Tổ chức hải quan Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (từ 19/12/1946 đến 7/1954)

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Cơ sở lý luận đổi mới tổ chức hải quan theo mô hình hải quan hiện đại ở Việt Nam hiện nay doc (Trang 33 - 39)

Pháp xâm lược (từ 19/12/1946 đến 7/1954)

* Giai đoạn triệt để bao vây kinh tế địch (19/12/1946 - 3/1947):

Từ giữa năm 1946, Chính phủ đã tích cực chủ động chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến lâu dài. Theo chủ trương của Đảng và Chính phủ, quân dân các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ đã tiến hành cuộc tổng di chuyển các cơ quan, kho tàng, máy móc về các vùng căn cứ ở nông thôn, rừng núi và lên chiến khu Việt Bắc. Cuối tháng 2 năm 1947, khi Trung đoàn Thủ đô rút khỏi Hà Nội, các cơ quan lãnh đạo kháng chiến của Đảng, Chính phủ và Quốc hội đều lần lượt di chuyển lên chiến khu Việt Bắc. Nha Thuế quan và Thuế gián thu chuyển lên đóng trụ sở tại Phủ Thông (Bắc Cạn), gần cơ quan Bộ Tài chính. Đầu năm 1947, Bộ Tài chính quyết định tổ chức thu thuế quan tại hải cảng Diêm Điền (Thụy Anh, Thái Bình). Căn cứ vào tình hình thực tế và nhiệm vụ công tác của các cơ quan thuế quan, ngày 12/2/1947, Bộ Tài chính ra Nghị định số 141-BTC chia Bắc Bộ ra làm 6 khu về phương diện thuế quan:

Khu 1 (khu Thái Nguyên): Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Cạn.

Khu 2 (khu Hà Đông): Hà Đông, Sơn Tây, Sơn La, Hòa Bình, Lai Châu, Ninh Bình, Nam Định, Phủ Lý.

Khu 3 (khu Kiến An): Thái Bình, Hưng Yên, Kiến An, Hải Phòng, Quảng Yên, Hải Dương.

Khu 4 (khu Việt Trì): Hà Giang, Tuyên Quang, Lao Kay, Yên Báy, Phú Thọ, Phúc Yên, Vĩnh Yên.

Khu 5 (khu Bắc Giang): Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Đình Lập, Tiên Yên, Móng Cáy (Hải Ninh).

Khu 6 (khu Hà Nội sáp nhập với khu 2): Hà Nội.

Để cho công việc xuất, nhập theo đúng tinh thần Nghị định, ngày 16/3/1947, Chính phủ ra Sắc lệnh số 29B/SL thành lập Ngoại thương cục trong Bộ Kinh tế. Điều 1 của Sắc lệnh quy định: Chính phủ trực tiếp điều khiển việc ngoại thương. Các hàng hóa xuất nhập tại các hải khẩu và các đồn biên giới chia làm hai hạng: Hạng thứ nhất gồm những hàng hóa cấm xuất nhập cảng và những hàng hóa do Chính phủ trực tiếp đảm nhận việc xuất nhập; Hạng thứ hai gồm các hàng hóa các tư nhân được xuất nhập dưới sự kiểm soát của Chính phủ.

Tổ chức bộ máy: ở Trung ương là Ngoại thương cục; ở địa phương: Chi cục, Chi điếm, Phòng tiếp liệu (thời gian sau ở Liên khu và Khu có Chi nhánh). Ngoại thương cục do Bộ Kinh tế điều khiển. Hội đồng của Ngoại thương cục gồm 4 đại biểu chính thức và 4 đại biểu dự khuyết đại diện cho 4 bộ: Nội vụ, Quốc phòng, Kinh tế và Tài chính, do đại diện của Bộ Kinh tế làm Cục trưởng. Tại những hải khẩu và đồn biên giới có hàng hóa xuất, nhập sẽ đặt một Chi cục ngoại thương, phụ trách việc xuất, nhập cảng. Mỗi Chi cục ngoại thương có một Hội đồng quản trị gồm 4 thành viên của 4 bộ, do đại diện của Bộ Kinh tế làm Chi cục trưởng. Ngày 17/7/1947 Bộ trưởng Bộ Kinh tế ban hành Nghị định số 112-BKT tạm thời ấn định những đồn biên giới, hải khẩu có hoạt động ngoại thương, đó là Lao Kay (nay là Lao Cai), Hà Giang, Cao Bằng, Thất Khê, Thanh Hóa, Nghệ An. Các hàng hóa xuất nhập ở các đồn biên giới khác đều coi như xuất nhập trái phép và thuộc thẩm quyền kiểm soát của cơ quan Thuế quan và Công an. Tại chiến khu III (bao gồm các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương trừ các huyện Đông Triều, Chí Linh, Hải Phòng, Kiến An và Thái Bình), Chính phủ cho đặt một chi nhánh Ngoại thương chịu sự điều khiển và kiểm soát của ông Giám đốc kinh tế khu III. Tháng 10 năm 1947, thực dân Pháp mở cuộc tấn công lớn lên Việt Bắc. Cục diện chiến trường cũng như tình thế chiến tranh đã thay đổi. Một số cửa khẩu không còn khả năng hoạt động ngoại thương. Để giải quyết tốt nguồn hàng phục vụ kháng chiến, ngày 15/10/1947, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị phải phá cuộc tấn công mùa

đông của giặc Pháp, trong đó nhiệm vụ kinh tế, tài chính được Đảng ta xác định là: "Tiếp tục đặt đường chuyên chở, tiếp tế để đặt lại các mối ngoại thương để nhập khẩu những thứ rất cần cho quân giới, quân y, mà Việt Nam chưa thể chế tạo được". Như vậy, hoạt động ngoại thương từ chỗ được quản lý rất chặt chẽ dần dần đi tới buông lỏng, phó mặc cho các cơ quan và tư thương giao thiệp với nhau mua các mặt hàng tùy ý. Do không cân đối được giữa hàng nhập và hàng xuất nên các Chi cục ngoại thương ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Lao Kay lần lượt ngừng hoạt động. Các Chi cục Diêm Điền, Quất Lâm, Thanh Hóa cũng ngưng trệ. Đến đầu năm 1948, gần như tất cả các Chi cục Ngoại thương ngừng hoạt động.

Giữa năm 1948, vấn đề quản lý ngoại thương được đặt lại với phương thức hoạt động mềm dẻo và sát hợp với thực tế hơn. Những Phòng tiếp liệu được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chi nhánh Ngoại thương Liên khu. Chi nhánh Ngoại thương Liên khu trực thuộc Cục Ngoại thương, được thành lập theo Nghị định số 104/BKT/NĐ ngày 20/4/1948 của Bộ Kinh tế. ở Bắc Bộ, các Phòng tiếp liệu được đặt tại Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Đông, Hải Dương, Hưng Yên, còn ở Trung Bộ chỉ mới đặt được ở Thanh Hóa, Quảng Bình.

Ngày 7/12/1948, Bộ trưởng Bộ Kinh tế ban hành Nghị định số 240-BKT/NĐ thành lập tại Lạng Sơn một Chi cục Ngoại thương thuộc Chi nhánh Ngoại thương Liên khu I. Tiếp đó, hệ thống tổ chức của Ngoại thương cục cũng được sắp xếp lại từ Trung ương xuống đến các địa phương. Hệ thống tổ chức Ngoại thương cục theo Nghị định số 242-BKT/NĐ ngày 10/12/1948 như sau: ở Trung ương có Ngoại thương cục; ở Liên khu có Chi nhánh Ngoại thương; ở hải khẩu hoặc đồn biên giới có hoạt động ngoại thương có Chi cục ngoại thương. Tổ chức Phòng tiếp liệu vẫn như cũ. Ngoài ra ở các Chi cục và Phòng tiếp liệu nếu cần thiết thì đặt các chi điếm lệ thuộc vào. Công tác quản lý thuế xuất nhập cũng được Đảng và Chính phủ quan tâm.

* Giai đoạn từ giữa năm 1951 đến Hiệp định Giơnevơ (7/1954):

Ngày 17/7/1951, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Nghị định 63/NĐ ấn định hệ thống tổ chức Sở Thuế thuộc Bộ Tài chính từ Trung ương đến cơ sở gồm các cấp sau: ở Trung ương có Sở Thuế Trung ương; ở Liên khu có Phân sở thuế Liên khu; ở tỉnh có Chi sở thuế tỉnh ở những thành phố hoặc thị trấn lớn có Chi sở thuế thành phố (trực thuộc); ở

huyện có Phòng thuế. ở những nơi cần thiết thì đặt Chi sở thuế xuất nhập khẩu. Tiếp đó, ngày 15/8/1951, Thủ tướng Chính phủ ký Nghị định 118/TTg thành lập Ban Quản lý xuất nhập khẩu Trung ương thay thế Ban đấu tranh kinh tế với địch đã bị giải thể. Chức năng của Ban này không phải là quản lý theo từng tỉnh mà thiết lập vành đai kiểm soát kinh tế để quản lý theo từng tuyến giữa vùng tự do và vùng tạm chiếm (chủ yếu ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ), gồm các tuyến sau:

- Việt Bắc có hai tuyến: tuyến A gồm các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và Quảng Yên; Tuyến B gồm các tỉnh Vĩnh Phúc, Sơn Tây và Phú Thọ.

- Liên khu III có tuyến C gồm một phần tỉnh Sơn Tây, tỉnh Hà Đông, Hà Nam và Ninh Bình.

- Liên khu IV có tuyến Thanh Hóa; tuyến bắc Quảng Bình và Bình - Trị - Thiên. Liên khu V và Nam Bộ, năm 1952 mới đặt ra các tổ chức mới và tiến hành quản lý xuất nhập khẩu theo chính sách mới. Từ sau tháng 7/1951, chúng ta đã xây dựng được một hệ thống cơ sở thu thuế xuất nhập khẩu. Riêng ở Bắc Bộ đã có 30 đồn. Tuyến A thuộc Liên khu Việt Bắc có 10 đồn, 20 trạm, 5 đội kiểm soát..

Về tổ chức các cơ quan quản lý xuất nhập khẩu, Điều lệ tạm thời số 247-TTg ngày 10/4/1953 nói rõ tổ chức và nhiệm vụ của các cơ quan thuộc Ban quản lý xuất nhập khẩu ở Trung ương và các Khu quản lý xuất nhập khẩu hay Phân khu quản lý xuất nhập khẩu ở địa phương.Ngày 28 tháng 4 năm 1953, trên cơ sở hoạt động xuất nhập khẩu có những tiến triển thuận lợi, đồng thời xét theo yêu cầu công việc của từng địa phương, Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành Nghị định số 42-BCT-NĐ-CB thành lập các Khu Quản lý xuất nhập khẩu giữa vùng tự do và vùng tạm chiếm, gồm 6 khu:

- Khu I: tuyến Quảng Yên, Bắc Bắc (Bắc Ninh và Bắc Giang) và nam Vĩnh Phúc. - Khu II: Tuyến bắc Vĩnh Phúc, Phú Thọ và Sơn Tây.

- Khu III: Tuyến Lưỡng Hà (Hà Nội, Hà Đông). - Khu IV: Tuyến Bình Trị Thiên.

- Khu V: Tuyến miền Nam Trung Bộ gồm hai phân khu Bắc và Nam miền Nam Trung Bộ.

- Khu VI: Tuyến tả ngạn sông Hồng Hà.

Mỗi tuyến đặt một bộ máy gồm ba cơ quan: Mậu dịch xuất nhập khẩu, Ngân hàng xuất nhập khẩu và Thuế xuất nhập khẩu hoạt động dưới sự lãnh đạo của Sở thuế, ủy ban Kháng chiến Hành chính các Khu, Liên khu và các Khu Quản lý xuất nhập khẩu.

Ngày 10/9/1953, Bộ Tài chính ban hành Nghị định số 204-TC-ND thành lập các Khu và Chi sở Thuế xuất nhập khẩu, gồm có:

- Khu Thuế xuất nhập khẩu (A) gồm Chi sở Thuế xuất nhập khẩu Quảng Yên, Bắc Bắc cũ sáp nhập lại, đặt dưới quyền lãnh đạo của ủy ban Kháng chiến hành chính Liên khu Việt Bắc, Sở thuế Liên khu và Khu Quản lý xuất nhập khẩu (I).

- Khu Thuế xuất nhập khẩu (B) gồm Chi sở Thuế xuất nhập khẩu Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Sơn Tây cũ sáp nhập lại, đặt dưới quyền lãnh đạo của ủy ban Kháng chiến hành chính Liên khu Việt Bắc, Sở thuế Liên khu và Khu Quản lý xuất nhập khẩu (II).

- Khu Thuế xuất nhập khẩu (C) gồm Chi sở Thuế xuất nhập khẩu Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa cũ sáp nhập lại đặt dưới quyền lãnh đạo của ủy ban Kháng chiến hành chính Liên khu III, Sở thuế Liên khu và Khu Quản lý xuất nhập khẩu (III).

- Khu Thuế xuất nhập khẩu (D) gồm Chi sở Thuế xuất nhập khẩu Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên cũ sáp nhập lại đặt dưới quyền lãnh đạo của ủy ban Kháng chiến hành chính Liên khu IV, Sở thuế Liên khu và Khu Quản lý xuất nhập khẩu (IV). (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

- Khu Thuế xuất nhập khẩu (E) gồm Chi sở Thuế xuất nhập khẩu Liên khu V đặt dưới quyền lãnh đạo của ủy ban Kháng chiến hành chính Liên khu V, Sở thuế Liên khu và Khu Quản lý xuất nhập khẩu (V).

- Khu Thuế xuất nhập khẩu (G) gồm các đơn vị Thuế Xuất nhập khẩu khu Tả ngạn đặt dưới quyền lãnh đạo của ủy ban Kháng chiến hành chính Khu Tả ngạn, Sở thuế Khu và Khu Quản lý xuất nhập khẩu (VI).

- Chi sở Thuế Xuất nhập khẩu Nam Định trực thuộc Khu Thuế (C), đặt dưới quyền lãnh đạo của ủy ban Kháng chiến hành chính và Ty Quản lý Xuất nhập khẩu Nam Định.

- Chi sở Thuế Xuất nhập khẩu khu căn cứ du kích Bình Lục, Lý Nhân, Thanh Liêm, ý Yên (gọi tắt là Chi sở Thuế Xuất nhập khẩu Hà Nam trực thuộc Khu Thuế Xuất khẩu C),

đặt dưới quyền lãnh đạo của ủy ban Kháng chiến hành chính Hà Nam và Ty Quản lý Xuất nhập khẩu Hà Nam.

Các Chi sở Thuế Xuất nhập khẩu biên giới Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lao Kay trực thuộc Sở thuế Liên khu Việt Bắc, đặt dưới quyền lãnh đạo của ủy ban Kháng chiến hành chính và Ty Quản lý Xuất nhập khẩu Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lao Kay.

Về tổ chức: Tổ chức của ngành Thuế Xuất nhập khẩu gồm 4 cấp như sau:

ở Trung ương: Phòng Thuế Xuất nhập khẩu thuộc Sở Thuế Trung ương.

ở các Liên khu: Phân sở Thuế Liên khu (có bộ phận Thuế Xuất nhập khẩu).

ở tỉnh: Chi sở Thuế Xuất nhập khẩu (gồm các bộ phận giúp việc và Ban Kiểm soát).

ở cơ sở có: Đồn và Trạm kiểm soát Thuế Xuất nhập khẩu. Các đồn trạm được đặt theo địa danh hoặc theo số thứ tự.

Như vậy, từ sau khi Nghị định 63/NĐ ban hành thì tổ chức của Sở Thuế quan và Thuế gián thu bị giải thể, thay vào đó là Phòng Thuế xuất nhập khẩu nằm trong Sở thuế Trung ương.

ở Nam Bộ, do hoàn cảnh đặc biệt nên không tổ chức các chi nhánh mậu dịch xuất nhập khẩu ở các tuyến. Việc trao đổi hàng hóa giữa hai vùng chủ yếu dựa vào nhân dân, dưới sự hướng dẫn của Sở mậu dịch Nam Bộ. Năm 1953, Ban đấu tranh kinh tế với địch mới được hình thành, chủ yếu hoạt động ở miền Tây, do Ban Kinh tài Nam Bộ phụ trách. Bộ máy quản lý xuất nhập khẩu ở Nam Bộ cũng được thành lập. ở các cửa khẩu đều có một trạm quản lý xuất nhập khẩu gồm ba bộ phận: Mậu dịch, Ngân hàng và Thuế xuất nhập khẩu và các đội kiểm soát xuất nhập khẩu do Thuế xuất nhập khẩu phụ trách.

Như vậy, một tuần sau ngày nước nhà giành được Độc lập, xác định rõ tầm quan trọng của công tác thuế quan, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ban hành Sắc lệnh thành lập Sở Thuế quan và Thuế gián thu - tiền thân của ngành Hải quan ngày nay. Ngay từ khi ra đời lực lượng thuế quan đã phải đương đầu với một cuộc đấu tranh quyết liệt để giữ vững chủ quyền của đất nước về lĩnh vực thuế quan. Là một lực lượng non trẻ chưa có kinh nghiệm, bước đầu còn tạm sử dụng những hình thức của bộ

máy cũ, qua quá trình hoạt động thực tiễn phục vụ công cuộc kháng chiến và kiến quốc, tổ chức bộ máy dần dần được kiện toàn, đội ngũ thuế quan ngày càng trưởng thành kịp thời đáp ứng tốt nhiệm vụ trong từng thời kỳ cách mạng.

2.1.2. Tổ chức hải quan trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất đất nước (7/1954 - 4/1975)

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Cơ sở lý luận đổi mới tổ chức hải quan theo mô hình hải quan hiện đại ở Việt Nam hiện nay doc (Trang 33 - 39)