Khái quát tình hình kinh tế xã hội của thành phố Hải Phòng

Một phần của tài liệu Văn bản quy phạm pháp luật và hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cấp chính quyền tại thành phố Hải Phòng (Trang 33 - 35)

6. Bố cục của Luận văn

2.1Khái quát tình hình kinh tế xã hội của thành phố Hải Phòng

Hải Phòng là thành phố ven biển, nằm phía Đông miền Duyên hải Bắc Bộ, cách thủ đô Hà Nội 102 km, có diện tích là 1.519km2. Về ranh giới hành chính:

Phía Bắc giáp tỉnh Quảng Ninh; Phía Tây giáp tỉnh Hải Dương; Phía Nam giáp tỉnh Thái Bình; Phía Đông giáp biển Đông.

Hải Phòng là một thành phố cảng và công nghiệp ở miền Bắc Việt Nam, là đô thị loại 1 - thành phố trực thuộc trung ương, là đầu mối giao thông đường biển phía Bắc. Với lợi thế cảng nước sâu, phát triển vận tải biển tại Hải Phòng là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Hải Phòng hiện nay bao gồm 15 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 7 quận (Hồng Bàng, Lê Chân, Ngô Quyền, Kiến An, Hải An, Đồ Sơn, Dương Kinh), 8 huyện (An Dương, An Lão, Bạch Long Vĩ, Cát Hải, Kiến Thuỵ, Tiên Lãng, Thuỷ Nguyên, Vĩnh Bảo). Dân số thành phố là trên 1.837.000 người, trong đó số dân thành thị là trên 847.000 người và số dân ở nông thôn là trên 990.000 người. (theo số liệu điều tra dân số năm 2009). Mật độ dân số 1.207 người/km2.

Kinh tế phát triển ổn định và liên tục tăng trưởng; Cơ sở vật chất kỹ thuật và quy mô kinh tế thành phố tiếp tục phát triển rõ nét; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tiên tiến; tiềm năng, lợi thế của thành phố cảng được khai thác, phát huy toàn diện và hiệu quả hơn; đang từng bước trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, thương mại lớn của cả nước và

trung tâm dịch vụ của vùng Duyên hải Bắc bộ; tích cực chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, đạt được những kết quả bước đầu quan trọng.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt tốc độ tăng trưởng khá cao trong giai đoạn 2006- 2008 (bình quân tăng 12,76%/năm); từ năm 2009 đến năm 2010, tốc độ tăng trưởng chậm hơn do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, bình quân trong 5 năm đạt 11,32%; tuy không đạt mục tiêu Đại hội đề ra (12-13%/năm), song vẫn gấp 1,5 lần mức tăng bình quân chung của cả nước. Nhiều chỉ tiêu đạt cao, về trước kế hoạch từ 1 đến 3 năm, như sản lượng hàng hoá thông qua cảng, thu ngân sách trên địa bàn, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội. Quy mô kinh tế tăng đáng kể so với năm 2005, GDP năm 2010 gấp 1,7 lần, GDP bình quân đầu người tăng 63,4% (năm 2010 đạt 1.742USD/người); tỷ trọng GDP (theo giá so sánh) trong GDP cả nước chiếm khoảng 4,4% (năm 2005 là 3,6%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tiên tiến, tỷ trọng GDP của các nhóm ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ tăng từ 87% năm 2005 lên 90% năm 2010 (trong đó dịch vụ tăng từ 50,8% lên 53%). Một số ngành, lĩnh vực kinh tế chủ lực, nhiều lợi thế phát triển nhanh, có thêm sản phẩm mới.

Hải Phòng là một thành phố lớn của cả nước, đang trong quá trình chuyển mình để thành một thành phố công nghiệp, các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra sôi động. Để điều hành và quản lý các hoạt động kinh tế - xã hội, các cấp chính quyền tại thành phố Hải Phòng đã thực hiện việc đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, văn bản pháp luật của các cơ quan trung trung ương vào đời sống xã hội. Tuy nhiên, các văn bản QPPL của các cơ quan trung ương ban hành ra là để điều chỉnh các quan hệ xã hội chung nhất trên toàn quốc nên không thể điều chỉnh hết tất cả các quan hệ xã hội ở thành phố Hải Phòng. Chính vì thế hoạt động xây dựng pháp luật của các cấp chính quyền ở thành phố Hải Phòng là rất cần thiết để điều chỉnh các quan hệ xã hội rất đặc trưng của địa phương.

Một phần của tài liệu Văn bản quy phạm pháp luật và hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cấp chính quyền tại thành phố Hải Phòng (Trang 33 - 35)