến bộ khoa học kỹ thuật, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Việc thực hiện chính sách chủ trương giao đất giao rừng của Đảng và Nhà nước ta cũng góp phần quan trọng trong việc chuyển đổi hình thức hợp tác xã kiểu cũ chuyển sang phát triển kinh tế hộ, phù hợp với đất đai của sản xuất nông nghiệp, từng bước hình thành hợp tác xã dịch vụ đa dạng trên cơ sở yêu cầu và tự nguyện của nông dân, tác động mạnh mẽ đến việc đổi mới nội dung phương thức hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước về nông, lâm nghiệp.
Từ khi thực hiện chủ trương chính sách giao quyền sử dụng ruộng đất (27/9/1993) và Nghị định 02/CP giao đất vào mục đích lâm nghiệp cho các tổ chức và hộ gia đình, cá nhân, nhìn chung nông dân phấn khởi, yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, sử dụng ruộng đất có hiệu quả hơn, mặt khác khắc phục dần tình trạng bất hợp lý trong quan hệ ruộng đất, phát hiện và từng bước giải quyết những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, chiếm đoạt đất đai, giao đất bất hợp lý. Tuy nhiên, từ khi thực hiện chủ trương này, bên cạnh những mặt tác động tích cực, còn những mặt hạn chế nảy sinh. Nghị quyết Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 6 (lần 1) đã nêu: "Luật đất đai 1993 sau 5 năm thực hiện bên cạnh những mặt tích cực, đã bộc lộ một số điểm chưa thật phù hợp, chưa đủ cụ thể để xử lý những vấn đề mới phát sinh, nhất là trong việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, làm cho quan hệ về đất đai trong xã hội rất phức tạp, không chỉ về mặt kinh tế mà còn ảnh hưởng đến cả xã hội" [17, tr. 28]. Được thể hiện trên một số mặt:
Thứ nhất: Hiệu quả sử dụng ruộng đất chưa cao, được chứng minh từ thực tế là năng suất lúa ở nước ta so với các nước trên thế giới và khu vực còn thấp. Bình quân lúa thời kỳ sau cải cách ruộng đất là: 28,9 tạ/ha, thời kỳ 1960-1981 là 20,1 tạ/ha, thời kỳ
1993-1997 là 37,3-39 tạ/ha. Hiệu quả của một đồng vốn đầu tư vào nông nghiệp ở nước ta 1959 được 1,84 đồng, thời kỳ 1981-1987 được 2,5 đồng, thời kỳ 1994-1997 được 4,54 đồng. Trong khi đó Đài Loan làm ra 15.172 USD, Hà Lan: 16.000 USD. Bình quân 1ha đất nông nghiệp nước ta làm ra được 600USD/năm. Hiện nay năng suất lúa nước ta chỉ bằng 90% Inđônêxia, 60% Trung Quốc và Nhật Bản [53, tr. 24].
Mặt khác, đất lâm nghiệp nước ta còn khoảng 10 triệu ha đất trống, đồi núi trọc đất hoang hóa chưa khai thác. Nhưng trong khi đó lại có 1 triệu hộ nông dân với 6-12 triệu và nhân khẩu sống ở miền núi gặp nhiều khó khăn. Rừng bị tàn phá nặng nề do phát nương, làm rẫy, du canh du cư, đất bị xói mòn, môi trường bị lũng loạn, gây hạn hán, lũ lụt. Chính sách giao khoán, quản lý rừng chưa hợp lý làm cho nhiều nông dân không gắn bó với rừng và không sống được bằng nghề rừng.
Thứ hai: Nước ta đất chật, người đông, bình quân diện tích đất tự nhiên thấp, khoảng 0,44ha/người, bình quân đất canh tác 0,08 ha/người, bình quân đất canh tác mỗi hộ nông nghiệp là 0,68ha. Đất đai lại phân bố không đều giữa các vùng, chẳng hạn vùng phía Bắc đất tự nhiên nhiều, nhưng diện tích đất canh tác có hạn, lại bị xói mòn, rửa trôi, điều kiện tự nhiên khó khăn vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ đất rộng, màu mỡ, phần lớn là ruộng đất mới khai hoang có giá trị kinh tế cao. Vùng Đồng bằng Sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long là hai vựa lúa cả nước. Đồng bằng sông Hồng diện tích đất canh tác thấp (khoảng 0,05ha/người) mật độ dân số cao. Đồng bằng sông Cửu Long đất đai màu mỡ mới khai thác, bình quân diện tích khoảng 0,1758ha/người. Nhưng do quản lý đất đai còn lỏng nên dẫn đến một bộ phận nông dân đi làm thuê, ngược lại một số hộ gia đình vượt quá hạn mức.
Thứ ba: Qui mô ruộng đất của mỗi hộ nhỏ bé, phân tán, manh mún cản trở lớn cho việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Cả nước có 113.747 hộ có trên 3 ha đất nông nghiệp chiếm tỉ lệ: 1,2%, 1.002.523 hộ có từ 1 đến 3 ha; 4.189.179 có hộ từ 0,2ha - 0,5 ha... [35, tr. 23]. Trong khi đó dân số, nhất là số khẩu, số hộ tăng nhanh ở nông thôn, thì bên cạnh đó diện tích lúa nước và rừng ngày càng suy giảm. Nếu chỉ tính từ 1980 đến 1985, đất ruộng lúa đã mất khoảng 376.000 ha, mỗi năm mất khoảng 75.000ha chiếm 1,6%; từ năm 1986 đến 1987 mỗi năm vẫn mất tới 20.000 ha chiếm
0,5%. Đất rừng mỗi năm mất khoảng 445.000ha chiếm gần 4,8%. Nguyên nhân chủ yếu là do lấy đất nông nghiệp làm giao thông, thủy lợi, đất khu dân cư và mở mang đô thị, khu công nghiệp... Không có quy hoạch hoặc không theo qui hoạch.
Thứ tư: Trong quá trình chuyển đổi kinh tế, dưới tác động của nhiều yếu tố đã dẫn đến một số bộ phận nông dân không có ruộng đất và thiếu đất. Hoặc nhiều hộ vì nhu cầu bức xúc hoặc gặp khó khăn phải sang nhượng cho người khác. Một số hộ khi được giao, trong quá trình sản xuất thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm nên đã bán ruộng làm thuê... Mặt khác một số nơi như ở miền Bắc sau khi thực hiện NĐ64/CP, đất đai được chia hết một lần cho những người trực tiếp sản xuất nông nghiệp có mặt tại thời điểm chia, khi chết không rút ra, không chia thêm cho những trường hợp phát sinh mới chỉ để lại 5% đất công ích. Trong khi đó, dân số mỗi năm tăng hơn 1 triệu người, số người không có công ăn việc làm ở thành phố, cán bộ công nhân viên chức về hưu mất sức cũng đòi chia ruộng, trong khi đó đất không còn để chia dẫn đến một bộ phận ở nông thôn thiếu đất canh tác.
Việc thực hiện giao quyền sử dụng ruộng đất lâu dài ổn định cho nông dân đã được triển khai rất khẩn trương và tích cực trong mấy năm qua. Quá trình tiến hành chưa thật hoàn toàn thống nhất đồng bộ và chưa được tổng kết cụ thể. Song qua thực tế hầu hết ở các địa phương đã triển khai cho thấy việc giao quyền sử dụng ruộng đất lâu dài đã có nhiều tác động tích cực đối với đời sống kinh tế - chính trị xã hội của cả nước cũng như ở nông thôn, tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Đã tạo ra được bầu không khí mới phù hợp với tâm tư tình cảm và nguyện vọng của người nông dân, tạo ra được sự gắn bó chặt chẽ giữa người nông dân với ruộng đất mà họ được giao.
Tạo điều kiện và thúc đẩy kinh tế hộ gia đình phát triển, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và hợp tác dưới nhiều hình thức phong phú và đa dạng, phục vụ nhu cầu đời sống kinh tế xã hội nông nghiệp, nông thôn. Khuyến khích phát triển sản xuất, kích thích lao động, sáng tạo, đầu tư thâm canh để tăng hệ số sử dụng đất đai, làm cho tăng thêm độ màu mỡ của đất (vận dụng địa tô chênh lệch II) để nâng cao năng suất lao động và sản
phẩm hàng hóa. Từ đó thúc đẩy sự phân công lao động trong nông nghiệp và nông thôn phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra nhiều ngành nghề, để thu hút lao động giải quyết việc làm, hạn chế thất nghiệp trong xã hội nông thôn.
Tạo điều kiện cho lực lượng sản xuất phát triển, giải phóng sản xuất trong nông nghiệp nông thôn; đẩy mạnh tiếp thu khoa học kỹ thuật nông nghiệp tiên tiến vào sản xuất kinh doanh thực hiện chuyển giao công nghệ mới trong nông nghiệp theo hướng phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, mở ra khả năng cho sự đầu tư hợp tác liên doanh liên kết trong nước và quốc tế.
Mặt khác, giao quyền sử dụng ruộng đất lâu dài, ổn định cho nông dân có nội dung phong phú. Do vậy, người nông dân thực hiện quyền sử dụng ruộng đất của mình trên cơ sở những nguyên tắc nhất định theo tinh thần mà luật đất đai 1993 qui định.
Một là: Phải sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng đất đai. Đất đai nói chung và ruộng đất trong nông nghiệp nói riêng có nhiều loại khác nhau, được phân bố ở những vùng có vị trí địa lý, khí hậu khác nhau như trung du, miền núi, đồng bằng, ven biển... Mỗi loại đất cũng có những mục đích đối tượng sử dụng khác nhau nhưng đất xây dựng, đất nông nghiệp, đất chuyên dùng, đất ở, đất tài nguyên khoáng sản.... Do vậy việc sử dụng ruộng đất phải đảm bảo sử dụng đúng đối tượng mục đích của từng loại.
Hai là: Sử dụng ruộng đất phải đúng quy định của pháp luật, của luật đất đai đã ban hành và phải tuân thủ những quy định cụ thể khác của Nhà nước.
Ba là: Sử dụng ruộng đất phải đảm bảo khai thác triệt để giá trị sử dụng của đất phải bảo vệ đất, giữ gìn và sử dụng tiết kiệm đất, không được huỷ hoại hoặc lãng phí đất đai.
Bốn là: Sử dụng ruộng đất phải khai thác tối ưu tiềm năng của đất, chăm lo cải tạo đất, đầu tư bồi bổ làm giàu cho đất, làm cho đất ngày càng phong phú màu mỡ phì nhiêu.
Năm là: Phải đảm bảo sử dụng ruộng đất một cách đầy đủ hợp lý và có hiệu quả sử dụng cao nhất.
Sáu là: Thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng thừa kế, thế chấp và cho thuê cũng phải đảm bảo đầy đủ những nội dung nguyên tắc qui định và phải thực hiện các quyền đó trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện cùng có lợi.
Từ những lý giải trên cho thấy cần phải đẩy nhanh tốc độ giao quyền sử dụng ruộng đất lâu dài cho nông dân để phát triển hàng hóa là một yêu cầu tất yếu khách quan.
Chương 2
Thực trạng về giao quyền sử dụng ruộng đất lâu dài cho nông dân ở tỉnh Quảng Bình
trong những năm qua
(Khảo sát từ năm 1986 đến nay)