cơ cấu và tiêu chuẩn
Mỗi dân tộc, mỗi giai cấp, mỗi thời đại khác nhau đều có quan niệm riêng về tiêu chuẩn để lựa chọn người giữ chức vụ trong bộ máy quyền lực chính trị và cũng có nhiều cách khác nhau để đánh giá, lựa chọn, dùng người. Song, dù ở xã hội nào, thời đại nào thì ý tưởng mà nhân loại tiến bộ vươn tới trong cuộc sống cũng như trong xây dựng mẫu người cán bộ tiêu biểu để phục vụ cho sự nghiệp của mình được thể hiện trên hai mặt "đức" và "tài". Dân tộc Việt Nam luôn đề cao các giá trị đạo đức, song cũng rất coi trọng giá trị tài năng.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương ba (khóa VIII) đã xác định rõ những tiêu chuẩn chung đối với ĐNCB và những tiêu chuẩn riêng cho cán bộ Đảng, chính quyền, đoàn thể... Tiêu chuẩn cán bộ vừa là thước đo để lựa chọn cán bộ; đồng thời, cũng là mục tiêu để người cán bộ căn cứ vào đó phấn đấu, rèn luyện.
Trên cơ sở nắm vững những tiêu chuẩn chung và những tiêu chuẩn riêng đối với cán bộ trong từng tổ chức của HTCT, cần phải vận dụng một cách linh hoạt vào từng địa bàn cụ thể, từng dân tộc cụ thể để xây dựng những tiêu chuẩn có tính đặc thù phù hợp với đặc điểm và điều kiện địa phương và dân tộc.
Thứ nhất: Cán bộ người DTTS phải toàn tâm, toàn ý gắn bó với sự nghiệp cách mạng của cộng đồng các dân tộc miền núi. Bởi cán bộ nơi đây phải chịu sự hy sinh, thiệt thòi nhiều mặt so với cán bộ công tác vùng đồng bằng. Đó là sự khắc nghiệt của thiên nhiên, điều kiện đi lại khó khăn; hoàn cảnh kinh tế nghèo nàn; thiếu hụt về thông tin, về đời sống văn hóa, về giao lưu, về điều kiện chăm sóc sức khỏe... Nếu không có tình cảm gắn bó máu thịt với sự phát triển đi lên của cộng đồng các dân tộc thì người cán bộ không thể dành hết tâm lực, trí tuệ cho công tác.
Thứ hai: ĐNCB người DTTS trên thực tế chưa quen tổ chức sản xuất kinh doanh, ít kinh nghiệm trong quản lý kinh tế; trong cơ chế kinh tế thị trường sôi động vừa hợp tác, vừa cạnh tranh, chưa quen quản lý bằng pháp luật; trình độ học vấn, đặc biệt là trình độ khoa học kỹ thuật còn thấp. Do đó, phải học tập, rèn luyện từng bước nâng cao về học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý nhà nước...
Cán bộ người DTTS không phải chỉ thông thạo tiếng nói của dân tộc mình, mà còn phải thông thạo và tôn trọng tiếng nói, phong tục tập quán, tâm lý truyền thống của các dân tộc trên địa bàn mình công tác, phải có khả năng "biết nghe dân nói" và "biết nói cho dân nghe".
Ngoài ra, người cán bộ dân tộc phải am hiểu về chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta để nắm bắt và giải quyết kịp thời những vấn đề chính trị nhạy cảm, nảy sinh không chỉ trước mắt mà cả lâu dài.
Thứ ba: Vùng sâu, vùng xa trình độ dân trí của đồng bào DTTS thấp, lối tư duy trực quan là phổ biến nên người cán bộ dân tộc phải nêu cao tính gương mẫu trong cuộc sống, trong lao động, biết làm giàu chính đáng cho gia đình, lấy việc làm của bản thân để hướng dẫn đồng bào làm ăn, phát triển kinh tế vườn, rừng... Làm tấm gương để cảm hóa đồng bào DTTS.
Quan niệm về tiêu chuẩn cán bộ không thể tách rời nhiệm vụ chính trị cụ thể và phong trào quần chúng từng nơi. Cán bộ nảy sinh từ quần chúng, từ phong trào. Sự trưởng thành của cán bộ không thể thoát ly sự trưởng thành của mỗi dân tộc, của phong trào quần chúng ở địa phương. Dân tộc nào cũng cần có cán bộ của dân tộc đó, vì vậy không thể so sánh một cách máy móc cán bộ người dân tộc này với cán bộ người dân tộc khác. Điều quan trọng là phải lựa chọn được những người ưu tú, có phẩm chất, có năng lực trong quần chúng từng dân tộc và kiên nhẫn sử dụng, bồi dưỡng. Cần giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa tiêu chuẩn và cơ cấu thành phần dân tộc, tùy theo từng loại tổ chức khác nhau mà có cơ cấu thích hợp [17, tr.160].
Như vậy, cùng với việc xác định những tiêu chuẩn của người cán bộ DTTS phải tạo được cơ cấu hợp lý, khoa học là điều kiện cần thiết để lãnh đạo, quản lý toàn diện, bao quát mọi lĩnh vực; đồng thời phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn ĐNCB.
Cơ cấu và tiêu chuẩn có mối liên hệ gắn bó mật thiết với nhau, đòi hỏi và ràng buộc lẫn nhau, nên phải được coi trọng như nhau. Phát triển ĐNCB người DTTS phải đảm bảo sự thống nhất giữa cơ cấu và tiêu chuẩn. Sự "châm chước" chỉ là hướng tạm thời, trước mắt; về cơ bản, cơ cấu nào cũng phải căn cứ vào tiêu chuẩn, đảm bảo đúng yêu cầu của tiêu chuẩn; nếu nhấn mạnh cơ cấu sẽ dẫn tới hạ thấp chất lượng ĐNCB người DTTS.
Thực hiện thống nhất giữa cơ cấu và tiêu chuẩn vừa đảm bảo được sự bình đẳng dân tộc, bình đẳng giới, vừa đảm bảo được tính kế thừa giữa các thế hệ và đáp ứng được nhu cầu thực tế của sự phát triển.