Các yếu tố tác động đến quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động

Một phần của tài liệu Chuyển dịch cơ cấu lao động vùng Đồng bằng Sông Hồng giai đoạn 2011 – 2015 (Trang 56 - 58)

Yếu tố then chốt tác động đến quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động trong thời gian tới chính là phương hướng, mục tiêu phát triển sản xuất vùng ĐBSH từ nay đến 2015 của Đảng và Nhà nước ta. Đây chính là định hướng quan trọng, là kim chỉ nam cho mọi biện pháp dịch chuyển cơ cấu lao động trong thời gian này.

Thêm vào đó, các khả năng đầu tư, chuyển giao công nghệ, khả năng huy động vốn của nước ngoài, của nhà nước, của các cơ sở sản xuất kinh doanh, của cá nhân cho vùng ĐBSH từ nay đến 2015 sẽ tác động trực tiếp đến sự phát triển ngành nghề ở vùng, từ đó mà quyết định số lượng và chủng loại việc làm mới.

Khoa học công nghệ trong tương lai sẽ là động lực quan trọng tạo nên năng suất, chất lượng và giá thành sản phẩm mới, trực tiếp thay đổi cơ cấu và tổ chức sản xuất. Đây là cơ hội mà Việt Nam cần phải nắm bắt để có thể đi tắt đón đầu.

Quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa và đô thị hóa đang diễn ra tràn lan, song không đi kèm với việc chuyển dịch ngành nghề. Hiện tượng di dân từ nông thôn ra thành thị và các khu kinh tế tập trung vẫn là xu hướng chính, lực lượng này lại là lực lượng lao động chính, có tay nghề và trình độ chuyên môn, dẫn đến việc thiếu lao động có tay nghề ở nông thôn và hiện tượng người già, trẻ em ở nhiều làng quê trở nên phổ biến hơn.

Trong thời gian tới, quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa của ta sẽ tiếp tục với tốc độ nhanh hơn, tạo ra nhiều việc làm hơn, mở rộng thị trường, cung cấp nhiều hàng hóa và dịch vụ hơn. Tuy nhiên, quá trình này cũng lấy đi ngày càng nhiều các tài nguyên như đất đai, nguồn nước, lao động,.. gây ra nguy cơ ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, xáo trộn và mâu thuẫn xã hội.

Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra với tốc độ chóng mặt, một mặt mở ra những thị trường to lớn cho nông sản và dịch vụ Việt Nam, mở ra cơ hội thu hút đầu tư, tiếp thu công nghệ và kỹ năng quản lý. Mặt khác, điều đó cũng đặt những người sản xuất, kinh doanh Việt Nam trước sự cạnh tranh gay gắt với hàng hóa, dịch vụ quốc tế có chất lượng cao hơn và khả năng cạnh tranh mạnh hơn.

Tất cả các yếu tố trên sẽ có tác động tích cực hoặc tiêu cực đến quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động vùng ĐBSH trong thời gian tới. Do đó cần phải quan tâm đến chúng khi đề ra các giải pháp để đẩy nhanh dịch chuyển cơ cấu lao động của vùng thời gian này.

Một phần của tài liệu Chuyển dịch cơ cấu lao động vùng Đồng bằng Sông Hồng giai đoạn 2011 – 2015 (Trang 56 - 58)