Thống nhất giữa tính đảng, tính nguyên tắc cao với tính năng động, sáng tạo, sự nhạy cảm với cái mớ

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào xây dựng phong cách làm việc của cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ta hiện nay ppt (Trang 42 - 45)

Phong cách làm việc của người lãnh đạo trong hệ thống chính trị nước ta hiện nay, trước hết cần thể hiện rõ tính Đảng và thế giới quan cách mạng. Người lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị đều là công bộc của quần chúng nhân dân. Tác phong làm việc của cán bộ lãnh đạo quản lý thể hiện thế giới quan và tôn chỉ mục đích của Đảng, phương pháp lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước với quần chúng nhân dân.

Nguyên tắc tính Đảng đòi hỏi phải lấy việc chấp hành phương châm đường lối chính sách của Đảng làm điểm xuất phát và điểm kiên trì. Kiên trì nguyên tắc phục vụ cho sự nghiệp của Đảng và nhân dân. Kiên trì phương châm chỉ đạo vì mục tiêu nhiệm vụ, đường lối chung của Đảng, cán bộ lãnh đạo, quản lý cần có khả năng giáo dục, chấn chỉnh thái độ chính trị của mọi người, thống nhất sự nhận thức chính trị của mọi người, phát huy tính chủ động sáng tạo của quần chúng để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của tập thể, đơn vị, địa phương hoặc ngành mình lãnh đạo.

Sự thống nhất giữa tính đảng, tính nguyên tắc cao với tính năng động, sáng tạo, sự nhạy cảm với cái mới. Đây là đặc trưng nổi bật trước nhất của phong cách làm việc khoa học. Phẩm chất hàng đầu của người cán bộ lãnh đạo, quản lý phải là lòng trung thành với lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc trong sự nghiệp đổi mới phát triển đất nước. Phẩm chất này cần quán xuyến trong mọi hoạt động của người cán bộ lãnh đạo, quản lý. Thường ngày, tuỳ hoàn cảnh, điều kiện và đối tượng cụ thể, người cán bộ lãnh đạo, quản lý có thể sử dụng nhiều hình thức, biện pháp khác nhau để hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của mình. Nhưng làm bất cứ công việc gì, trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào, cán bộ lãnh đạo, quản lý đều phải và luôn luôn xuất phát từ quan điểm, đường lối của Đảng, phải đúng với chính sách, pháp luật của Nhà nước. Mọi hoạt động của người lãnh đạo đều phải đặt lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc lên trên hết, phải trung thành với lợi ích của giai cấp và dân tộc, phải quán triệt mục đích phục vụ nhân dân, kiên định mục tiêu đi lên chủ nghĩa xã hội. Phải đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân mà xem xét ra quyết định và xây dựng kế hoạch hành động, giải quyết tốt mọi vấn đề, dũng cảm bảo vệ cái đúng, cái tiến bộ, kịp thời ngăn chặn, phê phán cái sai, cái lạc hậu.

Xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh là mục tiêu của Hồ Chí Minh, của Đảng ta và của cả dân tộc Việt Nam. Con đường đi đến thực hiện thắng lợi hoàn toàn mục tiêu đó là con đường lâu dài, đầy khó khăn gian khổ.

Trong mỗi bước đi lên, Đảng, Nhà nước, nhân dân đều phải đối phó với muôn vàn sự biến đổi, đòi hỏi mỗi người, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý phải sáng suốt, tỉnh táo, nhạy bén để thay đổi cách thức, biện pháp thực hiện các nhiệm vụ chính trị đặt ra.

Biện chứng của cuộc sống là mọi sự vật, hiện tượng luôn luôn vận động và phát triển trong sự phong phú, đa dạng và rất nhiều màu vẻ, và nhân tình thế thái trong cơ chế thị trường là thiên biến vạn hóa. Trong khi đó, mục tiêu, phương hướng, chủ trương, chính sách của Đảng- dù có đúng đắn, chính xác tới mấy cũng là sản phẩm của con người trong một thời gian và không gian hữu hạn, do đó nó không thể là chìa khóa “vạn năng” chung cho tất cả các trường hợp nan giải cụ thể. Bởi vậy, trong quá trình thực thi nhiệm vụ, đồng thời với việc giữ vững quan điểm, lập trường, tính nguyên tắc, người cán bộ lãnh đạo, quản lý phải chủ động, sáng tạo, nhanh nhạy với sự phát triển mới của tình hình để tìm chọn giải pháp tối ưu, phù hợp với điều kiện không gian, thời gian, đối tượng và những con người cụ thể, đồng thời không bao giờ được lãng quên mục đích cuối cùng của sự nghiệp đổi mới ở nước ta. Mọi sự ứng biến, linh hoạt để đạt được mục tiêu, nhiệm vụ chính trị trong mỗi thời kỳ nhất định không được làm tổn hại đến mục tiêu lâu dài đã định cho đất nước trong suốt cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Mục tiêu, lập trường, và những nguyên tắc cơ bản nói trên phải giữ vững như sắt đá. Song, có nhiều con đường để đi đến một mục đích. Bậc thầy của cách mạng vô sản, Lê-nin chỉ ra rằng:

“Chúng ta đã quen khắc phục những khó khăn to lớn phi thường. Không phải vô cớ mà kẻ thù của chúng ta bảo chúng ta là “rắn như đá” và gọi chúng ta là đại biểu của một “chính sách đánh sụn cả xương”. Nhưng chúng ta cũng đã học được - ít nhất cũng đến một chừng mực nào đó - Một nghệ thuật khác cần thiết trong cách mạng: Đó là nghệ thuật mềm dẻo, biết tính đến những điều kiện khách quan đã thay đổi nhanh chóng và đột nhiên thay đổi sách lược, chọn một con đường khác để đi tới đích của chúng ta, nếu con đường, trong một thời gian nhất định nào đó, xem ra không thích hợp nữa, không đi theo được nữa”1.

Thực tế đã và đang chứng minh rằng, tính mục đích luôn luôn phải cứng rắn, mục đích xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội phải giữ vững, nhưng biện pháp để đạt

tới mục đích đó phải hết sức linh hoạt và mềm dẻo. Đó là con đường đi tới giành thắng lợi. Bài học lớn của hơn 20 năm đổi mới vừa qua là trong quá trình đổi mới phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đổi mới toàn diện, đồng bộ, có kế thừa, có bước đi, hình thức và cách làm phù hợp. Đổi mới phải vì lợi ích của nhân dân, phát huy vai trò chủ động sáng tạo của nhân dân, phải xuất phát từ thực tiễn, linh hoạt, nhạy bén với cái mới.

Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, khi mà thế giới đã và đang diễn ra sự đan xen lẫn nhau vừa đấu tranh vừa hợp tác, vừa đối thoại vừa đối đầu, thì bài học này càng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng.

Bản chất của sự năng động, sáng tạo hoàn toàn thống nhất với lòng trung thành. Thực vậy, lòng trung thành hiểu theo nghĩa cách mạng của từ này làm hoàn toàn xa lạ với tính thụ động, giáo điều, rập khuôn máy móc. Lòng trung thành của người lãnh đạo, quản lý trong cơ chế quản lý mới hiện nay được thể hiện bằng phong cách làm việc sáng tạo, khoa học đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội cao. Sự nghiệp đổi mới hiện nay đòi hỏi một phong cách làm việc thực sự năng động, sáng tạo, luôn luôn tìm chọn con đường, biện pháp tối ưu để hoàn thành công việc, để đạt hiệu quả cao trong lãnh đạo và quản lý sản xuất, để vươn lên đáp ứng yêu cầu của thị trường về giá, chất lượng và mỹ thuật sản phẩm. Nhưng sự nhanh nhạy, năng động, sáng tạo trong sản xuất- kinh doanh phải thống nhất với tính Đảng, phải trên cơ sở lập trường của giai cấp công nhân. Nghĩa là, mọi hoạt động sản xuất - kinh doanh đều phải đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, phải theo định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm hài hoà giữa lợi ích cuả Nhà nước, lợi ích tập thể và cá nhân người lao động. Không được vì lợi ích của địa phương mình, ngành mình, tập thể mình mà làm phương hại đến lợi ích của quốc gia, của địa phương khác, ngành khác. Cách làm theo lối “giữ cho tròn” hoặc ngược lại “bung ra hết cỡ”, làm giàu bằng mọi giá, cũng đều là sai lầm, hoàn toàn đối lập, xa lạ với tính năng động, sáng tạo có tính Đảng, tính nguyên tắc cao trong phong cách làm việc cần phải có của người cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ta hiện nay.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào xây dựng phong cách làm việc của cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ta hiện nay ppt (Trang 42 - 45)