trách nhiệm cá nhân cao
Người cán bộ bao giờ cũng gắn với tổ chức, nằm trong tổ chức. Nói tới cán bộ lãnh đạo, quản lý là nói tới những người có trọng trách trong một tập thể. Không có người lãnh đạo, quản lý đứng ngoài hay đứng trên tập thể. Bởi vậy, xây dựng phong cách làm việc dân chủ, tập thể là yêu cầu không thể thiếu đối với người cán bộ lãnh đạo, quản lý. Và xét tới cùng, tập thể là lý do tồn tại của người lãnh đạo, quản lý.
Sức mạnh và trí tuệ của Đảng, khả năng thực thi của chính sách Nhà nước đều là bắt nguồn từ tập thể và toàn thể quần chúng nhân dân. Uy tín, sức mạnh của Đảng, Nhà nước một phần lớn là phụ thuộc vào vào phong cách làm việc dân chủ, tập thể, tính quyết đoán và trách nhiệm cá nhân của các cán bộ lãnh đạo, quản lý trong bộ máy Đảng, Nhà nước và các Đoàn thể. Công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đang diễn ra trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, với mục đích tạo ra một xã hội xã hội chủ nghĩa tốt đẹp. Nhiệm vụ đó chỉ có thể giải quyết được khi Đảng ta phát huy được cao nhất tính tự giác, năng lực sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân. Vì thế, khơi dậy và đổi mới phong cách làm việc dân chủ, tập thể trước hết đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đang là vấn đề thời sự cấp bách của cuộc sống hôm nay.
Những kết quả đạt được trong những năm đổi mới đã chứng minh rằng: biết khơi dậy và thực hiện phong cách làm việc dân chủ, khai thác được trí tuệ sáng tạo trong các tập thể lãnh đạo, trong các cán bộ lãnh đạo, quản lý và của quảng đại quần chúng là chiếc “chìa khoá vàng” tháo gỡ khó khăn, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, thúc đẩy công cuộc đổi mới phát triển. Ngược lại, khi trong một tập thể lãnh đạo đã không có bầu không khí làm việc tập thể, thiếu hoặc mất dân chủ, thì không thể có sự đoàn kết, thống nhất và các quyết định đưa ra sẽ không phải là sản phẩm của trí tuệ tập thể. Đó chính là “mảnh đất màu mỡ” để những kẻ cơ hội lợi dụng danh nghĩa tập thể, thực hiện những mưu đồ cá nhân. Đó cũng là nguy cơ dẫn đến sự phân liệt trong Đảng, thậm chí biến chất Đảng. Mất dân chủ trong các tập thể lãnh đạo, trong phong cách làm việc của các cán bộ lãnh đạo sẽ dẫn đến mất dân chủ trong Đảng, và lôgic tất yếu của nó sẽ là không tôn trọng quyền dân chủ cuả quần chúng nhân dân, sẽ làm cho Đảng đối lập với nhân dân. Hậu quả tất yếu là Đảng Cộng sản mất quyền lãnh đạo xã hội.
Mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý cần rèn luyện phong cách làm việc dân chủ, biết thảo luận, bàn bạc cùng đồng nghiệp và cần chúng. Biết bàn thẳng vào sự thật, công việc của nơi mình lãnh đạo, quản lý, thuyết phục quần chúng tin tưởng thực hiện nhiệm vụ được giao. Cán bộ lãnh đạo, quản lý cần biết khen ngợi, thưởng vật chất một cách thích đáng, kịp thời, đúng người, đúng việc, khuyến khích cấp dưới, nhân viên tích cực, hào hứng làm việc.
Cán bộ lãnh đạo, quản lý cần biết tổ chức những cuộc họp có hiệu quả cao. Tránh tổ chức những cuộc họp kéo dài, với những phát biểu hời hợt, chương trình nghị sự chuẩn bị không tốt, thiếu thông tin. Là lãnh đạo, quản lý phải biết tổ chức những cuộc
họp có mục đích được xác định trước, bảo đảm cuộc họp không lạc đề và sẽ đạt được mục đích đặt ra. Cuộc họp cần được tiến hành đúng giờ, không chờ đợi bất cứ ai. Cần làm cho cuộc họp đó trở nên vui vẻ, nhưng không phải là tán gẫu. Kết thúc buổi họp bàng một kế hoạch hành động, hoặc ít nhất là mục tiêu và một đường lối hành động cho tập thể, địa phương mình lãnh đạo, quản lý.
Không chỉ trong cuộc họp, mà trong quan hệ hàng ngày, cán bộ lãnh đạo, quản lý và quần chúng cùng đứng trên lập trường bình đẳng, có thái độ bình đẳng để bàn bạc và thuyết phục. Khi cấp dưới, nhân viên có khuyết điểm thì việc phê bình cũng phải bình tĩnh ôn hòa, tạo ra không khí thoải mái vui vẻ, hài hòa. Không được tự cho mình là cán bộ lãnh đạo, quản lý, động một ý là lên lớp và to tiếng, quát nạt.
Cán bộ lãnh đạo, quản lý cần khiêm tốn lắng nghe, thực sự cầu thị, chịu khó sửa đổi theo những ý kiến đóng góp hợp lý của quần chúng, với những ý kiến của quần chúng nhân dân mà không chính xác thì phải thuyết phục cho họ hiểu. Không được phép hoặc tùy ý chụp mũ đối với những ý kiến bất đồng và những sai sót thông thường của cấp dưới và quần chúng.
Cán bộ lãnh đạo, quản lý nếu có ý thức tập thể cao, biết tạo ra bầu không khí làm việc dân chủ, tôn trọng và lắng nghe ý kiến tập thể, phát huy trí tuệ tập thể, nhưng lại không có tính quyết đoán, không dám chịu trách nhiệm cá nhân trước tập thể, thì không thể có những quyết định kịp thời đáp ứng yêu cầu cuộc sống đòi hỏi và công việc cũng không thể tiến triển được. Do đó, phong cách làm việc của người cán bộ lãnh đạo, quản lý hiện nay nhất thiết cần có sự thống nhất giữa cách làm việc dân chủ, tập thể với tính quyết đoán, dám chịu trách nhiệm cá nhân trước tập thể. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu tấm gương sáng ngời về cách làm việc dân chủ, tôn trọng tập thể, lắng nghe tập thể. Đồng thời, Người cũng dám chịu trách nhiệm cá nhân trước tập thể, trước quốc dân, đồng bào, kịp thời đưa ra những quyết định đúng trong những giờ phút trọng đại của lịch sử dân tộc ta.
Những hiện tượng coi thường tập thể, hoặc dựa dẫm, ỷ lại tập thể, không dám quyết đoán, không nêu cao trách nhiệm cá nhân đều làm trì trệ, suy yếu năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước. Lê-nin đã nhiều lầm phê phán những hiện tượng “thái quá” về tính tập thể, nặng về bàn cãi suông, dẫn đến tình trạng “nhiều sãi không ai đóng cửa chùa’’. Theo Lê-nin, muốn cho công việc được tiến triển nhanh chóng, kịp thời, có hiệu quả, thì nhất thiết phải kết hợp chặt chẽ sự phân
công rõ ràng, tính quyết đoán và có trách nhiệm cá nhân rất cao của các thành viên trong một tập thể lãnh đạo, và của mỗi người cán bộ lãnh đạo, quản lý. Tư tưởng ấy của Lênin giúp chúng ta cắt nghĩa được nguyên nhân vì sao những năm gần đây hội họp, bàn bạc không ít và khá nhiều chủ trương, nghị quyết được đưa ra, nhưng một số mặt trong nền kinh tế - xã hội vẫn chưa tiến triển tốt.
Phong cách làm việc dân chủ, tập thể chỉ có được khi mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý có đức tính thực sự cầu thị, đoàn kết, khiêm tốn, trung thực và thẳng thắn, có lý có tình trong tự phê bình và phê bình. Không thể có được phong cách làm việc dân chủ, tập thể nếu mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý thiếu tính kiên quyết, thiếu sự khoan dung và lòng nhân ái.
Sức mạnh trí tuệ và uy tín của người lãnh đạo, quản lý không chỉ là những điều tự mình nghĩ ra, hay tự mình làm lấy, hoặc tự mình phong cho mình, mà quan trọng hơn chính là việc biết phát huy và tổng hợp được trí tuệ của nhiều người, của tập thể. Sự tổng hợp đó được nâng cao, được biến đổi về chất bởi trí tuệ của người lãnh đạo, quản lý. Với tác phong tập thể - dân chủ, người lãnh đạo, quản lý sẽ học tập, tổng hợp, thăng hoa những cái tốt đẹp của tập thể thành cái chất tốt đẹp của bản thân mình. Vì vậy, trong hoạt động của mình, người lãnh đạo, quản lý phải biết phát huy tác phong dân chủ - tập thể của mình, có nghĩa là:
Trong mọi hoạt động phải thực sự phát huy dân chủ của mọi người, tạo môi trường để mọi người tự do phát biểu chính kiến của mình. Dân chủ nhưng phải bảo đảm tính tập trung lãnh đạo, thiểu số phải phục tùng đa số, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, cá nhân phải phục tùng tổ chức. Mọi ý kiến thiểu số có quyền được bảo lưu, nhưng khi đã có nghị quyết đa số thì phải chấp hành.
Thực hiện tác phong dân chủ - tập thể Hồ Chí Minh là: Người lãnh đạo, quản lý muốn biết rõ ưu điểm của mình, muốn biết công tác của mình tốt hay xấu, không gì bằng khuyên cán bộ mình mạnh bạo đề ra ý kiến và phê bình. Như thế, chẳng những không phạm gì đến uy tín của người lãnh đạo mà lại tỏ ra dân chủ thật thà trong Đảng.
Muốn có một chủ trương công tác tối ưu, người lãnh đạo, quản lý nên đưa chủ trương đó ra cho nhiều người trao đổi, thảo luận, góp ý dân chủ. Trước khi quyết định một công việc gì, phải biết trao đổi lại cẩn thận, chu đáo với tập thể, những cộng sự hoặc đồng nghiệp,v,v. Khi đã hình thành quyết định tập thể, người lãnh đạo, quản lý phải có những quyết định dứt khoát, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước tập thể.
Tuy nhiên, không phải lúc nào, việc gì cũng có điều kiện bàn bạc tập thể. Cán bộ lãnh đạo, quản lý cần có bản lĩnh quyết đoán trong giờ phút then chốt để ra quyết sách. Quyết sách là nhân tố quyết định sự phát triển của một tổ chức. Vì vậy, ra quyết sách không thể do dự, không thể kéo dài, khi nào cần đưa thì đưa ra ngay. Muốn vậy, cán bộ lãnh đạo quản lý cần phải khắc phục được một số trở ngại tâm lý trong tình huống cần có quyết sách. Như lo sợ trong quyết sách có chỗ nào chưa thỏa đáng, quá cầu toàn, hoặc sợ thất bại, nên không dám hạ quyết tâm.
Tránh việc không tìm hiểu tình hình đã vội vàng ra quyết sách. Quyết đoán phải trên cơ sở nắm vững sự thật khách quan, không lẫn lộn giữa sự thật khách quan và ý kiến chủ quan của bản thân hoặc của người khác. Sợ người khác đàm tiếu, nói này nói nọ về quyết định của mình. Sợ phải gánh vác trách nhiệm của mình, sợ thất bại.
Ra quyết sách không thể do dự kéo dài. Khi cần đưa ra mà rụt lại là hỏng, vì đã bỏ lỡ thời cơ. Thời cơ một đi không trở lại. Người lãnh đạo, quản lý phải rèn luyện bỏ tính cách do dự không quyết đoán. Song, quyết đoán kịp thời không phải cứ hô hoán một cách mù quáng, Phải có nhạy cảm cao độ về thông tin. Nắm được nhiều thông tin, biết phân tích thông tin, phán đoán chính xác là điều kiện giúp cho quyết đoán nhanh, chuẩn xác, kịp thời trong công việc.
Biết lắng nghe các ý kiến khác nhau. Biết phát hiện vấn đề, xác định mục tiêu chính xác. Biết so sánh các phương án khác nhau để chọn phương án tối ưu. Trong thời điểm cần quyết định mà chưa có tiếng nói chung, thì cán bộ lãnh đạo quản lý phải có quyết sách có tính mạo hiểm trên cơ sở phân tích kỹ lưỡng tình hình cụ thể.
Tóm lại, phong cách làm việc tập thể với tính quyết đoán cá nhân đòi hỏi người cán bộ lãnh đạo, quản lý phải có kiến thức, giàu kinh nghiệm, biết nhìn xa, nhạy cảm với cái mới, có đầu óc sáng kiến, tính chủ động cao, kết hợp được tính tập thể trong lãnh đạo, quản lý với khả năng quyết đoán sáng suốt trên cơ sở hiểu biết tường tận công việc và nắm chắc tình hình. Quyết đạt kỳ được mục tiêu đã xác định. Người lãnh đạo, quản lý giỏi có khả năng tổ chức và lôi cuốn tập thể những người cộng sự, và nhân viên đi theo. Có tinh thần trách nhiệm nghiêm túc, tính kiên quyết, tính nguyên tắc trong khi giải quyết các vấn đề, biết chú ý và thật sự tôn trọng những ý kiến của người khác, bình tĩnh lắng nghe ý kiến quần chúng, ngay cả khi mình không tán thành; có thái độ rộng lượng đối với con người, có tinh thần tự phê bình cao, dám nhận sai lầm và quyết tâm sửa chữa; đó là những đức tính không thể thiếu ở người lãnh đạo, quản lý.