Nguyên tắc thành lập bản đồ ngập lụt

Một phần của tài liệu Ứng dụng ảnh viễn thám để đánh giá thiệt hại do lũ áp dụng điển hình tại tỉnh Quảng Nam (Trang 65 - 66)

Ngập lụt là những yếu tố động và thuộc phạm trù tự nhiên có ảnh hưởng của yếu tố xã hội. Sự nhận xét, đánh giá chúng có thể theo những góc độ khác nhau, vì thế trên những nguyên tắc chung thành lập bản đồ, việc thành lập bản đồ ngập lụt cần phải đặc biệt chú ý đến những nguyên tắc sau:

Mục đích của bản đồ phải được xác định cụ thể, rõ ràng. Phải xác định rõ bản đồ được thành lập nhằm mục đích gì?, phục vụ đối tượng nào? và muốn nhấn tới ý tưởng gì? để từ đó có hướng cho nội dung, cho việc lựa chọn những chỉ tiêu, chỉ số ký hiệu bản đồ và phương pháp thành lập.

Bản đồ được thành lập trên cơ sở các thành tựu hiện đại của khoa học kĩ thuật về nội dung cũng như hình thức, theo những nguồn tài liệu chính xác và hiện đại. Vì vậy, khi thành lập bản đồ cần phải khảo sát, kiểm tra về độ chính xác, tính đầy đủ và sự xác thực của những đối tượng, hiện tượng được biểu hiện trên bản đồ. Nội dung bản đồ phải đáp ứng đầy đủ và sâu sắc những đặc trưng của các đối tượng họa đồ như số lượng, cấu trúc, động lực cũng như các mối quan hệ của các đối tượng theo mục đích và chủ đề mà bản đồ đặt ra.

Các đối tượng trên bản đồ phải được phân loại một cách khoa học, đúng đắn về phương pháp, liên tục về hệ thống và thống nhất về nguyên tắc phân loại. Sự biểu hiện chúng trên bản đồ phải được bảo đảm nguyên tắc thống nhất và tương ứng của hệ thống phân loại đã xác định. Đã chọn dấu hiệu nào cho các đối tượng cùng thuộc hệ phân loại phải đảm bảo tính nhất quán, chúng được thể hiện thông qua phương pháp và hệ thống ký hiệu thể hiện và được trình bày đầy đủ, và hệ thống trong bản chú giải bản đồ.

Các đối tượng trên bản đồ phải bảo đảm tính chính xác địa lý. Tính chính xác địa lý là một nguyên tắc quan trọng của bản đồ địa lý. Tất cả những chỉ số làm nội dung đưa lên bản đồ phải được quy về những điểm và vùng cụ thể. Phá nguyên tắc này sẽ dẫn đến sự sơ đồ hoá bản đồ, mất hết ý nghĩa khoa học và thực tiễn của bản đồ.

Một phần của tài liệu Ứng dụng ảnh viễn thám để đánh giá thiệt hại do lũ áp dụng điển hình tại tỉnh Quảng Nam (Trang 65 - 66)