Hiện trạng về vị trí, hình dạng và tổ chức giao thông tại các điểm dừng xe bus

Một phần của tài liệu TỔ CHỨC GIAO THÔNG TRÊN ĐƯỜNG TRỤC CHÍNH ĐÔ THỊ ĐOẠN TỪ: NHỔN – CỬA NAM (Trang 39 - 41)

Khảo sát trên các phố: Hồ Tùng Mậu, Xuân Thủy, Cầu Giấy, Kim Mã, Nguyễn Thái Học, có tất cả 30 điểm dừng xe bus và 1 điểm trung chuyển trước Trường Đại học Giao thông vận tải. Theo chiều từ phố Kim Mã – phố Hồ Tùng Mậu có 13 điểm dừng và chiều từ phố Hồ Tùng Mậu – phố Nguyễn Thái Học có 17 điểm. Các điểm dừng này có khoảng cách trung bình 500 m. Đây là một khoảng cách hợp lý đối với các tuyến vận tải hành khách công cộng trong thành phố. Trong tổng số 30 điểm dừng xe bus dọc tuyến, có 12 điểm có nhà chờ dành cho hành khách, còn lại 18 điểm chỉ có biển báo số hiệu các tuyến đi qua.

Do đoạn tuyến từ Nhổn – Cửa Nam là một trục đường chính, nối liền những khu dân cư lớn như khu vực trung tâm Hà Nội, các khu đô thị mới hình thành ở phía Tây nên có khá nhiều tuyến bus hoạt động trên đoạn đường này. Hiện có tất cả 24 tuyến bus chạy trên cả chiều dài hoặc một phần chiều dài đoạn tuyến từ Nhổn – Cửa Nam. Cụ thể đó là các tuyến: 05, 07, 09, 13, 16, 18, 20, 22, 23, 24, 25, 26, 28, 29, 30, 32, 33, 34, 38, 39, 49, 50, 55, 57. Trong đó, tuyến 32, 26, 22 là những tuyến có lượng hành khách lớn vào loại bậc nhất trong hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe bus của Hà Nội. Hoạt động của những tuyến bus trên đã chuyên chở một lượng lớn hành khách, góp phần quan trọng vào việc hạn chế lượng phương tiện cá nhân tham gia giao thông trên trục đường.

Tất cả các điểm dừng xe bus trên đoạn tuyến đều thuộc dạng điểm dừng không có làn phụ. Hành khách chờ xe bus trên vỉa hè bên tay phải của mỗi chiều giao thông. Xe bus thường chuyển động trên làn đường ngoài cùng bên trái của mỗi chiều giao thông nên khi tiếp cận điểm dừng đón trả khách sẽ gây xung đột với phương tiện chuyển động trên các làn đường còn lại. Đây cũng là đặc điểm chung của mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe bus của thành phố Hà Nội. Trên các phố Hồ Tùng Mậu, Xuân Thủy, Cầu Giấy, Kim Mã, Nguyễn Thái Học, ngoài hạn chế về tiếp cận điểm dừng như đã nêu ở trên, xe bus hầu như không gặp trở ngại gì khác trong quá trình hoạt động. Nhưng trên đoạn đường từ cầu Diễn – Nhổn, hoạt động của xe bus khó khăn hơn nhiều. Do làn đường quá hẹp, chiều rộng xe bus chiếm trọn làn đường nên không thể vượt tránh các phương tiện khác. Chạy cùng làn đường với các phương tiện có vận tốc nhỏ hơn như xe máy, xe đạp làm vận tốc của xe bus giảm đi rất nhiều, ảnh hưởng lớn đến khả năng vận chuyển hành khách. Các điểm dừng được bố trí trên lề đất ven đường, không có vỉa hè, không có nhà chờ. Điều này gây nguy hiểm và bất tiện cho hành khách chờ xe bus (đặc biệt trong điều kiện trời mưa). Hạn chế căn bản của hệ thống bus nói riêng và của giao thông nói chung trên đoạn cầu Diễn – Nhổn vẫn nằm ở cơ sở hạ tầng yếu kém.

Hình 2.11. Cấu tạo chỗ dừng xe không có làn phụ

Trên đoạn tuyến này, ngoài các điểm dừng thường thấy như ở trên, có một điểm trung chuyển lớn trước Trường Đại học Giao thông vận tải. Đây là một điểm đón trả, trung chuyển hành khách được thiết kế hoàn chỉnh. Mặt bằng điểm trung chuyển lớn. Xe bus tiếp cận các điểm dừng bằng làn đường riêng, không ảnh hưởng đến các dòng giao thông khác. Cơ sở hạ tầng của các điểm dừng cũng rất tốt: có kè đợi, nhà chờ dành cho hành khách, có biển báo ký hiệu tuyến bus, có cầu vượt giúp hành khách tiếp cận điểm dừng an toàn. Phía trước điểm trung chuyển khoảng 30 m (về phía đường Kim Mã) có một vị trí để xe bus đổi làn đường khi ra/vào đón trả khách. Nhờ cách tổ chức giao thông này mà xe bus có thể đón trả hành khách mà không cần thay đổi phia của cửa lên xuống.

Hình 2.12. Hình ảnh điểm trung chuyển xe bus Cầu Giấy

Một phần của tài liệu TỔ CHỨC GIAO THÔNG TRÊN ĐƯỜNG TRỤC CHÍNH ĐÔ THỊ ĐOẠN TỪ: NHỔN – CỬA NAM (Trang 39 - 41)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(67 trang)
w