Có một sự phát triển lâu đời, vùng ĐBSH từ lâu đã hình thành hệ thống điểm trung tâm (đô thị) và kèm theo đó là nhiều cơ sở kinh tế, các doanh nghiệp có tiềm lực khá, tạo điều kiện thuận lợi cho xã hội có bước phát triển tốt. Với tam giác phát triển Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, trong đó Hà Nội và Hải Phòng là 2 thành phố lớn của cả nước, vùng ĐBSH đã thu hút được nhiều tập đoàn lớn trong nước và quốc tế đầu tư vốn, công nghệ như Canon, LG, Intel, … Nhờ đó mà vùng đã thu hút được lực lượng lao động đông đảo trên toàn quốc.
Mạng lưới liên kết vùng nông thôn ĐBSH được phát triển mạnh dọc theo các con sông và hệ thống đường quốc lộ và liên tỉnh. Tỷ lệ phần trăm đường được rải nhựa trong vùng ĐBSH đạt 83,5%, cao nhất và gần gấp đôi tỷ lệ này của cả nước.
Hệ thống giao thông được phát triển tương đối thuận lợi khi thời gian vận chuyển giảm nhiều so với trước. Các trục huyết mạch đã hoàn thành việc nâng cấp hoặc đang được cải tạo, cũng như nhiều tuyến đường mới đang được tiến hành xây dựng.
Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng trong vùng cũng còn nhiều bất cập. Các công trình thủy lợi đều đã xuống cấp, gặp nhiều khó khăn cho việc thoát nước, tưới nước. Hệ thống giao thông đô thị còn lạc hậu và bị quá tải bởi dân số quá đông. Việc cấp thoát nước trong đô thị cũng là một vấn đề nan giải, điều này được thể hiện qua “trận lũ lịch sử” của Hà Nội năm 2008.
ĐBSH là vùng tập trung nhiều ngành công nghiệp của đất nước và có cơ cấu công nghiệp tương đối phát triển so với các vùng khác. Vùng ĐBSH hiện có 32 khu công nghiệp trên tổng số 145 khu đã thành lập và đi vào hoạt động của cả nước. Mô hình kinh doanh các loại hình dịch vụ ngày càng được nâng cao với các trung tâm phát triển dịch vụ lớn nhất của cả nước như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh…