cán bộ lãnh đạo, quản lý
Cán bộ lãnh đạo, quản lý phải có phong cách làm việc cần cù, siêng năng hết sức mình, làm việc có kế hoạch, bền bỉ với năng suất, hiệu quả cao. Lười biếng không
thể làm cán bộ lãnh đạo, quản lý. Hồ Chí Minh cho rằng lười biếng là kẻ địch của chữ cần, kẻ địch của dân tộc ta trên con đường phát triển. Người lãnh đạo, quản lý không thể chỉ bó gọn sự làm việc của mình trong mấy giờ hành chính. Người cán bộ lãnh đạo, quản lý nhất định cần có khả năng làm việc bất kể ngày đêm, ngày nghỉ, nhất là khi có công việc cần thiết. Cần cù, bền bỉ, sáng tạo phải là phong cách làm việc tất yếu của họ trong suốt cả hành trình làm cán bộ lãnh đạo, quản lý. Làm việc chăm chỉ, cư xử đúng mực, ở thời đại phát triển với tốc độ vũ bão như ngày nay đặc biệt yêu cầu người lãnh đạo, quản lý phải tự mình trải nghiệm. Muốn công việc tiển triển, trước hết phải cần cù làm việc có kế hoạch. Người lãnh đạo, quản lý không được có thói quen “sơ ý”, hoặc qua loa, đại khái. Bất cứ làm việc gì, đều phải tận tâm, tận lực, tỷ mỷ chu đáo, có tinh thần trách nhiệm, hướng tới hiệu quả cao. Làm người kiên trì, nhẫn nại, không làm việc theo kiểu, nước chảy bèo trôi, không vì lợi nhỏ mà để làm hỏng việc lớn, nói phải làm, làm phải có kết quả, cũng là chăm chỉ.
Người lãnh đạo, quản lý có tinh thần vươn lên mạnh mẽ phải luôn lo lắng tới công việc. Cùng với xác định được mục tiêu trước mắt, mục tiêu lâu dài cho bản thân, cho đơn vị, địa phương mình lãnh đạo, quản lý, họ phải cần mẫn, chịu khó, dốc hết sức lực, suốt đời phấn đấu không mệt mỏi, không ngừng nghỉ cho những mục tiêu đó. Biết tận dụng ưu thế đặc trưng của từng độ tuổi trong suốt cuộc đời. Chẳng hạn khi trẻ tuổi nên học, đọc, viết thật nhiều, khi trưởng thành kinh nghiệm phong phú cư xử cẩn thậnv,v. Cần cù chăm chỉ đúng với tư tưởng Hồ Chí Minh còn bao gồm cả việc biết sắp xếp thời gian hợp lý, có kế hoạch hợp lý và khoa học đối với tất cả mọi việc từ học tập, lao động, công tác, chiến đấu cho đến cả đời sống sinh hoạt. Người chăm chỉ làm việc với hiệu suất cao là người hạnh phúc, và khám phá, sáng tạo trong công việc chính là bí mật của mọi thành tựu và văn minh.
Cần đi đôi với kiệm. Cán bộ lãnh đạo, quản lý phải gương mẫu trước quần chúng nhân dân thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Kiệm mà không cần thì kinh tế không gia tăng, phát triển được. Cần cù, chăm chỉ, bền bỉ dẻo dai làm việc kết hợp với tiết kiệm là để tăng năng suất lao động, để đầu tư tái sản xuất, mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội.
Thời gian là quý báu nhất, nó một đi không trở lại. Người lãnh đạo, quản lý phải biết quý trọng và tiết kiệm thời gian, quản lý tốt thời gian của mình. Sự phân biệt giữa người bận rộn và người cần cù mà nhàn hạ là ở chỗ biết quản lý và sử dụng thời gian
của mình và của tập thể một cách tốt nhất. “Sao cho có thể biến 24 giờ thành 48 giờ ?”. Phải biết quy hoạch thời gian, xác định thời gian làm việc có hiệu quả nhất; xắp xếp công việc một cách hợp lý có thời hạn hoàn thành; việc gì có thể ủy quyền, giao cho người khác và cấp dưới thì giao cho họ,v,v.
Cán bộ lãnh đạo, quản lý thì phải biết tiết kiệm thời gian, tiền của không chỉ của riêng mình, mà còn phải có năng lực tổ chức để tiết kiệm thời gian, tiền bạc của người khác, tiết kiệm sức lao động, trang thiết bị, nguyên liệu, vật tư, của cải của nhà nước, của nhân dân. Cán bộ lãnh đạo, quản lý có trách nhiệm làm cho cần cù, sáng tạo, tiết kiệm, chống lãng phí trở thành phong cách làm việc của tất cả quần chúng nhân dân, làm cho mọi người coi đó là một tiền đề giúp dân tộc ta thoát khỏi nghèo nàn và lạc hậu.
Cán bộ lãnh đạo quản lý phải liêm khiết, không được tham ô, phải luôn tôn trọng giữ gìn của công và của nhân dân. Tâm trạng của quần chúng nhân dân ta hiện nay đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý, có thể nói có phần nào đó giống như người xưa từng nhận định:
“Lại không sợ ta nghiêm mà sợ ta Liêm ; Dân không phục ta tài mà phục ta Công ;
Công thì sáng, Liêm thì uy ’’.
Học và làm theo chữ Liêm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ lãnh đạo, quản lý chẳng những không được tham lam, mà phải có lối sống trong sạch, lành mạnh, không tham ô, lãng phí, tất yếu họ sẽ có cả uy và tín. Ngay cả trong điều kiện, cơ chế, chính
sách, pháp luật có kẽ hở, sự giám sát của nhà nước và nhân dân lỏng lẻo, họ cũng không được lộng quyền, tham nhũng, không quấy nhiễu nhân dân. Hơn nữa cán bộ lãnh đạo, quản lý cần có tinh thần đấu tranh kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực và bảo vệ người có tinh thần đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực.
Các cấp ủy đảng và người đứng đầu các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở phải chịu trách nhiệm chống tham nhũng ở nơi mình phụ trách. Khi xảy ra tham nhũng, lãnh phí và các hiện tượng tiêu cực ở địa phương, ngành, cơ quan, đơn vị mình phụ trách thì tùy theo mức độ và tính chất vi phạm của vụ việc mà xem xét hình thức kỷ luật đối với cấp ủy và người đứng đầu về chế độ trách nhiệm.
Cán bộ lãnh đạo, quản lý phải có phong cách quang minh chính đại, thấy việc phải thì dù nhỏ cũng làm, việc trái thì dù nhỏ cũng tránh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích: Cần, Kiệm, Liêm, là gốc rễ của Chính. Nhưng một cây cần có gốc rễ, lại cần có ngành, lá, hoa, quả mới là hoàn toàn. Người cán bộ lãnh đạo, quản lý phải Cần, Kiệm, Liêm, nhưng còn phải Chính mới là người có khí tiết cao thượng, xứng đáng là người dẫn dắt, điều khiển hành động của quần chúng nhân dân. Người liêm chính không sợ hãi trước nhưng uy lực tăm tối, dám dũng cảm gạt bỏ những việc làm trái với đạo lý, không để cho chúng làm bận tâm. Học và làm theo khí tiết cần kiệm liêm chính Hồ Chí Minh mà mình đã tôn thờ, một khi hình thành khí tiết cao thượng, thì bất cứ những thứ danh tiếng, tiền tài, sắc đẹp, địa vị, lợi lộc không chính đáng nào cũng không thể khiến người lãnh đạo, quản lý dao động, ngả nghiêng, hoặc thoái hóa biến chất.
Cán bộ lãnh đạo, quản lý phải có tinh thần chí công vô tư, đối xử công tâm, công bằng với mọi người và công việc, mới có uy tín thực sự. Họ phải biết: "Để công việc nước lên trên, lên trước việc tư, việc nhà. Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi công việc"1. Với tinh thần đó, người lãnh đạo, quản lý mới có thể đặt mình ngoài vòng thị phi, để phán xét sự phải trái. Xuất phát từ sự công tâm; yêu, ghét phân minh; thoát ra khỏi cái tôi và các lợi ích riêng tư; người lãnh đạo, quản lý mới có thể xử lý chính xác sự phải trái, lợi hại, được mất, nên làm hay không nên làm đối với các vấn đề phức tạp trong công tác và cả sinh hoạt nữa. Không nên vì cái lợi nhỏ mà làm hại cái lợi lớn của bản thân, của tập thể, của đất nước. Đừng lấy công luận dùng vào việc riêng. Nắm phép công là sách lược căn bản trong xử thế. Việc gì cũng nắm phép công để xử lý thì dễ phù hợp với thực tế khách quan, sẽ được đa số quần chúng nhân dân ủng hộ. Nếu hành động vì ý nghĩ riêng tư, thì chỉ có thể phù hợp với lợi ích của một số ít người, mà vi phạm đến lợi ích của đa số quần chúng nhân dân.
Để Cần kiệm liêm chính chí công vô tư trở thành phong cách làm việc phổ biến của cán bộ lãnh đạo quản lý, trước hết cần tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng và nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các các Đoàn thể và nhân dân. Đưa cần kiệm liêm chính chí công vô tư thành tiêu chí cán bộ, công chức với các điều khoản chế tài.
Thông qua tăng cường pháp chế và mở rộng dân chủ, bồi dưỡng, tôn vinh phong
1
Hồ Chí Minh: Toàn tập, T 8, N.X.B Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr 285 .
cách làm việc cần kiệm liêm chính, chí công vô tư đi đôi với kiên quyết trừng trị các hiện tượng tham ô, hối lộ, thoái hóa, biến chất, kiếm chác bất minh bằng công quỹ, bằng các kiểu thu vén cá nhân, hoặc ăn cắp,v,v. Thực hiện mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.
Nhận thức và xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với giáo dục, xây dựng phong cách làm việc cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Người ta đã bàn nhiều về mặt trái của cơ chế thị trường tạo điều kiện cho lối sống thực dụng, cá nhân chủ nghĩa, đề cao lợi ích vật chất, đồng tiền, làm cho những người thiếu lương tâm và sự tu dưỡng dễ đi tới tham ô, tham nhũng, tiêu cực. Song, cũng cần nhận thấy, ở những nước đã xây dựng thành công cơ chế thị trường từ lâu, như Xinhgapo, thì bộ máy Nhà nước của họ vẫn đảm bảo có tính trong sạch cao, việc chống tham nhũng, tiêu cực rất có hiệu quả.
ở nước ta, xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy nền kinh tế xã hội phát triển mạnh mẽ theo hướng bền vững, giải quyết hài hòa tăng trưởng kinh tế với thực hiện công bằng và tiến bộ xã hội là điều kiện thuận lợi cho công tác tư tưởng giáo dục, bồi dưỡng, hình thành phong cách làm việc cần kiệm liêm chính, chí công vô tư cho cán bộ lãnh đạo, quản lý trong toàn bộ hệ thống chính trị. Sự phát phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, tăng cường pháp chế và mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đó là những cơ sở thuận lợi cho việc xây dựng phong cách làm việc cần kiệm liêm chính cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý hiện nay.