- Cần phải tăng nhanh tỷ trọng lao động và sản phẩm của ngành công nghiệp, dịch vụ trong tổng sản phẩm quốc nội được tạo ra. Muốn như vậy cần chuyển dần một phần lao động nông nghiệp sang làm các hoạt động dịch vụ, chủ yếu là các hoạt động sơ chế nông sản, lâm sản, thủy sản, sản xuất tiểu thủ công nghiệp truyền thống.
- Phân công lại lao động thông qua đổi mới cơ cấu sản xuất nông nghiệp, cơ cấu trồng trọt, chăn nuôi. Phát triển và mở rộng các hoạt động ngành nghề, sản xuất tiểu thủ công nghiệp truyền thống và các hoạt động dịch vụ nông thôn phù hợp với yêu cầu của sản xuất và đời sống.
- Lấy kinh tế hộ gia đình và doanh nghiệp tư nhân làm nòng cốt trong việc tổ chức và phân công lại lao động. Đây là các thành phần kinh tế linh hoạt nhất, có khả năng thu hút lao động tham gia vào các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ _ rất thích hợp cho những lao động mới chuyển từ khu vực nông nghiệp sang khu vực phi nông nghiệp.
- Vận dụng việc di chuyển lao động giữa các vùng, các tiểu vùng dưới các hình thức và quy mô thích hợp. Việc di chuyển lao động giữa các vùng, tiểu vùng sẽ kích thích tạo ra cơ cấu lao động mới cho vùng, giải quyết được mâu thuẫn giữa việc thừa và thiếu lao động ở các vùng khác nhau.
- Mở rộng hợp tác quốc tế về lao động, đẩy mạnh xuất khẩu lao động nông thôn, hòa nhập lao động Việt Nam vào thị trường lao động quốc tế. Phương hướng này đã được triển khai mạnh mẽ trong thời gian qua và thể hiện được tính ưu việt của nó, với việc tạo ra việc làm cho lao động nông thôn nhàn rỗi, góp phần thay đổi cơ cấu ngành nghề tại nông thôn.