Đặc điểm của tổ chức cơ sở đảng trong doanhnghiệp nhà nước đã cổ phần hoá ở Quảng Bình

Một phần của tài liệu XÂY DỰNG, CỦNG CỐ TỔ CHỨC CƠ SỞ ĐẢNG TRONG CÁC DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC ĐÃ CỔ PHẦN HOÁ Ở TỈNH QUẢNG BÌNH TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY (Trang 30 - 35)

Do những đặc điểm của doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hoá ở Quảng Bình nên tổ chức cơ sở đảng ở đây có những đặc điểm cần quan tâm sau:

- Tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hoá ở Quảng Bình đều đã có từ trước khi doanh nghiệp thực hiện cổ phần hoá. Khác với phần lớn tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp

liên doanh phải xây dựng từ đầu sau khi doanh nghiệp hình thành, tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hoá ở Quảng Bình đều đã được thành lập và hoạt động khá lâu trong doanh nghiệp trước khi cổ phần hoá.

Đặc điểm này vừa có mặt thuận lợi vừa nảy sinh không ít khó khăn. Thuận lợi là đảng viên và tổ chức đảng ở đây đã có những nền nếp và kinh nghiệm tổ chức, hoạt động. Sự tồn tại và hoạt động của tổ chức đảng đã trở thành bình thường trong doanh nghiệp. Nhiệm vụ chủ yếu của việc xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng sau khi cổ phần hoá là tiếp tục củng cố, phát triển tổ chức đảng đã có, không phải lo đầu tư cho việc xây dựng cơ sở chính trị từ đầu.

Tuy nhiên, khó khăn thương gặp phải là việc khắc phục những thói quen không còn phù hợp, là việc chuyển đổi nhận thức, tư duy của cấp uỷ, cán bộ, đảng viên, phương thức hoạt động của tổ chức đảng cho phù hợp với điều kiện mới.

- Đa số thành viên bộ máy lãnh đạo (Hội đồng quản trị, Ban giám đốc mới) trong doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hoá ở Quảng Bình là những người tham gia trong tổ chức cơ sở đảng, nắm giữ các chức vụ bí thư, phó bí thư hoặc cấp uỷ viên. Trong 30 doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hoá, đội ngũ cấp uỷ viên hiện có 121 người, thì có 87 người trước đây đã là cấp uỷ viên trong doanh nghiệp nhà nước được bầu lại (chiếm 72%); trong 145 thành viên HĐQT thì có 97 là cấp uỷ viên (chiếm 67%). Có 22/30 doanh nghiệp mà bí thư đảng uỷ là chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc công ty (chiếm73,3%); 100% thành viên HĐQT, BGĐ là đảng viên [Phụ lục 2]. Đây là thuận lợi lớn nhất hiện nay của các tổ chức cơ sở đảng, nhưng về lâu dài, do tính đa sở hữu và sự biến động của cơ cấu sở hữu sẽ làm cho bộ máy cán bộ dễ biến dạng, thành viên hội đồng quản trị, bộ máy quản lý doanh nghiệp có thể sẽ không còn là đảng viên. Bởi vậy, ngay từ bây giờ phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và tạo điều kiện kinh tế để họ có đủ sức mạnh và tiêu chuẩn tham gia vào ban lãnh đạo doanh nghiệp. Đây là vấn đề công tác tổ chức, cán bộ trong các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá cần đặt ra cho dự tính lâu dài.

- Chức năng, nhiệm vụ của tổ chứccơ sởđảng có phần thu hẹp.

Chức năng, nhiệm vụ của tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp đã cổ phần hoá có sự thu hẹp so với tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp nhà nước.

Đối với các tổ chức cơ sở đảng trong công ty cổ phần có vốn Nhà nước, tuy vẫn có chức năng, nhiệm vụ “tham gia xây dựng và lãnh đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của công ty” nhưng mức độ, cách thức phải “căn cứ vào điều lệ và các quy chế, quy định của công ty để tham gia”; trong công tác tổ chức, cán bộ, cấp uỷ đảng không còn nhiệm vụ “xây dựng quy hoạch, quy chế, quy định về công tác cán bộ của doanh nghiệp “ mà chỉ còn “tham gia ý kiến với hội đồng quản trị về chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy quản lý, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ trong công ty”.

Đối với các tổ chức cơ sở đảng trong công ty cổ phần không còn vốn Nhà nước, chức năng, nhiệm vụ hàng đầu chỉ còn là: “Lãnh đạo đảng viên, người lao động trong doanh nghiệp và tuyên truyền, vận động… các thành viên hội đồng quản trị và ban giám đốc thực hiện đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hợp đồng và các thỏa ước lao động đã ký kết” [18, tr.2]. Trong công tác tổ chức, cán bộ, tổ chức cơ sở đảng chỉ có nhiệm vụ: “Chủ động tham gia với chủ doanh nghiệp, giám đốc trong việc đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ quản lý, lao động kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ trong doanh nghiệp”; không còn đặt ra nhiệm vụ “tham gia ý kiến với hội đồng quản trị về chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy quản lý, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ trong công ty”.

- Môi trường hoạt động và đối tượng lãnh đạo có sự thay đổi. Sự thay đổi về sở hữu và loại hình doanh nghiệp dẫn đến cơ cấu tổ chức, phương thức quản lý, điều hành, hoạt động của doanh nghiệp có nhiều thay đổi lớn, làm thay đổi môi trường hoạt động và đối tượng lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng so với trước khi cổ phần hoá. Trong môi trường hoạt động của doanh nghiệp

cổ phần, điều kiện hoạt động của tổ chức cơ sở đảng không còn thuận lợi như trong doanh nghiệp nhà nước, ngay cả ở những doanh nghiệp nhà nước còn nắm một phần vốn, do sự chi phối của mối quan tâm hàng đầu, sống còn của doanh nghiệp là vấn đề lợi nhuận.

Vai trò lãnh đạo của các tổ chức cơ sở đảng gặp không ít khó khăn trước những thay đổi từ bên trong của doanh nghiệp, từ chỗ chỉ độc tôn sở hữu nhà nước nay thành đa sở hữu. Ban giám đốc do Nhà nước bổ nhiệm nay bị chia sẻ cho các đại diện của những cổ đông là thành viên hội đồng quản trị. Sự thay đổi này làm cho không ít tổ chức cơ sở đảng lúng túng trong lãnh đạo.

Trong doanh nghiệp nhà nước, người lao động được xếp vào cán bộ, công nhân, viên chức. Đảng viên trong tổ chức cơ sở đảng đều là cán bộ, công nhân viên chức của doanh nghiệp. Tất cả cán bộ trong hội đồng quản trị, ban giám đốc đều là cán bộ, viên chức của doanh nghiệp; tất cả đảng viên trong hội đồng quản trị, ban giám đốc đều là đảng viên của tổ chức đảng trong doanh nghiệp. Đối tượng lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp nhà nước rất rõ ràng, bao gồm toàn bộ cán bộ, công nhân, viên chức của doanh nghiệp, toàn bộ đảng viên đồng thời cũng là cán bộ, công nhân, viên chức trong doanh nghiệp.

Sau khi cổ phần hóa thì chỉ có cổ đông và người lao động trong doanh nghiệp. Người lao động có thể là cổ đông của doanh nghiệp hoặc chỉ là lao động thuần túy; mặt khác cổ đông của doanh nghiệp có thể là người lao động trong doanh nghiệp hoặc chỉ là cổ đông của doanh nghiệp. Do đó, đối tượng lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp cổ phần hoá không còn đơn giản như trước đây về vai trò, sự hiểu biết... Đối tượng lãnh đạo của TCCSĐ ở doanh nghiệp lúc này chỉ gồm người lao động và những cổ đông là người lao động trong doanh nghiệp.

Về đảng viên, tổ chức cơ sở đảng chỉ quản lý những đảng viên là người lao động trong doanh nghiệp, còn đảng viên là cổ đông, nhưng không phải là

người lao động trong doanh nghiệp thì họ sinh hoạt ở tổ chức đảng khác. Đội ngũ đảng viên của doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hoá ở Quảng Bình hiện nay hầu hết là những người vừa là cổ đông vừa là người lao động trong doanh nghiệp chiếm gần 95%, nên sự lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng doanh nghiệp còn khá thuận lợi.

Tuy nhiên, cũng có một số doanh nghiệp mà cổ đông của doanh nghiệp là người ngoài doanh nghiệp, hoặc những đối tác chiến lược, họ là đảng viên nhưng không phải người lao động trong doanh nghiệp nên họ không chịu sự quản lý, lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp đó. Việc tổ chức cơ sở đảng doanh nghiệp tuyên truyền, vận động họ cũng gặp nhiều khó khăn.

- Mối quan hệ của tổ chức đảng với hội đồng quản trị và cách thức hoạt động của tổ chứccơ sởđảng có những thay đổi quan trọng.

Đối với các tổ chức cơ sở đảng trong công ty cổ phần có vốn Nhà nước, mối quan hệ của tổ chức đảng với hội đồng quản trị và ban giám đốc là quan hệ phối hợp, có trách nhiệm tạo điều kiện cho nhau. Hội đồng quản trị và giám đốc không phải có trách nhiệm “báo cáo” cấp uỷ về tình hình doanh nghiệp và những chủ trương, nhiệm vụ của doanh nghiệp, nhưng định kỳ hoặc khi cần, hội đồng quản trị, giám đốc vẫn có trách nhiệm “trao đổi” với cấp uỷ về những chủ trương, nhiệm vụ của công ty”.

Đối với các tổ chức cơ sở đảng trong công ty cổ phần không còn vốn Nhà nước, mối quan hệ của tổ chức đảng với hội đồng quản trị và ban giám đốc là quan hệ “hợp tác” theo nguyên tắc “đồng thuận”

Trong cả hai loại công ty cổ phần trên, bí thư cấp uỷ đều phải chịu trách nhiệm trước tổ chức đảng, còn chủ tịch hội đồng quản trị, giám đốc nếu không là đảng viên thì chỉ chịu trách nhiệm trước pháp luật khi xảy ra sai phạm trong công ty.

Cách thức hoạt động của tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hoá có những thay đổi. Do những thay đổi về sở hữu, cơ cấu và mục tiêu, nhiệm vụ ưu tiên của doanh nghiệp, hoạt động của tổ chức đảng không thể theo lối hành chính như trước. Từ việc tổ chức sinh hoạt đến

phương thức lãnh đạo đều phải có sự điều chỉnh cho phù hợp theo hướng linh hoạt, hiệu quả. Cách lãnh đạo chủ yếu dùng hình thức “mềm” là tuyên truyền, vận động.

1.2. QUAN NIỆM, TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ VIỆC XÂY DỰNG, CỦNG CỐ TỔ CHỨC CƠ SỞ ĐẢNG TRONG DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC ĐÃ CỔ PHẦN HOÁ

Một phần của tài liệu XÂY DỰNG, CỦNG CỐ TỔ CHỨC CƠ SỞ ĐẢNG TRONG CÁC DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC ĐÃ CỔ PHẦN HOÁ Ở TỈNH QUẢNG BÌNH TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY (Trang 30 - 35)