Tăng cường sự lãnh đạo, giúp đỡ của tổ chức đảng cấp trên

Một phần của tài liệu XÂY DỰNG, CỦNG CỐ TỔ CHỨC CƠ SỞ ĐẢNG TRONG CÁC DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC ĐÃ CỔ PHẦN HOÁ Ở TỈNH QUẢNG BÌNH TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY (Trang 99 - 104)

Các TCCSĐ trong doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hoá hoạt động trong mối liên hệ thường xuyên với quần chúng và thực tiễn, phải chủ động giải quyết những vấn đề được đặ ra hàng ngày, hàng giờ trong sản xuất- kinh doanh và đời sống của quần chúng, nên thường là nơi sáng tạo những kinh nghiệm quý báu. Song tính chủ động và sáng tạo ấy cũng chỉ có thể được phát huy trên cơ sở quán triệt đường lối, chính sách của Đảng và được sự chỉ đạo chặt chẽ, sự giúp đỡ của cấp ủy cấp trên.

Tăng cường sự lãnh đạo, giúp đỡ của cấp trên cần quán triệt quan điểm: "Tất cả hướng về cơ sở, phục vụ cho cơ sở", khắc phục bệnh quan liêu hành chính.

Tăng cường vai trò trách nhiệm của cấp uỷ cấp trên, trực tiếp là Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh, đối với việc xây dựng và chỉnh đốn tổ chức cơ sở đảng, tập trung chỉ đạo củng cố tổ chức và cán bộ ở những đơn vị trọng điểm, khắc phục tình trạng cơ sở yếu kém. Cần tổ chức sự lãnh đạo đảm bảo sâu sát cơ sở, tạo sự phối kết hợp của các cấp, ban ngành, đoàn thể để kiểm tra đôn đốc, hướng dẫn, uốn nắn, rút kinh nghiệm kịp thời hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hoá. Khắc phục tình trạng nghe báo cáo một chiều mà không có kiểm tra thực tế.

Tuy nhiên, cũng hết sức tránh khuynh hướng làm thay, dẫn tới sự ỷ lại của doanh nghiệp trong việc giải quyết các vấn đề của cơ sở. Các cấp uỷ cấp trên phải phát huy tinh thần chủ động và sáng tạo của tổ chức cơ sở đảng, đồng thời phát huy vai trò trách nhiệm của các ban tham mưu, tổ chuyên môn giúp việc để nắm bắt và xử lý kịp thời, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp.

Quan tâm lãnh đạo khắc phục tình trạng phân biệt đối xử của các ngành, các cấp đối với những doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hoá với những doanh nghiệp nhà nước chưa cổ phần hoá còn do các cơ quan chủ quản tỉnh, Thành phố (hoặc sở, ngành) theo kiểu con nuôi, con đẻ; cần khẩn trương xoá bỏ cơ chế chủ quản đó.

Tổ chức cơ sở trong doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hoá cần tập trung thống nhất về một đầu mối quản lý là Đảng bộ khối Doanh nghiệp tỉnh. Hiện nay ở Đảng bộ khối doanh nghiệp Quảng Bình đã quản lý được 26/30 TCCSĐ của các doanh nghiệp đã cổ phần hoá, 4 doanh nghiệp còn lại đang sinh hoạt ở các đảng bộ khác.

Cấp uỷ đảng cấp trên đang trực tiếp quản lý các tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hoá phải coi trọng việc nghiên cứu tổng kết và phát huy những kinh nghiệm sáng tạo của cơ sở về xây dựng nội bộ và lãnh đạo giải quyết những khó khăn trong công tác quản lý kinh tế, tổ chức sản xuất - kinh doanh, nâng cao đời sống của người lao động. Cần tổ chức tốt việc đánh giá chất lượng các tổ chức cơ sở đảng hàng năm, trên cơ sở đó kịp thời biểu dương những tổ chức đảng có thành tích và giúp đỡ những cơ sở đảng còn yếu kém, có khó khăn.

KẾT LUẬN

Quá trình đổi mới đất nước đã đạt được những thành tựu quan trọng, trong đó đã thực hiện được một bước cơ bản việc chuyển đổi và sắp xếp doanh nghiệp, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước.

Để thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới của Đảng, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, chúng ta còn phải đương đầu với những khó khăn, thách thức trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Công tác xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng trong các doanh nghiệp đã cổ phần hoá càng được đặt ra hết sức quan trọng và rất cần thiết, nhằm nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng. Muốn vậy, tổ chức cơ sở đảng cần tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao tầm trí tuệ, thực hiện các giải pháp quan trọng để đem lại hiệu quả cao.

Xây dựng, củng cố TCCSĐ tại các doanh nghiệp đã cổ phần hoá ở tỉnh Quảng Bình là một việc làm mới mẻ, mang tính đặc thù riêng đòi hỏi phải đầu tư, suy nghĩ, sáng tạo trong công tác lãnh đạo cùng với tiến trình đổi mới đất nước nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế, xã hội và công tác xây dựng Đảng mà nghị quyết đại hội lần thứ XIV tỉnh đảng bộ đã đề ra. Tuy nhiên, để đạt được những kết quả quan trọng trong công tác xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp đã cổ phần hoá ở Quảng Bình trong giai đoạn hiện nay cần phải thực hiện các giải pháp chủ yếu sau: Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, pháp luật, nâng cao nhận thức về cổ phần hoá và vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hoá; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng trong các doanh nghiệp nhà nước sau khi thực hiện cổ phần hoá; kiện toàn, nâng cao chất lượng cấp uỷ; tạo điều kiện bố trí cấp uỷ viên tham gia hội đồng quản trị, ban giám đốc, ban kiểm soát doanh nghiệp; phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của đội ngũ đảng viên, đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp đã cổ phần hoá; đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt của tổ chức cơ sở đảng, nhất là sinh hoạt chi bộ. Đẩy

mạnh công tác kiểm tra, kỷ luật đảng; xây dựng Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ... trong doanh nghiệp vững mạnh, tích cực tham gia thực hiện tốt quy chế dân chủ, công khai minh bạch, bảo vệ quyền lợi người lao động, phát huy vai trò quần chúng xây dựng Đảng; tăng cường sự lãnh đạo, giúp đỡ của tổ chức đảng cấp trên.

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, Đảng uỷ khối doanh nghiệp tỉnh, các đảng bộ, chi bộ cơ sở trong các doanh nghiệp đã cổ phần hoá sẽ tích cực tổ chức thực hiện các giải pháp trên, đẩy mạnh công tác xây dựng và củng cố đảng bộ, chi bộ trong sạch vững mạnh, góp phần nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Đề tài còn nhiều vấn đề mới mẻ và nhạy cảm mà bản thân tuy đã có nhiều cố gắng nghiên cứu, nhưng chưa thể đánh giá hết được, mong nhận được sự đóng góp, giúp đỡ của Hội đồng khoa học./.

Một phần của tài liệu XÂY DỰNG, CỦNG CỐ TỔ CHỨC CƠ SỞ ĐẢNG TRONG CÁC DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC ĐÃ CỔ PHẦN HOÁ Ở TỈNH QUẢNG BÌNH TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY (Trang 99 - 104)