1.3.1. Ưu điểm
* Về chỉ đạo xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá
Những năm qua, Tỉnh uỷ Quảng Bình đã coi trọng việc củng cố, chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Ngày 1-12-2001 UBND tỉnh đã ra chỉ thị số 30/2001/CT-UB về việc tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp doanh nghiệp nhà nước theo tinh thần nghị quyết Trung ương 3, sau đó Thường vụ tỉnh uỷ đã ra thông báo số 451 TB/TU ngày 25-6- 2002, kết luận thống nhất các nội dung đề án của UBND tỉnh. Trong báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV nhiệm kỳ 2005-2010 đã đề ra:
Nâng cao chất lượng của tổ chức cơ sở đảng các cấp, gắn với củng cố, đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể. Tập trung xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng, tạo chuyển biến rõ rệt về năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu. Coi trọng đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng và và chấp hành nghiêm túc chế độ sinh hoạt đảng, nhất là sinh hoạt chi bộ; xây dựng tổ chức đảng thực sự là hạt nhân chính trị cơ sở [32, tr.38-39]. Trong những năm qua, Đảng bộ khối doanh nghiệp (là đảng bộ cấp trên trực tiếp của các đảng bộ, chi bộ các doanh nghiệp đã cổ phần hoá) đã quán
triệt và triển khai đồng bộ các nội dung xây dựng Đảng theo nghị quyết của Đại hội IX, X, các nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương, chỉ thị, chương trình kế hoạch của Ban Bí thư, Bộ Chính trị, các nghị quyết Tỉnh Đảng bộ lần thứ XIII, XIV, Chương trình công tác của Thường vụ tỉnh uỷ. Đảng uỷ khối đã tập trung lãnh đạo đẩy mạnh việc thực hiện cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Thực hiện chỉ thị số 16 CT/TU ngày 3-3-2003 của Thường vụ tỉnh uỷ và hướng dẫn số 01 HD/TU ngày 5-3-2003 của Ban Tổ chức tỉnh uỷ về đại hội Đảng bộ cơ sở nhiệm kỳ 2003-2005. Thường vụ Đảng uỷ khối doanh nghiệp đã có kế hoạch số 19KH/DU ngày 17-3-2003 lãnh đạo, chỉ đạo Đại hội cơ sở, qua đó nhằm kiện toàn đội ngũ cấp uỷ của các doanh nghiệp, xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch vững mạnh. Nhờ sự chỉ đạo chặt chẽ của các tổ chức cơ sở đảng từ đảng uỷ đến chi bộ các doanh nghiệp sau cổ phần hoá nên đã phát huy vai trò hạt nhân chính trị lãnh đạo, xây dựng và củng cố tổ chức cơ sở đảng, tạo chuyển biến tích cực, thống nhất cao hơn về chính trị, tư tưởng trong việc thực hiện đường lối đổi mới của Đảng. Nâng cao một bước về ý thức xây dựng Đảng của cán bộ, đảng viên, tạo niềm tin của quần chúng nhân dân với Đảng. Ngăn chặn đẩy lùi những biểu hiện lệch lạc, hoang mang, dao động, giảm sút niềm tin vào con đường đi lên CNXH mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.
* Việc thực hiện các mặt công tác để kiện toàn, củng cố các tổ chức cơ sở đảng trong các doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hoá ở Quảng Bình.
+ Về kiện toàn tổ chức: Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 33 CT/TU ngày 16- 12-2004 của Thường vụ Tỉnh uỷ về việc sắp xếp, củng cố và phát triển tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, Đảng uỷ khối doanh nghiệp đã phối hợp với ban Tổ chức Tỉnh uỷ tiến hành khảo sát việc thành lập TCCSĐ tại một số doanh nghiệp ngoài quốc doanh; sát nhập đảng bộ Công ty Cổ phần Cơ khí ô tô vào đảng bộ Công ty Xây dựng Tổng hợp Trường Thịnh; thành lập mới chi bộ Xí nghiệp Than Quảng Bình và tiếp nhận đảng bộ Công
ty Cổ phần Lương thực Bình Trị Thiên. Thường vụ đảng uỷ đã ra quyết định đổi tên cho tổ chức cơ sở đảng và các doanh nghiệp chuyển sang cổ phần hoá.
Nhìn chung, tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hoá ở Quảng Bình được kiện toàn và củng cố một bước. Trong 30 doanh nghiệp đã cổ phần hoá, thì 100% có tổ chức cơ sở đảng lãnh đạo, bao gồm 11 chi bộ cơ sở và 19 đảng bộ cơ sở, với tổng số đảng viên là 1.431 người. Các đảng bộ bộ phận và chi bộ trực thuộc có 116 tổ chức, được phân bố theo điều kiện và địa bàn sản xuất, kinh doanh của từng đơn vị [Phụ lục 1]. Việc chuyển đổi tổ chức đảng theo quá trình chuyển đổi cổ phần hoá doanh nghiệp đã đảm bảo sự lãnh đạo kịp thời, liên tục, không bị gián đoạn của Đảng, góp phần tạo được sự ổn định trong sản xuất, kinh doanh và yên tâm phấn khởi của cán bộ, đảng viên, người lao động trong doanh nghiệp sau cổ phần hoá.
+ Việc điều chỉnh và tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ, phương thức lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng:
Sau khi cổ phần hoá, các tổ chức đảng đã cố gắng điều chỉnh hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động mới theo quy định của Trung ương và đặc điểm của doanh nghiệp. Khi là doanh nghiệp nhà nước, TCCSĐ có chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm cao trong lãnh đạo thực hiện đường lối chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, xây dựng đảng bộ, chi bộ và doanh nghiệp vững mạnh, đảm bảo vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Sau khi chuyển đổi cổ phần hoá, các tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp nhà nước nắm dưới 51% cổ phần có nhiều thay đổi về chức năng, nhiệm. Việc lãnh đạo đảng viên, người lao động và tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp, các thành viên hội đồng quản trị và ban giám đốc nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ở doanh nghiệp trở thành nhiệm vụ chủ yếu.
Tuy chức năng nhiệm vụ có thay đổi, nhưng các tổ chức cơ sở đảng trong các doanh nghiệp sau cổ phần hoá ở Quảng Bình vẫn giữ vững vị trí, vai
trò là “hạt nhân chính trị” trong công tác lãnh đạo. Thực tế cho thấy trong 30 doanh nghiệp đã cổ phần hoá thì thì có 30 tổ chức cơ sở đảng của doanh nghiệp là đảng bộ, chi bộ được hình thành kịp thời và đã phát huy tốt vai trò lãnh đạo của Đảng, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, kinh tế trên các lĩnh vực: lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, an ninh quốc phòng; lãnh đạo công tác chính trị tư tưởng; lãnh đạo công tác tổ chức, cán bộ và lãnh đạo công tác xây dựng Đảng.
Sau khi triển thực hiện Phương án 82 về sắp xếp doanh nghiệp, từ năm 2002 đến nay, các tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hoá ở Quảng Bình có nhiều chuyển biến trong đổi mới lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh. Hầu hết các tổ chức cơ sở đảng đã có nghị quyết chuyên đề về phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhiều các cấp uỷ đảng tập trung lãnh đạo các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng ngành nghề theo hướng kinh doanh tổng hợp.
Những cố gắng trên của các tổ chức cơ sở đảng đã góp phần quan trọng tạo nên những chuyển biến tích cực của khối doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hoá. Năng lực sản xuất của các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hoá ở Quảng Bình ngày càng tăng lên, trình độ quản lý tiến bộ hơn trước, doanh thu hàng năm tăng bình quân 18%, nộp ngân sách tăng 15%, chiếm gần 10% tổng thu ngân sách toàn tỉnh. Giá trị xuất khẩu hàng năm trên 11 triệu USD.
Trên các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, đã tổ chức sắp xếp lại sản xuất, xây dựng mới cơ sở vật chất - kỹ thuật, đổi mới thiết bị công nghệ tiến tiến, hướng phát triển mạnh vào tiềm năng thế mạnh địa phương như: sản xuất vật liệu xây dựng, nuôi trồng chế biến nông, lâm, thuỷ sản, chế biến mủ cao su, chế biến gỗ xuất khẩu, sản xuất bia, xe gắn máy, xi măng, gạch tuy nen...
Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp, đã có nhiều cố gắng trồng, quản lý, bảo vệ rừng, sản xuất chế biến mủ cao su, gỗ... cùng các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại - du lịch, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm đã vươn lên làm chủ thị trường.
Bên cạnh việc lãnh đạo mở rộng sản xuất kinh doanh, các tổ chức cơ sở đảng còn chú trọng lãnh đạo việc xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng cao, tiêu chuẩn ISO để nâng cao chất lượng sản phẩm, có sức cạnh tranh và có chỗ đứng trên thị trường.
Phương thức lãnh đạo của TCCSĐ trong doanh nghiệp sau cổ phần hoá cũng có nhiều thay đổi, từ chỗ đề ra chủ trương, chính sách và tổ chức sản xuất kinh doanh có hiệu quả, thể hiện vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường với nhiều thành phần kinh tế, là chỗ dựa cho Đảng và Nhà nước để có các quyết sách phù hợp, quy tụ sức mạnh tổng hợp và là đầu tàu cho các loại hình doanh nghiệp khác noi theo. Đến nay, hoạt động của doanh nghiệp bình đẳng trong cơ chế thị trường cạnh tranh và cùng tồn tại. Trong doanh nghiệp có nhiều chủ sở hữu, quyền lực bị phân chia, nên phương thức lãnh đạo của TCCSĐ phải mềm dẻo, linh hoạt và thiết thực, vừa là hạt nhân chính trị lãnh đạo đảng viên, người lao động, vừa dùng hình thức tuyên truyền, vận động, giải thích… làm sao để các thành viên hội đồng quản trị, ban giám đốc thực hiện đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hầu hết các TCCSĐ đã chuyển đổi kịp thời phương thức lãnh đạo có hiệu quả cao trong các doanh nghiệp đã cổ phần hoá.
Một vấn đề nữa, là đổi mới phương thức lãnh đạo của TCCSĐ phù hợp với thực tế của doanh nghiệp có quan hệ tới cuộc sống và quyền lợi của người lao động. Các TCCSĐ đã xây dựng và thực hiện quy chế làm việc giữa bí thư cấp uỷ với hội đồng quản trị, ban giám đốc giải quyết tốt các mối quan hệ giữa công tác lãnh đạo Đảng và giải quyết nhiệm vụ chuyên môn nên công tác lãnh đạo sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa được phát triển, tiến bộ hơn trước.
+ Việc xây dựng, củng cố cấp uỷ: Sau cổ phần hoá, việc xây dựng cấp uỷ và đội ngũ cán bộ trong các tổ chức cơ sở đảng được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Hầu hết các cán bộ này được xây dựng và tuyển chọn từ bộ máy cán bộ chủ chốt, có kinh nghiệm của doanh nghiệp nhà nước chuyển
sang, có đủ phẩm chất và năng lực, đã bắt đầu đi vào hoạt động có hiệu quả, được đảng viên và quần chúng tín nhiệm. Các tổ chức đảng trực thuộc Đảng bộ khối doanh nghiệp sau kết quả đại hội nhiệm kỳ 2005-2008 với tổng số uỷ viên ban chấp hành bầu được 317 đồng chí, trong đó: tái đắc cử 222 đồng chí, chiếm tỷ lệ 70%; bầu mới 95 đồng chí, chiếm 30%. Trong 30 doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hoá, đội ngũ cấp uỷ viên hiện có 121 người, thì có 87 người đã trước đây đã là cấp uỷ viên trong doanh nghiệp nhà nước, chỉ có 34 người được bầu mới bổ sung, là những lãnh đạo trẻ, có năng lực và nắm giữ cổ phần cao tại doanh nghiệp. Các cấp uỷ viên đều là người nắm giữ các chức vụ quản lý, là chủ tịch HĐQT, trưởng Ban Kiểm soát, ban giám đốc, các trưởng phó phòng ban. Có 22 doanh nghiệp mà bí thư đảng uỷ là chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc công ty.
Các cấp uỷ đã chủ động đề ra chủ trương, nghị quyết và lãnh đạo thực hiện công tác tổ chức, cán bộ đảm bảo đúng tiêu chuẩn, quy trình và thẩm quyền, đồng thời xuất với cấp uỷ cấp trên xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp. Một số cấp uỷ đã chủ động tham gia ý kiến với hội đồng quản trị, giám đốc trong việc đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ quản lý, lao động kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ trong doanh nghiệp.
+ Việc xây dựng và phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp đã cổ phần hoá ở Quảng Bình được các tổ chức đảng chú trọng và thực hiện khá thường xuyên, theo nghị quyết đề ra. Vì vậy, trong các năm số đảng viên hoàn thành xuất sắc và hoàn thành nhiệm vụ: năm 2003 đạt 89,9%, năm 2004 đạt 99,2%, năm 2005 đạt 99,5%. Số vi phạm tư cách đảng viên có xu hướng giảm qua các năm: năm 2003 có 1,1%, năm 2004 có 0,8%, năm 2005 có 0,5% [8]. Đây là dấu hiệu đáng phấn khởi trong quá trình xây dựng và củng cố tổ chức cơ sở đảng của các doanh nghiệp sau cổ phần hoá ở Quảng Bình.
Hàng năm các các doanh nghiệp đã kết nạp ít nhất 1 đảng viên. Đối tượng kết nạp đảng là những đoàn viên thanh niên ưu tú, lực lượng lao động
trẻ, đặc biệt chú trọng bồi dưỡng kết nạp đảng viên là những cổ đông nắm giữ công tác quan lý trong doanh nghiệp. Các đảng bộ làm tốt công tác kết nạp đảng viên mới như: Công ty Cổ phần Xây dựng và Sản xuất vật liệu xây dựng Cosevco 6, Công ty Cổ phần Quản lý và Sửa chữa đường bộ 494; Công ty Cổ phần Công nghiệp và Thương mại, Công ty Cổ phần Sông Gianh, Công ty Cổ phần Du lịch...Việc công nhận đảng viên dự bị thành đảng viên chính thức đảm bảo đúng nguyên tắc, thủ tục quy định. Số đảng viên được kết nạp mới trong 3 năm là 126 đảng viên, chiếm 9% tổng số đảng viên trong các doanh nghiệp đó. Tỷ lệ bình quân hàng năm kết nạp 7% tổng số đảng viên. Trong số đảng viên được kết nạp có 32% là đảng viên nữ, trên 40% là đoàn viên thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh [8].
+ Công tác chính trị, tư tưởng của tổ chức cơ sở đảng trong các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hoá ở Quảng Bình được xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Việc xây dựng kế hoạch và triển khai các nghị quyết, chỉ thị quy định của Trung ương, Tỉnh uỷ, Đảng uỷ cấp trên đến cán bộ, đảng viên được các đảng uỷ, chi uỷ thực hiện nghiêm túc. Khi Đảng uỷ cấp trên tổ chức các đợt học tập, nghiên cứu, quán triệt Cương lĩnh, Nghị quyết, Điều lệ Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh, các nghị quyết của Trung ương, Tỉnh uỷ, triển khai kết luận Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương (khoá IX) về “tăng cường công tác tư tưởng trong tình hình hiện nay”, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, 5 bài học giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đảng uỷ, chi uỷ cơ sở đã vận động chủ doanh nghiệp, chủ tịch hội đồng quản trị tạo điều kiện cho đảng viên, cán bộ được học tập. Bản thân mỗi cấp uỷ viên gương mẫu học tập quán triệt và viết thu hoạch kịp thời, có chất lượng. Qua các đợt học nghị quyết, cán bộ, đảng viên đã nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng, hiểu rõ thêm về đường lối chủ trương và sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng.
Công tác thông tin tuyên truyền được các cấp uỷ chú trọng và, 100% các chi bộ, đảng bộ đều có tạp chí sinh hoạt chi bộ, tạp chí công tác tư tưởng, lý luận và báo chí của Đảng, đoàn thể, ngành và địa phương. Các TCCSĐ trong các doanh nghiệp đều đã xây dựng được đội ngũ “tuyên truyền viên”, “báo cáo viên” nhằm giúp cho công tác thông tin tuyên truyền có hiệu quả.
+ Việc chỉnh đốn, nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, nhất là sinh hoạt chi bộ của tổ chức cơ sở đảng được các TCCSĐ tiến hành thường xuyên đúng định kỳ. Đây là vấn đề rất quan trọng để nâng cao chất lượng của các cấp uỷ đảng. Sau khi cổ phần hoá hầu hết các chi bộ đã duy trì nề nếp sinh hoạt, nêu rõ những quy định về thời gian sinh hoạt trong tháng vào một ngày nhất định,