Xu hướng biến động của giai cấp công nhân thành phố Hà Nội thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Sự biến động giai cấp tại thành phố Hà Nội trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá pdf (Trang 33 - 35)

Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, giai cấp công nhân Hà Nội luôn có sự biến động mạnh mẽ. Sự biến động đó thể hiện ở các mặt số lượng, chất lượng và đặc biệt giai cấp công nhân Hà Nội ngày càng có kết cấu xã hội phức tạp.

Trong những năm 1954 - 1975, Hà Nội cũng như nền kinh tế ở miền Bắc nói chung từng bước trở nên thuần nhất với hai hình thức sở hữu chủ yếu là sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể; kinh tế cá thể ngày càng bị thu hẹp, kinh tế TBTN và kinh tế TBNN từng bước bị xoá bỏ. Đến đầu năm 1975, ở miền Bắc, kinh tế XHCN (kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể) chiếm 88,9% tổng sản phẩm xã hội. Tương ứng với nền kinh tế này, cơ cấu giai cấp - xã hội cũng trở nên đơn giản và thuần nhất. Công nhân, lao động thời kỳ này chủ yếu làm việc trong thành phần kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể, chưa có sự khác nhau về trình độ, thu nhập nên chưa có sự biến động lớn.

Từ năm 1976 đến năm 1986, thực hiện đường lối phát triển kinh tế do Đại hội IV và Đại hội V của Đảng đề ra, nền công nghiệp nước ta từng bước được chú trọng phát triển. Cùng với quá trình đó, giai cấp công nhân đã có những biến động về số lượng, chất lượng, nhưng do nền kinh tế nước ta vẫn là nền kinh tế tập trung, bao cấp với hai thành phần kinh tế chủ yếu là quốc doanh và tập thể nên sự biến động đó chưa thực sự rõ nét.

Từ năm 1986 đến nay, thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, mở rộng hợp tác liên doanh với nước ngoài, đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước trong bối cảnh toàn cầu hoá và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật đã làm cho đời sống kinh tế xã hội có bước chuyển biến lớn. Quá trình đó đã tác động mạnh mẽ đến cơ cấu xã hội giai cấp tạo ra sự biến động sâu sắc. Một trong những giai cấp có biến động mạnh mẽ nhất là giai cấp công nhân. Số lượng giai cấp công nhân Hà Nội tăng lên nhanh chóng. Công nhân có mặt ở hầu hết các ngành, các lĩnh vực kinh tế chủ chốt của toàn xã hội. Họ không chỉ làm việc trong các ngành công nghiệp và dịch vụ công nghiệp thuộc doanh nghiệp nhà nước, HTX (doanh nghiệp tập thể) mà còn bao gồm cả những công nhân làm việc trong doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp doanh, TNHH, công ty cổ phần, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài,... Ngoài ra, đội ngũ công nhân cũng còn bao gồm những công nhân, lao động làm thuê, làm công hưởng lương trong các cơ sở

sản xuất, kinh doanh cá thể (cá nhân và hộ gia đình sản xuất, kinh doanh cá thể). Bên cạnh đó, chất lượng công nhân có những thay đổi rõ rệt. Trình độ chuyên môn, tay nghề, ý thức chính trị, ý thức giai cấp được nâng cao, ngày càng khẳng định được địa vị kinh tế - xã hội của giai cấp có sứ mệnh lịch sử đối với sự nghiệp xây dựng đất nước. Sự biến động của giai cấp công nhân còn thể hiện ở xu hướng phân hoá trong đội ngũ công nhân ngày càng rõ rệt, tạo ra sự đa dạng hoá trong đội ngũ công nhân; hình thành những kết cấu xã hội giai cấp mới, có tác động mạnh mẽ tới sự phát triển của giai cấp công nhân.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Sự biến động giai cấp tại thành phố Hà Nội trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá pdf (Trang 33 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(87 trang)