* Nâng cao hiệu quả tạo nguồn cán bộ người DTTS một cách cơ bản, lâu dài. Một trong những vấn đề mang tính nền tảng của đào tạo nguồn nhân lực ở vùng đồng bào DTTS tỉnh Hòa Bình là công tác giáo dục, nâng cao dân trí, góp phần tạo sự bình đẳng về cơ hội phát triển cho ĐNCB người DTTS.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương hai (khóa VIII) và kế hoạch 102 của Tỉnh ủy về chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo, Hòa Bình đã quy hoạch mạng lưới trường lớp, đa dạng hóa các loại hình đào tạo. Để tạo ra thế cân đối giữa các ngành học, tỉnh đã chú trọng phát triển giáo dục mầm non, đồng thời phát triển giáo dục phổ thông trên cơ sở bám sát thực tế từng vùng, từng địa bàn. Trường DTNT đã thực sự trở thành một giải pháp mang tính chiến lược của ngành giáo dục - đào tạo Hòa Bình (1 Trường trung học DTNT tỉnh, 6 Trường trung học cơ sở DTNT huyện, 2 Trường DTNT liên xã), là nơi tạo nguồn cán bộ người DTTS tại địa phương. Riêng Trường trung học DTNT tỉnh (tiền thân là Trường thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa Hòa Bình) đã góp phần đào tạo cho tỉnh hàng trăm cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp từ Trung ương đến địa phương; hàng nghìn người lao động có trình độ văn hóa, khoa học cho tỉnh là người DTTS.
Thực hiện nhiệm vụ giáo dục - đào tạo thanh niên các DTTS trở thành những người có đủ trình độ năng lực, phẩm chất để phục vụ cho công cuộc đổi mới, phát triển văn hóa - xã hội ở địa phương, do đó đối tượng tuyển sinh hàng năm của Trường DTNT tỉnh được thực hiện từ hai nguồn: cử tuyển và thi tuyển. Đối tượng cử tuyển là học sinh các dân tộc thuộc vùng sâu, vùng cao, vùng có nhiều khó khăn được chăm lo về mọi mặt, có thời gian và được thiết kế chương trình thích hợp. Song song với các lớp cử tuyển, trường mở lớp chuyên thông qua thi tuyển chọn học sinh DTTS có hạnh kiểm tốt, học lực khá vào học. Các em được học thêm 30% quỹ thời gian so với chính khóa, được bồi dưỡng thành học sinh giỏi, được luyện thi vào đại học. "Số học sinh lớp chuyên của trường trúng tuyển các kỳ thi vào đại học khá cao, có năm đạt 85%" [8, tr.157]. Hơn nữa, qua 14 lần tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, đoàn học sinh tỉnh Hòa Bình đã đạt 766 giải (với 37 giải nhất, 169 giải nhì, 560 giải ba và giải khuyến khích), trong đó có 92 học sinh người DTTS đoạt giải. Hòa Bình liên tục nhiều năm đứng đầu bảng B gồm 40 tỉnh miền núi, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời đứng đầu số học sinh DTTS đoạt giải.
Như vậy, trong thời gian tới để tiếp tục nâng cao hiệu quả tạo nguồn cán bộ người DTTS, cần tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:
Phải hết sức coi trọng tạo nguồn từ con em các DTTS đang sinh sống trên địa bàn tỉnh. Thực hiện nghiêm túc quy chế tuyển sinh, tuyển đúng đối tượng, đúng quy mô đối với từng loại trường DTNT cấp tỉnh, huyện, xã. Xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh cho từng địa bàn trong tỉnh phù hợp với quy hoạch cán bộ người DTTS ở địa phương; đồng thời, các địa phương trong tỉnh cũng phải xây dựng quy hoạch cán bộ người DTTS thật cụ thể để Trường phổ thông DTNT có định hướng phân luồng cho phù hợp.
Trong quá trình đào tạo tại các Trường DTNT, cần phải tiếp tục phân luồng: Đối với học sinh xuất sắc cần bồi dưỡng để có đủ năng lực thi thẳng vào các trường đại học hoặc chuyển sang dự bị đại học - tiếp tục bồi dưỡng kiến thức phổ thông đảm bảo mặt bằng trình độ chung, phục vụ cho yêu cầu thi đỗ vào các trường đại học. Đối với học sinh người DTTS có năng lực và tư duy khá, định hướng cho các em thi vào các trường cao đẳng; đối với những em có năng lực và tư duy trung bình cần định hướng thi vào các trường chuyên nghiệp hoặc trường nghề.
Đối với các em học sinh DTTS sau khi đã tốt nghiệp trung học phổ thông, không có điều kiện hoặc khả năng thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp, các huyện, tỉnh lập kế hoạch bố trí, sử dụng vào các công việc thích hợp ở cơ sở, qua quá trình công tác thấy có triển vọng phải chú ý phát triển vào Đảng, tiếp tục cử đi đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý nhà nước để sử dụng lâu dài tại địa phương. Đối với số học sinh, sinh viên người DTTS đã tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học thì Ban Tổ chức cấp ủy, chính quyền các cấp phải chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh, phòng ban cấp huyện, các đơn vị kinh tế đóng trên địa bàn phải tạo điều kiện thuận lợi, nhanh chóng bố trí việc làm, tạo nguồn cán bộ người DTTS lâu dài, ổn định cho địa phương, đơn vị.
Trong hình thức tạo nguồn cơ bản, lâu dài đối với cán bộ người DTTS, ngoài việc tuyển học sinh vào các Trường DTNT ra, còn thực hiện chế độ cử tuyển học sinh người DTTS vào các Trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp theo chỉ tiêu Bộ Giáo dục - Đào tạo giao. Kết quả từ năm 1997 - 2002 đã cử tuyển được 145 em đạt 100% kế hoạch giao (trong đó: "dân tộc Mường 118 em, dân tộc Thái 10 em, dân tộc Tày 8 em, dân tộc Dao 3 em, dân tộc H'mông 2 em, dân tộc Kinh 4 em)" [10]. Năm
2004, cử tuyển 28 em (trong đó: "Dân tộc Mường 18 em, dân tộc Tày 3 em, dân tộc Kinh 3 em, dân tộc Dao 2 em, dân tộc Thái 1 em, dân tộc H'mông 1em)" [2].
Như vậy, việc thực hiện cử tuyển học sinh DTTS vào các Trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trong những năm qua của tỉnh đúng đối tượng, đã chú ý đến cơ cấu dân tộc, vùng, miền, các đối tượng là con thương binh, liệt sĩ.
Tuy nhiên, có một điều bất cập xảy ra: khi xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu cử tuyển chưa xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, từ quy hoạch tổng thể chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Do đó, một số ngành nghề mà địa phương rất cần được cử tuyển như: giao thông, thủy lợi, lâm nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, nghề y, sư phạm... lại không được giao chỉ tiêu, hoặc có được giao nhưng ít; một số ngành nghề chưa có nhu cầu (đối với vùng III - kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) như kiến trúc, tin học... lại được giao chỉ tiêu.
Trong bài trả lời, giải trình những vấn đề cử tri quan tâm tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Hòa Bình khóa XIV, bà Nguyễn Thị Lợi - Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo nêu:
Chỉ tiêu cử tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp do Bộ Giáo dục - Đào tạo phân bổ cho tỉnh, hàng năm có khoảng trên dưới 30 chỉ tiêu. Chỉ tiêu trên có những năm không hợp lý về cơ cấu ngành nghề.
... Thực tế là phần lớn các ngành đào tạo ở trình độ cao đẳng, đại học hiện nay không phục vụ cho cấp xã trừ ngành y tế và sư phạm [6].
Như vậy, điều đó có thể lý giải một phần: vì sao con em đồng bào DTTS sau khi đào tạo ra trường lại không trở về theo "tiếng gọi của quê hương", bởi nơi đó - khi họ đã có "học" nhưng lại không có điều kiện, môi trường để "hành".
Tình hình trên cho thấy, mặc dù Đảng, Nhà nước đã có sự quan tâm và đầu tư lớn trong cử tuyển, nhưng mục tiêu đạt được chưa như mong muốn, thực trạng đó mới chỉ xét trên phạm vi một tỉnh, nếu xét rộng trên phạm vi cả nước, thì quả là vô cùng lãng phí.
Để khắc phục hạn chế trên, trong thời gian tới phải tăng cường chỉ đạo, quản lý và xây dựng kế hoạch, quy hoạch đào tạo ĐNCB người DTTS nói chung, cán bộ người DTTS ở vùng đặc biệt khó khăn nói riêng; đồng thời, phải quan tâm xây dựng quy hoạch cụ thể cho từng dân tộc. Quá trình triển khai thực hiện phải đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ và hướng tới bình đẳng giữa các dân tộc.
Xây dựng mục tiêu, kế hoạch cụ thể trong cử tuyển đảm bảo các dân tộc đều có trí thức của dân tộc mình, có cán bộ của dân tộc mình; có kế hoạch chủ động tiếp nhận và sử dụng sau khi họ tốt nghiệp ra trường một cách hợp lý.
Cần có cơ chế phối hợp giữa Trung ương và địa phương trong việc phân bổ chỉ tiêu cử tuyển và cơ cấu ngành nghề sao cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội vùng đặc biệt khó khăn; đồng thời, tạo cơ hội để con em các dân tộc vùng sâu, vùng xa tiếp tục tham gia học tập ở các cấp học, ngành học.
Cử tuyển là chủ trương đúng của Đảng, Nhà nước ta, làm tốt công tác cử tuyển (cử tuyển học sinh vào các Trường DTNT; cử tuyển học sinh, sinh viên vào các Trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học) là cơ sở quan trọng cho việc nâng cao hiệu quả tạo nguồn cán bộ người DTTS một cách cơ bản, lâu dài.
* Làm tốt công tác quy hoạch cán bộ người DTTS từ cơ sở đến huyện và tỉnh đảm bảo cơ cấu, số lượng, chất lượng theo ngành, vùng.
Quy hoạch cán bộ có ý nghĩa và vai trò quan trọng đặc biệt, thể hiện tính chiến lược của công tác cán bộ, bao gồm toàn bộ hoạt động nhằm chủ động chọn cử, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, luân chuyển cán bộ... một cách hiệu quả.
Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý của các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể cần quán triệt tốt và nhận thức đúng đắn nghị quyết của Đảng về công tác quy hoạch cán bộ nói chung, cán bộ người DTTS của các cấp, các ngành nói riêng.
Quy hoạch cán bộ người DTTS đảm bảo cơ cấu, số lượng, chất lượng là một công việc vô cùng khó khăn, phức tạp nhưng rất cần thiết. Bởi nó mang tính tự giác, tính tổ chức cao, tính khoa học của quá trình hình thành ĐNCB này ở các cấp từ cơ sở, đến huyện và tỉnh. Do vậy, xây dựng quy hoạch cán bộ người DTTS phải dựa trên cơ sở
khoa học, bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị của giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo sao cho phù hợp với từng ngành, vùng, gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh - quốc phòng.
Dự báo chiều hướng phát triển của tỉnh trong những năm 2010-2020, đón trước thời cơ và thách thức để chuẩn bị một ĐNCB người DTTS có chất lượng cao, cơ cấu hợp lý và số lượng đảm bảo. Một trong những nội dung quan trọng là phải xác định đúng đối tượng quy hoạch; phải thể hiện được quy luật phát triển và đào thải; phát triển tuần tự có kế hoạch và phát triển "đột biến". Những đối tượng đưa vào quy hoạch, nhưng sau một thời gian nhất định mà không có triển vọng cần đưa ra khỏi quy hoạch; ngược lại, có những đối tượng không đưa vào quy hoạch, nhưng trong một thời gian ngắn, "đột biến" trở thành đối tượng có nhiều triển vọng phát triển cần được bổ sung vào quy hoạch.
Vậy, việc xác định đúng đối tượng đưa vào quy hoạch là một trong những giải pháp hết sức cần thiết nhưng không nên cứng nhắc; phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá và bổ sung cán bộ vào quy hoạch. Quy hoạch phải đảm bảo tính liên tục, kế thừa, có hiệu lực pháp lý và có tính khả thi. Từng cấp, từng ngành, từng địa phương, đơn vị căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mình, căn cứ vào thực trạng ĐNCB người DTTS, cán bộ nữ của tổ chức mình hiện có, căn cứ vào mục tiêu chung về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh... mà chủ động chuẩn bị nguồn cán bộ đưa vào quy hoạch.
Các cấp, các ngành cần rà soát, quy hoạch cán bộ nguồn cho các chức danh, quy hoạch cán bộ khoa học - kỹ thuật, quy hoạch cán bộ chuyên môn nghiệp vụ... Lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng và luân chuyển cán bộ trong diện quy hoạch. Trong công tác quy hoạch, phải đặc biệt chú trọng tới ĐNCB người DTTS và cán bộ nữ.
Để làm tốt công tác quy hoạch, cần phải khắc phục tình trạng khoán trắng việc thực hiện công tác cán bộ nói chung và công tác quy hoạch cán bộ nói riêng cho bộ phận làm công tác tổ chức cán bộ, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy và các cơ quan có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ; định kỳ hàng năm kiểm điểm công tác quy hoạch, thực hiện chế độ báo cáo và kiểm tra.
Tập trung xây dựng ĐNCB người DTTS, nhất là cấp cơ sở, trong quy hoạch ĐNCB này phải đặc biệt chú ý vai trò cấp trưởng: lựa chọn người có khả năng công tác
và độc lập, linh hoạt, quyết đoán, dám làm và dám chịu trách nhiệm, không thụ động ngồi chờ ý kiến chỉ đạo của cấp trên, hoặc chờ hội ý của tập thể đối với công việc thuộc phạm vi quyền hạn của mình có thể giải quyết, nghĩa là có năng lực ra quyết định và xử lý tình huống. Điều này vô cùng cần thiết đối với việc lựa chọn cán bộ đưa vào quy hoạch và sử dụng cán bộ theo quy hoạch. Vì xuất phát từ điều kiện miền núi, địa bàn rộng, giao thông hiểm trở, liên lạc khó khăn, nên không phải lúc nào cũng có đủ mặt "ban, bệ" để bàn bạc và quyết định được.
* Đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng
ĐNCB người DTTS.
Ngoài các Trường đào tạo ở Trung ương ra, hàng năm tỷ lệ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người DTTS tại tỉnh có số lượng tương đối lớn (như đã nêu ở phần thực trạng). Để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng ĐNCB người DTTS đòi hỏi phải đổi mới nội dung, phương thức sao cho phù hợp và thiết thực với đối tượng, yêu cầu nhiệm vụ. Khắc phục tình trạng kéo dài hiện nay: có những cái họ đang cần thì không được dạy, cái được dạy thì không sử dụng được hoặc có chăng chưa thật cần thiết dẫn tới sự nhàm chán, thoát ly thực tế, trong khi cán bộ người DTTS (nhất là cơ sở) còn thiếu và yếu, công việc bộn bề, thu xếp để đi học rất khó khăn.
Do vậy, đổi mới nội dung sao cho đảm bảo một tỷ lệ thích hợp giữa tri thức nền tảng lý luận với tri thức chuyên môn và thực hành. Bởi cán bộ địa phương hàng ngày, hàng giờ luôn luôn phải đối mặt với thực tiễn vừa sinh động, vừa vô vàn phức tạp. Nên, ngoài việc trang bị những kiến thức cơ bản chung, cần trang bị và tăng cường luyện tập thực hành kỹ năng tác nghiệp để có thể chủ động, tự tin, giải quyết tốt các vấn đề do thực tiễn đặt ra như: biết tiếp dân và thuyết phục được dân; biết xử lý các tình huống tranh chấp dân sự; hiểu biết các phong tục, tập quán, ngôn ngữ của các dân tộc anh em trên địa bàn mình phụ trách; biết làm công tác khuyến nông, khuyến lâm; có khả năng giám sát được các chương trình, dự án phát triển tại địa phương; biết làm công tác giữ vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh... Đối với các xã thuộc vùng sâu, vùng xa cần tăng cường bồi dưỡng năng lực và nghiệp vụ công tác cho các đại biểu HĐND; giúp cho cán bộ Đảng, chính quyền, đoàn thể người DTTS triển khai việc thực hiện quy chế
dân chủ ở cơ sở, giải quyết tốt những tồn đọng khiếu kiện của dân; giúp đồng bào các dân tộc sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Đó là những nội dung thiết thực mà ĐNCB người DTTS rất cần được trang bị.